Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 11/2/2012 14:6'(GMT+7)

Còn đâu “nét đẹp” lễ chùa đầu xuân?

Chen lấn đường lên Yên Tử Xuân Nhâm Thìn 2012

Chen lấn đường lên Yên Tử Xuân Nhâm Thìn 2012

Từ bao đời nay, cứ mỗi độ xuân về, người Việt Nam thường đi lễ chùa, cầu mong cho một năm mới an khang thịnh vượng, gặp nhiều may mắn. Tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần cũng như đời sống tâm linh của người Việt Nam. Chắc hẳn, mỗi du khách thập phương khi tới đây, đều muốn hòa mình vào không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng để tâm hồn được thanh thản và hướng thiện hơn. Nhưng hình như, nét đẹp của tục lễ chùa đầu xuân không còn giữ nguyên vẹn như bản chất vốn có.

Ngay từ trước những ngày nghỉ Tết, lịch đi lễ tại các chùa đã được lên kế hoạch dày đặc với suy nghĩ “càng đi nhiều chùa, càng cầu được nhiều lộc”. Sau ngày nghỉ Tết, mọi người thi nhau liệt kê xem ai đi được nhiều chùa hơn. Ít cũng phải đi được 9 chùa, 10 chùa “mới hên”. Chẳng nhẽ, sự may mắn lại phụ thuộc vào số lượng nhiều chùa, ít chùa?

Không biết có phải vì thế mà tại các chùa đầu năm lúc nào cũng đông nghìn nghịt khách thập phương, phải chen chân, len lỏi mới có một chỗ đứng để cầu khấn. Xuân Nhâm Thìn 2012, một số chùa đã có giải pháp như “mở cửa suốt đêm” để tránh tình trạng quá tải. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số chùa duy trì giờ mở cửa như ngày bình thường. Đơn cử như ở Phủ Tây Hồ (Hà Nội), ngay vào những ngày Tết nguyên đán, vẫn tuân thủ nghiêm ngặt giờ mở cửa như ngày bình thường, đến 7 giờ tối. Riêng ngày mùng 1(âm) và ngày rằm hàng tháng mở cửa đến 21 giờ tối. Nếu ai có đến ngoài giờ quy định trên, cũng đành đứng từ ngoài xa mà khấn vọng vào, mong chứng giám tấm lòng thành. Thiết nghĩ, nếu chùa nào cũng “mở cửa suốt đêm” để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương thì chắc hẳn, không chỉ có khách thập phương mệt mỏi mà ngay cả sư sãi trong chùa cũng không chịu nổi "nhiệt".

Cũng vì “quá tải” khách thập phương đi lễ chùa đầu xuân mà các ban thờ không đủ chỗ để bày đồ lễ. Bên cạnh việc dòng người chen chúc vào nhau lầm rầm khấn vái đằng sau lưng nhau, đồ lễ cũng phải chen chúc, đặt chồng chất lên nhau. Ít du khách tìm ra được đúng đồ lễ của mình. Một số du khách tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) đành bảo nhau: “Thôi thì, có lộc gì cầm tạm lộc đó về, coi như là ăn lộc rơi lộc vãi của Thánh”.

Đấy là chưa kể các đồ lễ được bày bán ở xung quanh khu vực đền, chùa đều được tăng giá gấp 2, gấp 3 lần so với giá bình thường. Chỉ tính riêng những cành vàng lá ngọc được bày bán ở khu vực xung quanh đền chùa có giá dao động từ 20.000đ đến 200.000đ, tuỳ theo chất liệu và hình thức đẹp xấu. Còn bánh kẹo, rượu, thuốc lá, hoa quả, trầu cau, tiền vàng… luôn có giá cao ngất ngưởng, giá trên trời mà ít ai có thể nghĩ tới. Nhưng với tâm lý chung, đi lễ không được mặc cả, cả năm đi lễ có một hai lần, cò kè bớt một thêm hai thành ra mất lộc, nên người bán hàng bảo bao nhiêu, du khách đành trả tiền bấy nhiêu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hoá, lễ hội, tín ngưỡng, nhằm tránh tình trạng rắc, rải tiền lễ tại nơi thờ tự. Ngày 6-1-2012, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã ban hành văn bản gửi các Sở VHTTDL nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ trong lễ hội và nơi thờ tự đúng nơi, đúng chỗ. Nhưng điều đó vẫn chưa được những du khách thập phương “chấp hành”.

Tiền lẻ mới cứng (tiền thật) được người đi lễ rải khắp nơi, từ nơi thờ tự, mái nhà, đường đi, hồ nước, cây trồng ở xung quanh chùa. Chỉ tính riêng ngày rằm tháng giêng vừa qua, hồ nước trước cửa chùa Hà (Cầu Giấy – Hà Nội) la liệt những tờ tiền lẻ phủ kín mặt nước. Tại lễ hội chùa Hương năm nay, Ban tổ chức cũng có biện pháp giăng lưới ở suối Giải Oan để ngăn du khách ném tiền lẻ xuống suối, tránh lãng phí. Nhưng đâu phải chỗ nào cũng giăng lưới được?

Giăng lưới “hứng” tiền lẻ chưa phải là biện pháp tối ưu?

Mỗi du khách khi lễ chùa chỉ được mang một nén hương hoặc không được mang hương vào chùa, tránh tình trạng ngột ngạt, gây cháy nổ tại các khu di tích. Vấn đề này được Ban quản lý các khu di tích nhắc nhở nhiều lần, nhắc đi nhắc lại nhưng dường như vẫn ở ngoài tai du khách thập phương. Vì thế, du khách cầm cả nắm hương đi vào chùa, người của Ban quản lý phải đi theo để rút hương ra và ngâm vào chậu nước. Xung quanh các gốc cây xanh trồng ở chùa là vòng trong, vòng ngoài... toàn hương là hương.

Điều đáng nói hơn, ở giữa khung cảnh linh thiêng, nơi thờ tự, nhiều du khách vẫn điềm nhiên ăn nói những lời thô tục. Chỉ vì không được chen được vào lễ gần, không tìm thấy đồ lễ, không thể với tay đặt tiền lẻ, các du khách sẵn sàng xô đẩy và buông những lời không mấy lịch sự. Và kèm theo mỗi bước chân của các du khách thập phương đi tới đâu, rác xả ra bừa bãi đến đó. Mặc dù xung quanh các khu di tích, đều có đặt những thùng rác di động. Đường lên Yên Tử hoặc ở cạnh nhiều chùa, vẫn tồn tại những nhà hàng treo nguyên con thú vừa giết mổ với dòng quảng cáo “bán thịt thú rừng”.

Có lẽ nét đẹp của tục lễ chùa đầu xuân có được gìn giữ hay không là bắt nguồn từ ý thức của du khách thập phương và cái tâm trong sáng khi đi lễ chùa?

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất