Từ ngày 24/10 đến 10/11, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, công chúng sẽ có cơ hội
tìm hiểu những hình ảnh, tư liệu về 6 dòng tranh dân gian Việt Nam qua
Triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” do Bảo tàng Gốm sứ Hà
Nội tổ chức.
Trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam, tranh dân gian có vị trí quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến. Nó đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hóa những khái niệm về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ.
SÁNG TẠO TỪ TRANH DÂN GIAN
Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng" là kết quả từ
các tác phẩm gửi đến tham gia cuộc thi Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân
gian Kim Hoàng do chương trình "Cùng bé sáng tạo" tổ chức từ tháng 6/2018.
Chỉ sau 3 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm của
các bạn nhỏ tại Hà Nội. Trong số đó có khoảng hơn 200 tác phẩm là tranh
vẽ, gần 30 các thiết kế thời trang, 45 thiết kế các sản phẩm khác như
bưu thiếp, thiết kế túi, khăn, làm mô hình sáng tạo.
Điều này cho thấy tranh dân gian Kim Hoàng sau một thời gian ngắn được
phục dựng, đã được biết đến và dần có được chỗ đứng trong đời sống hiện
đại.
Trong khuôn khổ Triển lãm "Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng," khán
giả có cơ hội tìm hiểu những hình ảnh, tư liệu về 6 dòng tranh dân gian
Việt Nam gồm: tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh
kính, tranh gói vải và tranh Làng Sình.
Bên cạnh đó, khán giả sẽ được ngắm nhìn các sản phẩm ứng dụng
từ tranh Kim Hoàng như trang phục, các sản phẩm gia dụng, trang trí.
Tối 24/10, 27 bộ trang phục đặc sắc lấy ý tưởng từ tranh dân gian Kim
Hoàng đã được các bạn nhỏ của Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường tiểu học
thực nghiệm và Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trình diễn.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, các hoạt động giới thiệu và quảng bá
tranh dân gian thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ diễn ra
tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
TÌM HIỂU VỀ CÁC DÒNG TRANH DÂN GIAN VIỆT NAM
Sáu dòng tranh dân gian Việt Nam được giới thiệu tại triển lãm
bao gồm: tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh kính,
tranh gói vải và tranh Làng Sình.
Tranh Kim Hoàng
Tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) là dòng tranh dân gian phát
triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Đề tài trong tranh dân gian
Kim Hoàng được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc, giản dị, quen thuộc, của
người dân đồng bằng bắc Bộ nên dễ đi vào lòng người. Hình ảnh trong mỗi
bức tranh là con trâu, con bò, lợn, gà, là đời sống làng quê, cảnh ngày
Tết, ông Công, ông Táo...
Tranh Kim Hoàng thường được in trên giấy hồng điều nên còn được gọi là
tranh Đỏ. Màu của tranh, ngoài màu đỏ làm nền còn có màu đen khi in từ
ván gỗ lên giấy và màu trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm,
tím, hồng… được vẽ, tô sau khi in xong.
Anh
Đào Đình Trung (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), người luôn tâm
huyết phục hồi dòng tranh Kim Hoàn. (Ảnh: TTXVN)
Trên những bức tranh Kim Hoàng không chỉ có hình ảnh, mà có những câu
thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo phía trên góc trái bức tranh. Cả
thơ và hình vẽ được thể hiện trong một bức tranh tạo nên một chỉnh thể
hài hòa, chặt chẽ. Đây chính là đặc điểm tạo sự khác biệt cho dòng tranh
Kim Hoàng.
Tranh Hàng Trống
Tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) là một trong những dòng
tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng
của người kinh kỳ xưa. Tranh Hàng Trống phát triển sớm với dòng tranh
tín ngưỡng, tranh Tết.
Trước kia, cứ gần Tết, người người, nhà nhà làm tranh ở các giáo phường
trên đất kinh kỳ Thăng Long lại mang sản phẩm của mình ra đình Hàng
Trống bày bán. Cái tên tranh Hàng Trống xuất phát từ đó.
Sau này, tranh Hàng Trống tiếp tục hình thành dòng tranh sinh hoạt xã
hội như: Tố nữ, Chợ quê, Hội Tây, Duyệt binh, Múa rồng, Múa lân… hay
dòng tranh phản ánh các tích truyện như: Truyện Kiều, tuồng Sơn Hậu...
Đề tài rộng mở, đáp ứng được cả nhu cầu tín ngưỡng và giải trí nên dòng
tranh này được đông đảo tầng lớp nhân dân ưa chuộng.
Nếu như tranh Đông Hồ thường được tạo ra bằng cách in chồng các ván màu
lên nhau, sau đó bản nét được in cuối cùng để tạo nên tác phẩm thì tranh
Hàng Trống lại sử dụng kỹ thuật nửa in, nửa vẽ.
Tranh được in một lần bản nét, sau đó người nghệ nhân thể hiện bằng việc tô màu, tạo sóng bằng bút lông.
Chỉ với chiếc bút lông trên tay người nghệ nhân đã tạo nên được độ đậm
nhạt khác nhau giữa nét vẽ và các gam màu. Đây chính là nét đặc trưng,
độc đáo riêng của tranh Hàng Trống.
Tranh Đông Hồ
Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) ra đời từ khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển mạnh cho đến nửa đầu thế kỷ 20.
Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động đời sống xã hội nông
nghiệp Việt Nam cổ truyền với các phong tục, tập quán sinh hoạt.
Tranh Ðông Hồ được tạo từ các bản khắc để in vì thế một bức tranh đẹp
thì người vẽ bản mẫu và người khắc lên bản khắc phải đạt đến độ tinh
xảo. Công đoạn in tranh cũng đòi hỏi người thợ phải chính xác và dùng
đúng bản in cũng như màu sắc của bản vẽ.
Tranh được in trên giấy Dó, hay còn gọi là giấy Điệp và thường có các
màu chính như: đen, xanh, chàm, đỏ, vàng được lấy từ các nguyên liệu tự
nhiên vì vậy những sắc màu vừa tươi vừa có độ bền màu cao.
Có 5 loại chủ đề cho tranh Đông Hồ: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc
tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Đề tài của tranh
được lấy từ chính đời sống, sinh hoạt sản xuất của người nông dân.
Nội dung của tranh có thể là những nhân vật trong truyền thuyết, những
cảnh đẹp của đất nước, đến những bức tranh với mong muốn cuộc sống hạnh
phúc, ấm no, mùa màng bội thu, chăn nuôi hiệu quả.
Tranh kính (kiếng) Nam Bộ
Được coi là một sản phẩm không thể thiếu trong nghệ thuật trang trí nội
thất của người Nam Bộ, tranh kính của người dân phương Nam mang đậm
những nét văn hóa, nghệ thuật riêng so với các vùng miền khác của Việt
Nam.
Điểm độc đáo của tranh kính Nam Bộ so với nhiều dòng tranh dân gian khác
là vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó lật tấm kính lại mới là mặt chính
của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kính đều phải vẽ ngược
so với quy trình vẽ tranh thông thường. Điều này đã tạo nên nét độc đáo
hiếm có của dòng tranh kính.
Dòng tranh kính bao gồm nhiều chủng loại tranh đa dạng: tranh thờ tổ
tiên, tranh Thần, tranh Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí
nội thất… Có loại vẽ bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc
kết hợp với kỹ thuật tráng thủy nhưng độc đáo nhất vẫn là tranh kính
cẩn ốc xà cừ.
Tranh Gói vải
Tranh Gói vải là dòng tranh tạo hình nổi trên lụa nổi tiếng một thời ở khắp Nam Bộ được hình thành từ cuối thế kỷ 20.
Một bức tranh hình nổi trên lụa được bắt đầu từ khâu phác thảo vẽ nét.
Nền tranh được người thợ vẽ bằng màu bột. Các chủ thể chính của tranh
(như người, con vật hoặc cây cối…) được dùng bông tạo hình; sau đó dùng
vải, gấm hoặc lụa phủ lên rồi tạo nếp sao cho thật nhất. Sau cùng, keo
sẽ được gắn lên mặt tranh đã được vẽ nền.
Do có hình nổi, có chất liệu lụa, có bột màu tô điểm và tất cả được lồng
ghép đúng tỷ lệ, bố cục chặt chẽ nên tranh nổi trên lụa rất sinh động
và có nét độc đáo.
Tranh làng Sình
Tranh làng Sình (Huế) không chỉ mang nét đẹp văn hóa của làng
của xã mà còn tượng trưng cho nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế thơ mộng và
góp phần làm phong phú cho dòng tranh dân gian của dân tộc.
Tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình mà nó còn gắn liền với chức năng tâm linh của xứ Huế.
Ngoài đề tài chủ yếu phản ánh tín ngưỡng cổ xưa, còn có tranh Tố nữ, tranh tả cảnh sinh hoạt của đời sống thường ngày.
Tranh có nhiều cỡ khác nhau, ứng với nó là kiểu in vẽ cũng khác nhau.
Nguyên liệu tranh được tạo chủ yếu là từ thủ công. Bản khắc được làm từ
gỗ mít. Màu sắc hầu hết được pha chế từ thiên nhiên. Giấy in tranh là
giấy mộc quét điệp. Tranh làng Sình đường nét và bố cục mang tính thô
sơ, chất phác./.
Tùng Lâm (TTXVN)