Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 24/10/2018 8:27'(GMT+7)

Vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Đặc điểm cơ bản của công nghiệp văn hóa ở nước ta: Nhìn từ thực tiễn

Công nghiệp văn hóa Việt Nam có đặc điểm cơ bản là tính chuyển loại hình, tính phức tạp và tính tăng trưởng. Tính chuyển đổi loại hình gắn liền với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tính phức tạp của nó gắn liền với sự xuất hiện của nhiều chủ thể sản xuất và tiêu dùng, cũ mới đan xen, hợp pháp và bất hợp pháp cùng tồn tại. Tính tăng trưởng tuy đã có nhưng còn nhiều hạn chế. Những biểu hiện ấy có thể nhìn thấy rõ trong thực tiễn công nghiệp văn hóa còn hết sức khiêm tốn ở nước ta. 

Chẳng hạn, trong lĩnh vực điện ảnh, công nghiệp văn hóa chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trên cả hai lĩnh vực sản xuất và phát hành phim. Sự hình thành các cơ sở ngoài công lập trong lĩnh vực này ngày càng nhiều và hiệu quả về kinh tế, xã hội tương đối nổi bật. Năm 2007, Hãng phim Phước Sang tham gia sản xuất phim Áo lụa Hà Đông đạt giải thưởng “Cánh Diều Vàng” tại Liên hoan phim toàn quốc do Hội Điện ảnh tổ chức đã phản ánh dấu hiệu mới và bước tiến mới của điện ảnh tư nhân nước ta.

Hệ thống rạp chiếu phim chất lượng cao Magastar do hãng phim Thiên Ngân liên kết với nước ngoài triển khai tại một số thành phố lớn đã tạo ra cách nhìn mới trong thị trường phát hành phim. Ngoài các hãng phim nhà nước, các hãng phim tư nhân cũng bắt đầu tham gia sản xuất phim truyện nhựa. Điều đó đã tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và góp phần nâng cao chất lượng phim, làm phong phú đề tài cũng như cách thể hiện đối với tác phẩm điện ảnh. Các bộ phim do các hãng phim tư nhân sản xuất đã thu hút khán giả như, Những cô gái chân dài, Áo lụa Hà Đông, Trai nhảy, Nụ hôn thần chết, Dòng máu anh hùng... Việc hợp tác liên doanh với nước ngoài cũng được mở rộng, tạo ra những phim có chất lượng cao, như các phim Thời xa vắng, Mùa len trâu, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hà Nội - Hà Nội,... Các nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia làm phim ngày càng nhiều. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Theo thống kê năm 2015, có 8 phim truyện nhựa chiếu rạp, 36 phim tài liệu, 10 phim hoạt hình do Nhà nước đặt hàng, còn số lượng phim do tư nhân sản xuất là 32 phim.

Năm 2015 doanh thu phim chiếu rạp đạt khoảng 102 triệu USD, trong đó doanh thu chiếu phim Việt Nam chiếm 30%. “Cơn sốt” phim Việt trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016 và thời gian gần đây với sự xuất hiện của các phim, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Em là bà nội của anh (2016), Tháng năm rực rỡ(2018)... đã cho thấy sự phát triển của thị trường điện ảnh Việt Nam trong những năm qua.

Về lĩnh vực phát hành phim, ngoài Công ty Xuất nhập khẩu và phát hành phim Trung ương (FAFILM Việt Nam) còn có các cơ sở tư nhân tham gia nhập khẩu phim và hệ thống phát hành phim ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước với những tên gọi rất khác nhau. Khu vực sản xuất phim cũng chính là khu vực sản xuất, kinh doanh. Các cụm rạp phim tư nhân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số địa phương khác đã xuất hiện đáp ứng nhu cầu của người xem, thu hút khán giả đến rạp, cung cấp cho khán giả những tác phẩm điện ảnh mới nhất của thế giới. Một số kênh truyền hình lớn của nước ngoài cũng tham gia vào các rạp chiếu kỹ thuật cao ở các đô thị lớn như HBO, Star Movies, Star World, Cinemax, Hallmark. Đến cuối năm 2015, số lượng rạp chiếu phim ở nước ta là 156 rạp và 561 phòng chiếu (số liệu của Công ty Thiên Ngân Galaxy). Câu lạc bộ sân khấu thử nghiệm Võ Văn Tần 5B, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sân khấu nghệ thuật Thái Dương, Công ty Cổ phần Phước Long cũng tham gia vào các loại nghệ thuật biểu diễn.

Nghệ thuật biểu diễn có vở xiếc Làng tôiÀ Ố Show, chương trình múa rối Nhịp điệu quê hương, vở kịch múa đương đại Mùa hạn hán và cơn mưa, dàn dựng Ionah Show là một chương trình nghệ thuật giải trí gây ấn tượng và thu hút người xem. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, doanh thu trong năm 2015 của ngành đạt khoảng 5,2 triệu USD, tăng trưởng doanh thu ước đạt 5% mỗi năm(1). 

Việt Nam hiện nay có 149 bảo tàng, 300 cửa hàng mua bán tranh tượng, 63 nhà xuất bản thuộc sở hữu nhà nước hoạt động với nhiều loại hình khác nhau được xem là những cấu phần quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Hằng năm, kinh phí của Việt Nam chi cho hoạt động văn hóa chiếm 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2015, vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa đạt 26,7 triệu USD và cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đạt 12,7 triệu USD. Về cơ bản, ở Việt Nam đã bước đầu hình thành thị trường văn hóa và các kết cấu hạ tầng có khả năng thúc đẩy 12 ngành công nghiệp văn hóa phát triển, hình thành các ngành, nghề công nghiệp văn hóa mới, mở rộng thị trường và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng nhìn chung công nghiệp văn hóa Việt Nam còn yếu, hiệu quả kinh tế của nó chiếm tỷ trọng thấp trong kinh tế quốc dân, vị trí trụ cột của nó chưa được xác lập, khu vực tư nhân chưa mạnh.

Những hạn chế chủ yếu của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam 

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015 các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 8,039 tỷ USD, chiếm gần 2,68% GDP cả nước.

Theo quan sát và phân tích của chúng tôi, hạn chế của công nghiệp văn hóa ở nước ta có thể quy về mấy phương diện như sau:

- Công nghiệp văn hóa chiếm tỷ trọng thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Cho đến nay, tỷ trọng công nghiệp văn hóa nước ta trong nền kinh tế quốc dân là hết sức nhỏ bé. Điều đó càng rõ nếu so sánh với các quốc gia phát triển trên thế giới. Mức xuất khẩu công nghiệp bản quyền của điện ảnh, máy tính, phương tiện truyền thông của Mỹ đứng đầu mọi ngành, nghề, giá trị sản xuất trong năm 1996 lên tới 425 tỷ USD, chiếm 6,7% GDP của Mỹ. Quy mô và doanh lợi của Disney đã lọt vào 10 doanh nghiệp hàng đầu. Chỉ riêng thu hồi bán vé bộ phim Titanic đã tới hơn trăm triệu USD. Từ vị trí thứ 11 trong nền kinh tế quốc dân năm 1985, công nghiệp văn hóa đã tiến lên vị trí thứ 6 năm 1994 và trở thành ngành xuất khẩu thứ 2, chỉ sau công nghiệp sản xuất máy bay (chiếm 40% thị trường quốc tế). Tờ Thời báo toàn cầu ngày 18-6-1999 cho biết, hiện nay số lượng báo chí trên thế giới do Mỹ và quốc gia phương Tây chiếm tới hơn 90%, trong đó Mỹ khống chế 75% sản xuất và chế tác các tiết mục toàn cầu. Sản lượng phim ảnh Mỹ chiếm 6% - 7% tổng sản lượng phim toàn cầu nhưng lại chiếm hơn 50% tổng số thời gian chiếu. Tập đoàn Metalman của Đức có mức doanh thu 1997 - 1998 là 25.700 triệu mác, trong đó ngành xuất bản sách đạt tới 7,3 tỷ mác. Ngành kinh doanh tác phẩm nghệ thuật ở Anh có quy mô công nghiệp 17 tỷ USD, sánh vai ngang bằng với công nghiệp ô-tô, 27% thu nhập của ngành du lịch đến từ tác phẩm nghệ thuật. Ở Nhật Bản, công nghiệp văn hóa cũng chỉ xếp sau công nghiệp chế tạo ô-tô. Đây là những con số buộc chúng ta phải suy tính khi tư duy về phát triển công nghiệp văn hóa.

- Phát triển manh mún, không cân bằng.

Tình trạng này thể hiện ở chỗ:

Một là, mất cân bằng về khu vực phát triển. Phần lớn năng lực sản xuất và tài nguyên công nghiệp văn hóa nước ta chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị còn ở nông thôn, miền núi, hải đảo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì công nghiệp văn hóa dường như chưa có gì, thậm chí nhiều người chưa từng biết đến nó. Có những nơi một năm người dân chỉ được xem một bộ phim, có nơi chưa có cả đài phát thanh cho dân. Hệ thống văn hóa công cộng vô cùng yếu kém.

Hai là, mất cân bằng trong phát triển giữa các bộ phận. Đó là sự phát triển chênh lệch giữa các ngành văn hóa truyền thống và các ngành văn hóa hiện đại. Nhiều làng nghề bị quên lãng, nhiều khu di tích văn hóa thiếu sự đầu tư cần thiết, nếu đầu tư thì rất dễ làm biến dạng di sản. Các ngành văn hóa hiện đại nhìn bề ngoài được quan tâm hơn, nhưng thiếu chiều sâu, thiếu sự đồng bộ. 

- Cơ sở công nghiệp văn hóa yếu kém.

Công nghiệp văn hóa nước ta khởi đầu khá muộn và yếu kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Nền tảng yếu, quy mô nhỏ hẹp, manh mún. Trong khi đó, theo Báo cáo năm 1994 của Bộ Thương mại Mỹ, 420 công ty phát thanh có tài sản trên 10 triệu USD và tổng thu nhập của các công ty này là 152 tỷ 528 triệu USD, đó là chưa nói đến rất nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ ở Mỹ. Ở nước ta hiện nay, đại đa số các tập đoàn doanh nghiệp nghệ thuật còn thuộc về đơn vị văn hóa loại hình sự nghiệp. Do thị trường trình diễn không đủ, cơ chế kinh doanh văn hóa không hoàn thiện, trong quá trình chuyển đổi quỹ đạo văn hóa ở nước ta gặp phải rất nhiều khó khăn, như sắp xếp tổ chức, phân công lao động, xây dựng đội ngũ...

- Kết cấu công nghiệp văn hóa không hợp lý, chất lượng vận hành thấp.

Kết cấu nội bộ công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn ở trạng thái phát triển mò mẫm, khiến cho chất lượng vận hành tổng thể của công nghiệp văn hóa không cao, không đủ sức phát triển lâu dài. Việc bố trí hết sức bất cập. Trong khi ở các đô thị lớn có nhiều trung tâm sang trọng để phục vụ các đối tượng có thu nhập cao thì lại thiếu hụt những điểm vui chơi đại chúng cho người có thu nhập thấp. Về phương thức sản xuất kinh doanh, các đơn vị theo mô hình công nghiệp văn hóa truyền thống chiếm đại đa số, trong khi số lượng doanh nghiệp văn hóa dựa vào phương thức sản xuất hiện đại, kỹ thuật cao còn rất ít. Về nội dung kinh doanh, các đơn vị kinh doanh văn hóa bán lẻ chiếm đại đa số, còn số lượng các đơn vị kinh doanh văn hóa tổng hợp và các siêu thị văn hóa thì hết sức khiêm tốn. 

Nguyên nhân yếu kém của phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thì nhiều, nhưng có thể quy về 5 vấn đề chính: 

Một là, quan niệm, nhận thức về phát triển văn hóa chưa thích ứng với điều kiện mới. Nếu như quá trình chuyển đổi tư duy trong lĩnh vực kinh tế tuy gian nan nhưng tốc độ diễn ra khá nhanh thì chuyển biến trong quan niệm, nhận thức về lĩnh vực văn hóa rất chậm. Sự lạc hậu và chậm chạp của nó biểu hiện trước hết ở chỗ chúng ta không nhận thức được chính xác quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, giữa phát triển văn hóa với tư cách phúc lợi xã hội và với tư cách một nghành kinh tế dịch vụ. Trên thế giới xu hướng thị trường hóa các hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ văn hóa, nhất là dịch vụ văn hóa - giải trí được đặc biệt chú ý, bởi trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế, văn hóa cũng như khoa học kỹ thuật đều là sức sản xuất. Đây là điều mà phải mất thời gian khá lâu chúng ta mới nhận thức được. Mặt khác, quan niệm về công nghiệp văn hóa ở nước ta còn mờ nhạt. Lâu nay, nhiều người chỉ coi văn hóa là một hoạt động sự nghiệp mà không nhận thấy thuộc tính kinh tế của văn hóa, không coi tài nguyên văn hóa là một loại năng lượng tài nguyên tồn tại ở cả dạng vật chất và phi vật chất. Điều đó dẫn tới việc chưa có cái nhìn đúng đắn đối với công nghiệp văn hóa. Hơn nữa quan niệm về thị trường văn hóa không theo kịp thực tiễn. Trong khi nhiều ngành, nghề đều đi vào thị trường thì lĩnh vực văn hóa lại phản ứng rất chậm chạp. Quan niệm về thị trường công nghiệp văn hóa nước ta đã không kịp thời bám sát, không được điều chỉnh có hiệu quả trước yêu cầu của một nền kinh tế thị trường khiến cho sức sống nội tại và sức sáng tạo của công nghiệp văn hóa không được giải phóng và phát triển đầy đủ. Đến thời điểm hiện nay, quan niệm về thị trường dịch vụ sản phẩm văn hóa mới bắt đầu được Đảng và Nhà nước ta nhận thức và đi vào đời sống sản xuất, kinh doanh, phát triển văn hóa.

Hai là, cơ chế vận hành xơ cứng, thể chế quản lý thiếu sức sống. Đã tồn tại quá lâu cách quản lý theo mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập mà ở đó Nhà nước đầu tư không hoàn lại, thống nhất bao tiêu sản phẩm, còn xã hội tiêu dùng không phải trả phí. Nhà nước chỉ tính đến đầu tư cho công nghiệp văn hóa mà không tính đến sản xuất và hiệu quả sản xuất, coi trọng hiệu quả xã hội mà xem nhẹ hiệu quả kinh tế, tuy làm nổi bật tính công ích và tính phúc lợi của văn hóa nhưng lại phủ nhận thuộc tính kinh tế của nó. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc coi nhẹ tính chất công nghiệp của công nghiệp văn hóa, không đưa công nghiệp văn hóa vào trong vận hành chỉnh thể của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, thể chế quản lý chia cắt ngành, nghề theo kiểu bảo hộ địa phương đã làm cho cơ chế vận hành văn hóa trở nên xơ cứng. Ngay cả hiện nay, thể chế quản lý công nghiệp văn hóa ở nước ta về các mặt quản lý vĩ mô, bố trí công nghiệp, tài chính, nhân sự, cơ chế vận hành, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, mở rộng tái sản xuất còn chênh lệch rất xa so với yêu cầu đẩy mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa. 

Ba là, kết cấu hạ tầng cho phát triển văn hóa lạc hậu, không phát huy đầy đủ tác dụng. Nếu nói thể chế quản lý và cơ chế vận hành là phần mềm của công nghiệp văn hóa thì kết cấu hạ tầng văn hóa là phần cứng của công nghiệp văn hóa. Về xây dựng phần cứng, nước ta đã đầu tư khá nhiều tài lực nhưng so với yêu cầu của phát triển công nghiệp văn hóa thì vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Một mặt, kết cấu hạ tầng văn hóa ở nước ta lạc hậu, trình độ không cao. Rất nhiều tỉnh và khu vực bố trí các thiết chế văn hóa không hợp lý, có nơi tập trung quá mức tạo nên trùng lặp gây lãng phí, có nơi lại quá phân tán nên không thể xây dựng được công trình văn hóa có tính tiêu biểu. Mặt khác, nhiều thiết chế văn hóa hiện có không phát huy được đầy đủ tác dụng, không thể tạo ra sự nâng đỡ mạnh mẽ cho việc phát triển công nghiệp văn hóa. Có nhiều địa phương do kinh phí eo hẹp nên sử dụng những cơ sở văn hóa hiện có vào các hoạt động kinh doanh không liên quan gì đến văn hóa như mở quán ăn, bán đồ gia dụng... gây lãng phí.

Bốn là, thiếu nhân tài kinh doanh. Điều quan trọng để phát triển văn hóa là cần phải có những nhân tài tinh thông cả về kinh tế lẫn văn hóa. Rất nhiều đơn vị do thiếu nhân tài kinh doanh, tuy điều kiện kinh doanh tốt nhưng lại làm ăn kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do vậy, thiếu nhân tài kinh doanh văn hóa là yếu tố quan trọng hạn chế sự phát triển công nghiệp văn hóa nước ta.

Năm là, chính sách kinh tế văn hóa không đồng bộ, thực thi không đến nơi đến chốn. Chính phủ đã công bố khá nhiều chính sách kinh tế văn hóa nhưng lại thiếu tính đồng bộ, liên tục, có chính sách sai lầm lại không được chỉnh sửa kịp thời, có chính sách cần thiết nhưng lại không được thực thi nhanh chóng. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là thay đổi nhận thức và quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta một cách triệt để. Song song với nó là phải xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Chỉ như thế, văn hóa mới thực sự là một động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội.

Phương hướng và giải pháp phát triển 

Để đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, cần chú trọng làm tốt những vấn đề sau:

Một là, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở điều tra nghiên cứu rộng rãi và chính xác thực trạng xây dựng công nghiệp văn hóa hiện nay để xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa hợp lý. Những cơ sở sản xuất công nghiệp văn hóa chưa phù hợp thì phải cân đối, điều chỉnh. Phải đặt công nghiệp văn hóa vào trong quy hoạch tổng thể phát triển xã hội và kinh tế quốc dân, định ra chính sách và biện pháp nâng đỡ tương ứng, điều chỉnh hài hòa các ngành chức năng hữu quan để hình thành hợp lực. Nhà nước phải nhanh chóng định hình quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa chỉ đạo vĩ mô. Đồng thời, phải chú trọng sự cân đối, xây dựng các trọng điểm, căn cứ vào thực tiễn và thế mạnh của từng địa phương, xác định rõ sự phù hợp giữa công nghiệp văn hóa của địa phương, vùng, miền với quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, vùng, miền cụ thể. 

Hai là, tối ưu hóa môi trường chính sách công nghiệp văn hóa. Nhiệm vụ của chính sách công nghiệp văn hóa hiện nay là bảo đảm cho sự hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển ổn định liên tục của công nghiệp văn hóa. Đây là biện pháp quan trọng để Chính phủ điều hành vĩ mô đối với văn hóa dưới điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không chỉ là vấn đề tăng cường đầu tư cho sự nghiệp văn hóa mang tính công ích. Vì thế, việc tối ưu hóa môi trường chính sách, xây dựng chính sách công nghiệp văn hóa khoa học, gắn với tính đặc thù của công nghiệp văn hóa là hết sức quan trọng, liên quan đến thành bại của phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay. 

Tối ưu hóa hơn nữa môi trường chính sách bên ngoài của công nghiệp văn hóa, như chính sách về sở hữu, quyền sở hữu sử dụng tài nguyên văn hóa, chính sách tiền tệ, tài chính, thuế, chính sách phân phối bố trí nhân tài, chính sách khuyến khích đầu tư góp vốn, tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa liên tục, ổn định.

Định hình và hoàn thiện hệ thống chính sách công nghiệp văn hóa, từng bước hình thành các chính sách chủ đạo bao gồm chính sách cơ cấu công nghiệp, chính sách kỹ thuật công nghiệp, chính sách tổ chức công nghiệp, chính sách thị trường công nghiệp, thông qua tối ưu hóa môi trường chính sách công nghiệp văn hóa để điều chỉnh và thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Ba là, xây dựng hệ thống thể chế quản lý phát triển công nghiệp văn hóa. Trước đây, quản lý văn hóa ở nước ta chủ yếu dựa vào biện pháp hành chính, coi nhẹ việc xây dựng thể chế pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Điều này càng rõ khi tìm hiểu hệ thống chính sách quản lý công nghiệp văn hóa. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, cách quản lý trước đây rõ ràng không còn phù hợp. Vì vậy, phải đẩy nhanh tiến trình lập pháp văn hóa là việc cấp bách hàng đầu. Một mặt, phải thông qua pháp luật để đặt khuôn khổ thể chế cho hình thành và phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, đặc biệt là tạo lập vai trò các chủ thể trên thị trường công nghiệp văn hóa, các luật lệ bảo đảm quyền bình đẳng giữa các chủ thể trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhất là tính phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO và các hiệp định tự do thế hệ mới. Mặt khác, thông qua thể chế pháp luật để tăng cường quản lý văn hóa, bảo đảm sự đúng đắn trong phương hướng xây dựng văn hóa, phát triển lành mạnh của công nghiệp văn hóa, giảm thiểu những hành vi đi ngược lại quy luật phát triển văn hóa và quy luật phát triển công nghiệp văn hóa trong điều kiện mới.

Hoàn thiện nhanh chóng thể chế hành chính, và khi đủ điều kiện chín muồi thì luật hóa để tạo hành lang pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp văn hóa. Vận dụng pháp luật để thực hiện có hiệu quả công năng kiểm tra, giám sát, làm cho việc quản lý công nghiệp văn hóa sớm đi vào quỹ đạo phát triển pháp chế hóa, quy phạm hóa.

Phải đẩy nhanh việc cải cách thể chế văn hóa, không ngừng hoàn thiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần hình thành nhiều cục diện, nhiều chủ thể, nhiều phương diện làm văn hóa, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, và đẩy nhanh phát triển các doanh nghiệp văn hóa theo hướng thực sự là chủ thể trong nền kinh tế thị trường với tư cách vừa là người sản xuất, vừa là người quản lý, tự chủ hạch toán kinh doanh. Chú trọng cơ cấu lại các đơn vị sản xuất, cung ứng dịch vụ văn hóa. Phải căn cứ vào yêu cầu của thị trường để bố trí và tổ chức lại theo hướng tối ưu hóa tài nguyên và nhân lực sản xuất của công nghiệp văn hóa, định hình chính xác các khâu sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, phân phối, tiêu dùng. Chỉ khi nào chúng ta xây dựng được thể chế và cơ chế văn hóa phù hợp thì lúc đó mới thúc đẩy tốt sự giải phóng sức sản xuất văn hóa.

Bốn là, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của công nghiệp văn hóa. Trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam so với các quốc gia phát triển còn có khoảng cách lớn. Điều đó tất sẽ cản trở sự phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của công nghiệp văn hóa phải được coi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Trước hết, việc chú trọng đổi mới khoa học kỹ thuật, tích cực thúc đẩy khoa học kỹ thuật tiến bộ của công nghiệp văn hóa sẽ làm cho trình độ khoa học kỹ thuật của tự thân văn hóa được nâng cao. Thứ hai, việc vận dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại sẽ góp phần mở rộng và nâng cao hàm lượng và sự tinh xảo của các khâu chế tác, đóng gói, truyền bá các sản phẩm văn hóa,... làm cho việc phát triển công nghiệp văn hóa luôn luôn đồng bộ nhịp nhàng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện hình ảnh văn hóa nhằm đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, thẩm mỹ và tính đa dạng của người tiêu dùng văn hóa. Thứ ba, tạo ra sự hòa nhập, đối ứng giữa khoa học kỹ thuật và văn hóa. Ngành văn hóa và ngành khoa học kỹ thuật một khi hòa nhập tốt sẽ hình thành mạng lưới tin tức, quản lý khoa học kỹ thuật hiện đại, tạo ra sự hỗ trợ kỹ thuật kịp thời, hiệu quả đối với phát triển công nghiệp văn hóa.

Năm là, tăng cường xây dựng “phần cứng” của công nghiệp văn hóa.

Việc xây dựng “phần cứng” của công nghiệp văn hóa là cơ sở vật chất để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh và bền vững. Muốn vậy, cần chú ý:

- Tối ưu hóa kết cấu hạ tầng văn hóa, đồng thời căn cứ vào nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa để xây dựng mới những kết cấu hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư ở cả ba cấp độ: toàn quốc, vùng, và địa phương. Các địa phương phải tiến hành xây dựng có trọng điểm kết cấu hạ tầng văn hóa bảo đảm tính đại chúng, khu vui chơi giải trí một cách hợp lý, khoa học.

- Khuyến khích xã hội hóa việc xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, xây dựng cơ chế đầu tư nhiều kênh, đặc biệt là đối tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Trong thu hút tư nhân tham gia, cần lựa chọn các đối tác không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh mà cơ bản hơn là có hiểu biết sâu sắc các phân khúc thị trường công nghiệp văn hóa, đặc thù tổ chức sản xuất, lưu thông, quảng bá, tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa. Cao hơn cả chính là văn hóa kinh doanh lĩnh vực công nghiệp văn hóa - một lĩnh vực tác động đến đời sống tinh thần của con người, bảo đảm cho xã hội phát triển cân bằng và hài hòa.

- Chú ý hiệu quả lâu dài và phát huy hiệu quả thường xuyên của kết cấu hạ tầng văn hóa. Kết cấu hạ tầng văn hóa phải phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng văn hóa, phát huy đầy đủ công năng của nó để hình thành nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa một cách lâu dài, ổn định. /.

---------------------------------------

(1) Báo cáo tổng kết của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2015

 

PGS.TS. Mai Hải Oanh

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất