Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 25/11/2011 15:51'(GMT+7)

Có nên phạt tiền và thưởng tiền với trẻ em?

Khen thưởng học sinh giỏi.

Khen thưởng học sinh giỏi.

Trong giáo dục, việc thưởng phạt là điều nên làm, nhất là đối với trẻ em. Bởi có phạt thì trẻ mới nhớ sửa lỗi mà mau tiến bộ. Ngược lại, có thưởng thì mới động viên khích lệ tinh thần các em. Nhưng phạt và thưởng như thế nào? Đáng chê trách là có nhiều bậc cha mẹ đã thưởng tiền con mình mỗi khi được điểm tốt. Và cũng đáng phê phán một số thầy cô giáo đã dùng hình thức phạt tiền mỗi khi học sinh mắc lỗi. Vậy điều đó có nên?

Ở gia đình, chúng ta vẫn thấy có bậc cha mẹ dùng tiền để thưởng con mỗi khi con được điểm cao. Có những gia đình đã đề ra mức thưởng: Cứ đựơc 1 điểm 10 thì thưởng 50.000đ, điểm 9 thưởng 40.000đ… Điều này mới nghe thì có vẻ tốt, bởi đã khích lệ tinh thần học tập của con trẻ. Nhưng dẫn đến một hiện tượng: các em học vì điểm nhiều quá. Đến nỗi có những em tìm mọi cách để đạt điểm cao nhằm lấy tiền thưởng của người lớn (có thể quay cóp, chép bài của bạn hoặc gian lận trong kiểm tra). Điều này còn kéo theo một hệ lụy khá nguy hiểm: các em sẽ dùng số tiền đó để làm gì? Nếu gửi bố mẹ, trẻ sẽ sinh ra có ý nghĩ “mình có vốn riêng” và suốt ngày nghĩ đến cách tiêu pha số tiền ấy như thế nào, mất đi vẻ hồn nhiên của trẻ.

Còn ở một số cơ sở giáo dục lại có kiểu phạt tiền với học sinh mắc lỗi. Ví như nếu nói chuyện bị ghi vào sổ đầu bài phạt 2000 đ; không học bài bị phạt 3000 đ; bị điểm kiểm tra dưới 5 hoặc nghịch phá khiến lớp mất điểm thi đua, phạt 5000 đ…Tuy số tiền này đều được đưa vào quỹ lớp, nhưng cái gì cũng có 2 mặt, như con dao 2 lưỡi vậy. Phạt tiền với học sinh mắc lỗi thì bước đầu ngăn ngừa các em kịp thời không mắc tiếp, nhưng về lâu dài thì bất ổn. Bởi có những em con nhà giàu cứ nộp tiền vào là tha hồ quậy phá. Chúng sớm coi việc “mua bán” là đương nhiên, có thể dùng tiền để xử lý ổn thoả mọi việc. Lâu dần thành quen, chúng ỷ thế đồng tiền mà làm càn, lớn lên khó mà thành người tốt được.

Người viết bài này đã từng chứng kiến một học sinh cá biệt “hồn nhiên” trả lời cô giáo chủ nhiệm: “Cứ có tiền là ổn hết, cô không thể đuổi nổi thằng này đâu”. Thật đáng giật mình !!!

Với trẻ em con nhà nghèo: nếu bị phạt tiền, có em sẽ thương bố mẹ mà cố gắng hơn, không tái phạm nữa. Nhưng cũng có em do tư chất có hạn, chỉ tiếp thu được như vậy. Nếu thầy cô cứ phạt tiền mỗi khi không thuộc bài sẽ dẫn đến các em tự ti chán nản. Có em sợ bố mẹ mắng đã tìm cách xin tiền bố mẹ với nhiều lý do nói dối khác nhau. Lâu dần chúng sẽ trở thành những trẻ em nói dối. Chưa kể những khoản tiền ấy được sung vào quỹ lớp, nên đã có một số em do không muốn góp nhiều đã cố tình trêu chọc một số bạn “hiền lành nhu nhược” ở lớp, để các bạn mắc lỗi và bị phạt nhiều, nhằm để chúng đỡ phải góp quỹ lớp mà thôi.

Thưởng và phạt là 2 mặt của giáo dục. Nếu thưởng mà khích lệ các em kịp thời thì nên làm, cũng như phạt đúng để các em phấn đấu thì nên áp dụng. Tuy nhiên hình thức phạt tiền và thưởng tiền là không nên, thậm chí rất phản giáo dục như đã nói ở trên. Trước khi vào ngành giáo dục, các thầy cô đã từng học qua trường sư phạm và đã lĩnh hội đầy đủ những biện pháp giáo dục nhằm khích lệ động viên trẻ em. Trong những biện pháp này, không bao giờ có biện pháp phạt tiền, hoặc thưởng tiền con trẻ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các bậc phụ huynh cũng cần phải là một nhà sư phạm gần gũi, gắn bó với các em nhiều nhất, để hiểu hết ý nghĩa và hậu quả của việc thưởng tiền hay phạt tiền.

Trong các nhà trường, việc khen thưởng đã động viên các em rất lớn. Đôi khi chỉ là một lời khen đúng lúc của người lớn khi trẻ tiến bộ, hoặc một tràng vỗ tay khi trẻ trả lời đúng một câu hỏi, một vấn đề… các em cũng đã thấy mình được người lớn ghi nhận và càng tiếp tục phấn đấu hơn. Cũng có khi khen thưởng một tập thể kịp thời chỉ bằng những hộp phấn hay một phần thưởng tuy có giá trị vật chất không lớn, nhưng có giá trị cao về tinh thần bởi đã động viên các em kịp thời, đúng lúc. Còn về hình thức phạt trẻ em, theo các nhà giáo dục: Hình phạt thể chất với con trẻ là thể hiện sự bất lực trong giáo dục khi người lớn không thể đối phó được với chúng. Tạị các trường học, có rất nhiều hình thức phạt phi vật chất được các thầy cô giáo áp dụng mà vẫn đem lại hiêu quả: có thể là phạt trực nhật, phạt đứng bảng, phạt chép lại bài… Vì vậy, bố mẹ các em cũng có thể áp dụng những hình thức phạt như bắt lao động, viết kiểm điểm …

Trong thực tế cuộc sống, với người lớn, thì vẫn phải dùng hình thức phạt tiền, thưởng tiền để răn đe và giáo dục, bởi người lớn kiếm ra tiền, biết tiêu tiền đúng mục đích. Thậm chí trong các khung hình phạt cũng ghi rõ “phạt tiền từ xxx đến xxx đồng”… Nhưng thiết nghĩ phạt tiền và thưởng tiền với con trẻ là điều không nên. Chúng ta hãy để các em phát triển hồn nhiên, đừng vướng vào đồng tiền quá sớm, dẫn đến suy nghĩ sai lệch hoặc có những động cơ không tốt trong rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Điều này không chỉ là trách nhiệm của các thầy cô giáo, mà các bậc phụ huynh cũng rất nên lưu tâm, để con trẻ thật sự là những “búp trên cành”, “tờ giấy trắng” - như chúng ta vẫn nói - là cái đích hướng tới của tất cả người lớn chúng ta./.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất