Thứ Năm, 26/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 19/11/2011 20:31'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học ở An Giang

Các em học sinh vùng lũ An Phú (An Giang) được trang bị áo phao và có phương tiên đưa đón đến trường. (Ảnh minh hoạ).

Các em học sinh vùng lũ An Phú (An Giang) được trang bị áo phao và có phương tiên đưa đón đến trường. (Ảnh minh hoạ).

Nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, từ năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Qua triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm và tập trung hạn chế tình trạng học sinh bỏ học theo hai nhóm nguyên nhân: thứ nhất - bỏ học do học tập kém, là trách nhiệm chủ yếu của ngành giáo dục; thứ hai - bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, tăng cường chỉ đạo, chủ động phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và xem đây là một trong những giải pháp góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các tầng lớp nhân dân; từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho 90.000 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ dụng cụ học tập cho 12.000 học sinh nghèo, mồ côi, tàn tật; trợ cấp học bổng cho 14.500 học sinh nghèo và học sinh dân tộc…; các trường thực hiện tốt chủ trương cho học sinh diện chính sách, học sinh nghèo mượn sách giáo khoa, đảm bảo tất cả học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học tập. Các cấp hội trong tỉnh đã vận động đóng góp tiền, hiện vật với tổng trị giá trên 31 tỷ đồng hỗ trợ học bổng, học cụ, học phẩm, phương tiện đi lại… cho hơn 20.000 học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, giúp các em yên tâm đến trường.

Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục cũng được xem là một giải pháp quan trọng góp phần giảm học sinh yếu kém dẫn đến bỏ học. Các trường trong tỉnh tích cực hưởng ứng cuộc vận động “hai không” và cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học; tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém. Thường xuyên cập nhật tình hình, sớm phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, xác định nguyên nhân để theo dõi, giúp đỡ kịp thời bằng nhiều biện pháp phù hợp thông qua vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp; đồng thời giới thiệu để hội khuyến học, hội cựu giáo chức, các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ về vật chất cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, ngành giáo dục luôn quan tâm cải thiện điều kiện và môi trường học tập của học sinh thông qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa-thể thao… thu hút học sinh đến trường và gắn bó với môi trường học tập của mình.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng, đến nay, ngành giáo dục của tỉnh đã cơ bản giải quyết dứt điểm tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Tỷ lệ học tập yếu, kém giảm dần; chất lượng giáo dục, nhất là đối với cấp học nền tảng (tiểu học) và các lớp đầu cấp được quan tâm đặc biệt. Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tiếp tục được duy trì. Từ cuối năm 2007 đến nay, An Giang được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến cuối năm 2008, tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

Song song đó, các cấp, các ngành trong tỉnh còn tăng cường huy động học sinh, vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Tháng 8 hàng năm được chọn là “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” với nhiều hoạt động thiết thực, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; họp mặt tuyên dương hoc sinh điển hình, đỗ cao trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào các trường đại học, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đầu tư, tu sửa trường lớp, trang thiết bị phục vụ năm học mới; các đoàn thể, nhà trường tổ chức huy động, vận động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh tái bỏ học… Tiếp tục duy trì các lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bố trí thời gian, địa điểm giảng dạy, học tập phù hợp để các học sinh nghèo vừa có thời gian học tập, vừa có điều kiện tham gia lao động phụ giúp gia đình.

Ngành giáo dục và các địa phương củng cố, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc ngăn ngừa học sinh bỏ học, theo dõi chặt chẽ đối tượng có nguy cơ bỏ học để tác động các em tiếp tục đến trường. Qua triển khai, đã có nhiều mô hình, cách làm hay cần được nhân rộng, như: chi bộ, tổ đảng, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đảm nhận phụ trách theo dõi, hạn chế học sinh bỏ học ở địa phương; thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình để động viên, giúp đỡ học sinh đến trường. Việc thanh tra, kiểm tra công tác chống bỏ học được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo uốn nắn.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, nên tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng giảm dần ở cả 3 cấp học. Cụ thể: năm học 2007 – 2008, tỷ lệ bỏ học bậc tiểu học là 3,6%, trung học cơ sở là 13,53%, trung học phổ thông là 9,23%. Đến năm học 2008- 009, tỷ lệ trên giảm lần lượt còn: 1,57%-7,01%-5,76%. Năm học 2009-2010, giảm còn: 1,07%-4,47-4,76%. Đến năm học 2010-2011 còn 0,41%-1,60% và 1,55%.

Có thể nói, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng. Thực tiễn công tác đã giúp cho An Giang rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn tỉnh:

Một là, tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chống bỏ học đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, công tác chống bỏ học phải được đưa vào nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy đảng, hội đồng nhân dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND các cấp, làm cơ sở huy động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ba là, ngành giáo dục -đào tạo phải phát huy tối đa vai trò nòng cốt trong công tác chống bỏ học. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; thường xuyên cập nhật số liệu thống kê, nắm chắc tình hình để chủ động tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chống bỏ học ở địa phương. Từng nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương phân công trách nhiệm, có kế hoạch, mục tiêu, giải pháp cụ thể và định kỳ họp đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác huy động học sinh, chống bỏ học tại đơn vị, địa phương mình.

Bốn là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường và gia đình để nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện học tập của học sinh, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ các em đến trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Phát huy tốt vai trò của mặt trận và các đoàn thể, hội Khuyến học, hội Cựu giáo chức các cấp… tham gia công tác chống bỏ học, vận động đối tượng ra lớp, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn; kịp thời khen thưởng, động viên tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo nói chung, công tác chống bỏ học nói riêng./.

THANH HƯƠNG
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất