(TG) - Có một thời, ở tất cả các mũi nhọn của cuộc sống, lực lượng Đoàn viên Thanh niên chiếm tới 70-80%, nhiều nơi là 100%. Giới trẻ thời ấy đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, đưa các vùng sâu, vùng xa tiến gần với miền xuôi...
Những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), một phong trào thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam dấy lên ở khắp nơi, được toàn dân nức lòng hưởng ứng. Năm sau (1961) tại Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ III, đã xác định nhiệm vụ của Đoàn trong giai đoạn mới là “Đoàn kết thanh niên, tổ chức mọi lực lượng, giáo dục thanh niên trong cả nước tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng, cống hiến hết sức mình, phấn đấu hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ lịch sử Đảng đề ra”.
Ở thời điểm này, chúng ta bắt đầu bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng CNXH ở miền Bắc(1961-1965). Trung ương Đoàn phát động một phong trào rộng rãi mang tên Xung phong tình nguyện đi phát triển kinh tế và văn hóa miền núi. Phong trào đã được đông đảo Đoàn viên Thanh niên tham gia sôi nổi. Những lá đơn tình nguyện được các bạn trẻ khắp nơi gửi đến các tổ chức Đoàn. Rất nhiều bạn học hết lớp 10 (khi ấy là năm cuối hệ phổ thông 10 năm) đã "xếp bút nghiên", đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, đến với các vùng núi cao, các nông trường, lâm trường để khai hoang, phát triển kinh tế, văn hóa. Một lực lượng đông đảo các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học cũng sẵn sàng tình nguyện đi nhận công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thay vì ở lại Thủ đô, thành phố. Một không khí cách mạng sôi nổi với bầu máu nóng trong trái tim của tuổi trẻ đã lan tỏa khắp cả nước. Ngày ấy, rất nhiều bạn trẻ đã thuộc lòng những câu thơ :
Cái tuổi 20 khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường
Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.
Những ngày tháng đó, hầu hết tuổi trẻ đều thấm nhuần lời kêu gọi của Trung ương Đoàn: “Đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”.
Năm 1962, 12 tỉnh ở miền Bắc đã có 121.109 thanh niên xung phong đi khai hoang, xây dựng các nông trường, lâm trường. Hơn 1 vạn bạn trẻ tình nguyện lên xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, hơn 5.000 người đi xây dựng Thủy điện Thác Bà - trung tâm công nghiệp nặng và công trình thủy điện đầu tiên của nước ta khi ấy.
Với tinh thần tiến công cách mạng, chấp nhận đương đầu với mọi thử thách, gian nan, đã có hơn 10 vạn bạn trẻ tình nguyện không trở về quê mà ở lại xây dựng miền núi, lập nghiệp lâu dài.
Cũng từ phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực thời kỳ này đã xuất hiện những tấm gương tuổi trẻ chói sáng, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng trong mặt trận lao động, sản xuất. Đó là Phạm Thị Vách ở Hưng Yên (Anh hùng làm thủy lợi), Lương Văn Nghĩa ở Thanh Trì - Hà Nội (Anh hùng trong lĩnh vực chăn nuôi), Phạm Ngọc Chức (Anh hùng trrong lĩnh vực lâm nghiệp), Phùng Văn Bằng (Anh hùng gác đèn biển), Lâm Quang Tỉnh (Anh hùng ngành lâm trường), Vũ Xuân Thủy, Nguyễn Văn Bôn, Đỗ Xuân Ngọc (Anh hùng trong lĩnh vực khai thác mỏ).v.v..
Ngày ấy, trên khắp miền Bắc nước ta, đâu đâu cũng nô nức thi đua học tập những điển hình - là ngọn cờ đầu trong lao động, sản xuất, đó là: Đại Phong (nông nghiệp), Duyên Hải (công nghiệp), Ba Nhất (quân đội). Khi đó, “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất” như một động lực mạnh mẽ, thôi thúc tuổi trẻ khắp nơi thi đua yêu nước, lập nhiều thành tích trên mọi trận tuyến.
Ở tất cả các mũi nhọn của cuộc sống ngày ấy, lực lượng Đoàn viên Thanh niên chiếm tới 70-80%, nhiều nơi là 100%. Giới trẻ đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, đưa các vùng sâu, vùng xa tiến gần với miền xuôi, xóa dần khoảng cách hàng bao đời. Một hậu phương vững chắc được thiết lập để làm hậu thuẫn cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước về sau.
Đã có một thời như thế. Cháy bỏng khát vọng cống hiến, xả thân vì Tổ quốc. Đó là niềm vui, là hạnh phúc vô bờ của tuổi trẻ khi được xông pha vào những nơi cam go, gian khổ nhất./.
Ninh Bình