Thứ Hai, 23/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 23/2/2017 14:33'(GMT+7)

Nét đẹp trong lễ hội chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi

Ở chùa Thiên Ấn không có cảnh nhốn nháo, hỗn độn, giành giật, cướp lộc, cướp ấn; không có cảnh bói toán, cờ bạc, ăn xin nơi tổ chức lễ hội; không có cảnh chèo kéo, bắt chẹn hay ép du khách mua bán đồ cúng lễ. Người đi lễ chỉ có thẻ nhang và tấm lòng hướng phật cầu mong bình an trong cả năm.

"Núi Ấn - Sông Trà" được mệnh danh "đệ nhất thắng cảnh" của Quảng Ngãi. Núi Thiên Ấn uy nghi nằm soi mình bên dòng Trà Khúc trong xanh. Quả núi có hình thang cân, cao 106m, trông tựa như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông Trà thơ mộng uốn mình dưới chân núi, vì vậy người xưa gọi tên thắng cảnh này là “Thiên Ấn niêm hà” (ấn trời niêm trên dòng sông xanh). 

Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, cây cối 4 mùa xanh tốt; phía đông bắc có ngôi cổ tự xây dựng từ năm 1695; lưu dấu bước chân hành đạo của Tổ sư Pháp Hóa đến với Quảng Ngãi. Ngôi chùa cổ trên núi Thiên Ấn từng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban sắc tứ năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717) đời Lê Dụ Tông. Chùa Thiên Ấn có kiến trúc đơn giản, nhưng được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh núi Thiên Ấn, một thế đất thiêng trong tâm tưởng người dân Quảng Ngãi. Đứng ở sân chùa Thiên Ấn, du khách có thể quan sát được cả không gian bao la, rộng lớn xung quanh và dòng sông Trà Khúc hiền hòa, thơ mộng chảy ra biển, xa xa nhìn về hướng đông là màu xanh bất tận của biển Đông. Trong những ngày trời quang, nắng đẹp, đứng trên đỉnh núi Ấn ta còn nhìn thấy cả hòn đảo Lý Sơn như con tàu hướng ra biển lớn.   

Trong cổ tự còn lưu giữ chuông cổ. Giai thoại Quảng Ngãi kể rằng, vào thế kỷ 17, người làng Chú Tượng (thuộc huyện Mộ Đức ngày nay) đúc một cái chuông lớn, nhưng đúc xong chuông đánh không kêu. Trong khi đó tại chùa Thiên Ấn, vừa mới trùng tu, vị Tổ sư đời thứ ba của chùa là thiền sư Bảo Ấn mơ thấy có người bảo vào làng Chú Tượng rước chuông về. Tỉnh dậy, sư bèn bảo các môn đệ tìm đến làng Chú Tượng xem thực hư. Đến nơi, các môn đệ kể câu chuyện sư trụ trì, dân làng nghe và đồng ý để các môn đệ thỉnh chuông về. Kỳ lạ thay, khi chuông đem về treo gác chuông trên chùa Thiên Ấn, đánh lên tiếng kêu to, trong và ngân rất xa khắp cả vùng. Hiện nay, chuông được treo ở chính điện của chùa.

Hàng năm, vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi đều đổ về dự Lễ húy kỵ Đệ nhất Tổ sư Pháp Hóa, người đã có công khai sơn lập lên Tổ đình Thiên Ấn. Người đi Lễ với tấm lòng tôn và thắp nén nhang dâng Phật tổ cùng các vị sư Tổ khai sơn lập chùa cầu mong cho gia đạo bình an, sức khỏe dồi dào, công việc làm ăn khấm khá.

Lễ hội này chỉ kéo dài trong 01 buổi sáng ngày 17 tháng giêng hàng năm, nên lượng người đổ về đi dự lễ rất đông với khoảng hơn 10 ngàn người. Điểm đặc biệt là, đến với Lễ này mọi người đều được nhà chùa mời dự cơm chay ăn lấy lộc và còn được cả phần cơm chay mang về cho người ở nhà. Việc phục vụ bữa cơm chay với hơn chục món cho hơn chục ngàn người đến với lễ hội và cả hàng ngàn xuất cơm được đóng hộp phát cho người đến dự lễ mang về đều được nhà chùa lo chu đáo. Đối với người đi lễ được ăn cơm chay của nhà chùa, ai ai cũng cảm thấy thỏa mãn; trong suy nghĩ, hy vọng mọi điều may mắn sẽ đến với mình trong năm mới nhờ hưởng lộc cơm chay của nhà chùa trong ngày Lễ húy kỵ vị Tổ khai Sơn Tổ đình Thiên Ấn. 

Có thể nói, đây là nét văn hóa lễ hội độc đáo, riêng có của tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó cho thấy người Quảng Ngãi thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27 của của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ở lễ hội chùa Thiên Ấn thành phố Quảng Ngãi, mọi người đều thể hiện ý thức văn hóa, văn minh, lịch sự tại nơi diễn ra lễ hội. Để có được kết quả này là do, trong mấy năm gần đây, được sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền thành phố Quảng Ngãi cùng với nhà chùa nên công tác tổ chức, trật tự an ninh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... đã được chuẩn bị rất chu đáo để phục vụ người dân đi lễ đầu năm. Và người dân đến với lễ hội ai nấy phấn khởi, thỏa mãn tâm nguyện, cầu mong một năm mới an lành. 

Du khách gần xa hãy đến với Lễ hội Chùa thiên Ấn hàng năm để chiêm ngưỡng những danh thắng nổi tiếng của miền đất Ấn Trà, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản quê hương, bắt gặp những nụ cười đầm ấm thân thiện của người dân xứ Quảng../.
                                                  
Thanh Hiếu
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất