Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 27/5/2010 17:36'(GMT+7)

Cơ sở hạ tầng kém sẽ đe doạ các dự án FDI

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại chính sách bình ổn giá

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại chính sách bình ổn giá

Cơ chế quản lý giá cả

Đây không là vấn đề mới nhưng hiện vẫn khá nóng trên thị trường. Trong nhiều tháng qua Chính phủ đã có nhiều chính sách điều chỉnh liên quan đến giá nhằm bình ổn giá cả thị trường, ngăn chặn lạm phát gia tăng. Và cũng trong khoảng thời gian đó các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng lên tiếng về vấn đề trên.

Tại diễn đàn, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như EuroCham, AmCham, JesTro… đã đánh giá cao những nỗ lực trên của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên các Hiệp hội cũng bày tỏ sự quan ngại đối với Chính phủ về cơ chế quản lý giá cả.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch của EuroCham (Phòng thương mại châu Âu), dự thảo Thông tư 104 do Bộ Tài chính đề xuất về bình ổn giá, nếu được thực hiện, sẽ bao gồm nhiều sản phẩm thuộc diện bình ổn giá mà không phải là sản phẩm thiết yếu cho người dân. Kinh nghiệm cho thấy rằng việc kiểm soát giá cả thường dẫn đến tình trạng thiếu hoặc tích trữ hàng hoá hay giảm chất lượng sản phẩm trong số hàng loạt các vấn đề khác.

“Nếu Chính phủ áp đạt một mức giá trần bắt buộc, các nhà cung cấp sẽ không cung cấp hàng hoá ra thị trường, hay bán cho khách hàng thuộc các quốc gia khác, không phải quốc giá có quy định bình ổn giá. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt hàng hoá hoặc có thể dẫn đến việc bán hàng “chợ đen” với mức giá cao hơn” ông phát biểu.

Ông đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ phải đối mặt với hệ quả bao gồm cả núi yêu cầu hành chính, cũng như việc bắt buộc báo cáo cho các cơ quan chính quyền Việt Nam. Điều này là trái với tinh thần và mục tiêu của Đề án 30 của Chính phủ (về đơn giản hoá các thủ tục hành chính ở Việt Nam) và là một bước lùi trong phát triển thị trường. Việc này sẽ làm tăng thêm chi phí đáng kể và sự không chắc chắn đối với khu vực tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo EuroCham nguyên tắc đầu tiên của bình ổn giá là để cho thị trường ổn định dựa trên quy luật “cung-cầu”. Do đó, EuroCham đề xuất Việt Nam đặt dự thảo Thông tư này sang một bên và tập trung nỗ lực tìm kiếm các biện pháp thay thế để kiểm soát giá.

Đồng quan điểm với những nhận định của EuroCham, AmCham (Phòng thương mại Mỹ) đã không tin rằng dự thảo thông tư nhằm triển khai cơ chế quản lý giá cả sẽ giúp đạt được những mục tiêu kinh tế của Chính phủ.

Bà Jocelyn Tran, Chủ tịch AmCham Việt Nam cho rằng, thông tư này đã tạo ra những gánh nặng mới về thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi sản xuất và phân phối của nhiều loại sản phẩm.

Thông tư cũng buộc các doanh nghiệp phải công bố về sự độc quyền sản phẩm và các thông tin nhạy cảm về sản phảm của mình như lợi nhuận biên, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy đó là sự bắt buộc phải tiết lộ những điều được coi là bí mật doanh nghiệp.

Theo bà Jocelyn Tran đề xuất, thay vì quản lý nhà nước về giá cả, chính phủ nên quan tâm đến việc tự do hoá chuỗi cung cấp đối với việc phân phối nhằm đạt hiệu quả cao hơn và giúp cho các sản phẩm có giá cả dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng.

“Việt Nam chưa cải thiện cơ sở hạ tầng thì còn tụt hậu”

Tại diễn đàn các hiệp hội và các nhà đầu tư nước ngoài đã đề cập đến nhiều vấn đề như hạ tầng vật chất, hạ tầng cơ sở về con người, cải thiện quan hệ lao động, cải cách hành chính…

Theo dự kiến Việt Nam sẽ cần khoảng 70-80 tỷ USD để đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng chỉ trong 5-10 năm tới. Sự tham gia của khu vực tư nhân nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực tài chính được các tổ chức nước ngoài đánh giá là “chìa khoá” để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cơ sở hạ tầng.

Mới đây Chính phủ đã thông qua Nghị định 108 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2010) về các quy định mới liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng và sự tham gia của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đưa ra dự thảo quy định về “thí điểm thực hiện các dự án hợp tác công – tư (PPP). Những chính sách trên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các hiệp hội, các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên vấn đề cơ bản của việc nâng cấp hạ tầng vật chất của Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót và trậm trễ. Nhất là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, như các tuyến đường liên tỉnh, cầu…

Bà Jocelyn Tran cho rằng, những hạn chế về cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ đe doạ các dự án FDI hiện nay và trong tương lai đối với xuất khẩu và sản xuất. Chừng nào Việt Nam còn chưa cải thiện hạ tầng và cơ sở hậu cần thì Việt Nam còn tụt hậu. 

Tại diễn đàn các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều hy vọng kết quả từ Đề án 30. Phần lớn cho rằng nếu Chính phủ thực hiện các biện pháp như đã cam kết thì Việt Nam đã “ghi điểm” đối với thế giới về việc nghiêm túc thực hiện trong cải cách và trong xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn.


Khổng Nhung - VnMeđia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất