Đó là nhận định của ông Trần Trọng Tân - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - về nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI.
- Ông Trần Trọng Tân nói:
Có ý kiến cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 lần này không có gì mới, có mới chăng là chờ xem những giải pháp đề ra trong nghị quyết sẽ được triển khai vào thực tiễn như thế nào. Tôi không đồng tình với nhận định này. Theo tôi, Nghị quyết Trung ương 4 có nhiều điểm mới. Đó là sự nhìn nhận thẳng thắn thực trạng mọi mặt trong Đảng, chọn trúng ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó đã coi việc ngăn chặn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...” lên hàng đầu. Đó là đã chỉ rõ nguyên nhân và đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ gồm bốn nhóm. Trong đó nhóm giải pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên được nêu lên hàng đầu là rất đúng. Trong mỗi nhóm đều có nêu ra những việc cụ thể. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng có một nghị quyết “bắt mạch, kê toa” chi tiết như thế.
"Tôi cho rằng yếu tố đột phá phải bắt đầu từ Bộ Chính trị, từ Ban Bí thư. Nếu các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức được cuộc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình sâu sắc, thẳng thắn rồi báo cho tận các chi bộ, đảng viên biết, chắc chắn sẽ thúc đẩy các cấp ủy Đảng cấp dưới làm theo, tạo ra một sinh khí mới" |
* Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những hạn chế trong Đảng và những sai phạm trong một bộ phận đảng viên như thế đã tồn tại từ lâu, đến nay mới được nhìn nhận một cách công khai mà thôi?
- Đúng là những biểu hiện sai phạm không phải gần đây mới xuất hiện, nhưng vấn đề là đánh giá thực trạng đó như thế nào cho thật khách quan, không vơ đũa cả nắm. Nghị quyết thừa nhận có vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp” cần được hiểu rằng phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn tốt, vẫn kiên định tư tưởng chính trị, vẫn giữ được phẩm chất đạo đức tốt đang đóng vai trò chi phối trong sự lãnh đạo của Đảng. Chính nhờ đó mà công cuộc đổi mới đất nước giành được nhiều thắng lợi to lớn. Phải chăng trong công tác tư tưởng thời gian qua chưa làm cho dư luận xã hội nhìn nhận rõ sự thật này? Trung ương Đảng lần này báo động thực trạng tình hình nhưng trong tâm thế bình tĩnh. Chúng ta cũng cần đón nhận Nghị quyết Trung ương 4 một cách tỉnh táo để góp sức xây dựng Đảng, dứt khoát không để những kẻ xấu lợi dụng, bôi đen Đảng ta.
* Những giải pháp được Hội nghị Trung ương 4 đề ra trong nghị quyết, theo kinh nghiệm của ông, đâu là yếu tố đột phá và liệu có cần đề xuất thêm những giải pháp khác?
- Có lẽ khoan hãy bàn những giải pháp khác, trước mắt chúng ta mong Nghị quyết Trung ương 4 triển khai và thực thi thật khẩn trương.
Tôi còn nhớ tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng thực hiện một cuộc kiểm điểm trong Bộ Chính trị rất hay. Tổng bí thư đã tự phê bình mình trước tập thể, chẳng những nói ưu điểm mà nêu ra cả khuyết điểm rất thẳng thắn rồi mới lần lượt đến các đồng chí khác. Cuộc kiểm điểm đó được ghi biên bản cụ thể và gửi cho các ủy viên Trung ương. Ngày nay các vị ủy viên Bộ Chính trị học và làm theo Bác Hồ như thế nào nếu được cho dân biết sẽ rất hay.
* Nghị quyết Trung ương 4 yêu cầu việc kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác, nơi cư trú. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Việc kê khai tài sản phụ thuộc vào sự trung thực của từng cán bộ, anh khai bao nhiêu thì biết bấy nhiêu nên công tác kê khai này chỉ mang tính hình thức, cho đủ thủ tục mà thôi. Trong thực tế, đối với những tài sản có được từ ăn cắp của công, ăn hối lộ... thì không ai chịu kê khai đâu.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải đánh giá xem anh sống như thế nào, tác phong trong công việc ra sao, sinh hoạt, tiêu xài hằng ngày thế nào, quan hệ với bà con lối xóm ra sao. Cái này thì anh không thể che đậy được. Đạo đức, nhân cách, lối sống của anh ra sao, người dân với trăm nghìn mắt sẽ nhìn thấy hết. Vấn đề là làm sao vận động người dân, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát và thông tin cho Đảng, cho Nhà nước để kịp thời phát hiện, biểu dương được những gương tốt và góp phần chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, đảng viên hư hỏng.
* Thưa ông, cũng có một thực tế khác là lâu nay vấn đề xử lý kỷ luật trong Đảng chỉ được công khai chừng mực nên chưa thuyết phục được người dân về tính nghiêm minh, từ đó chưa khuyến khích người dân chủ động tố giác vi phạm của cán bộ, đảng viên?
- Xử lý kỷ luật trong Đảng là một vấn đề quan trọng. Trước đây chúng ta quá thận trọng và nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề mang tính nội bộ nên việc công khai thông tin ra bên ngoài có hạn chế. Một vài năm gần đây kết quả xử lý kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên giữ chức vụ quan trọng, được thông tin nhiều hơn đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thực hiện nghiêm minh kỷ luật trong Đảng và công khai trong toàn Đảng, toàn dân là điều mà chúng ta hướng tới.
* Không ít bạn trẻ hiện có suy nghĩ chỉ cần làm một quần chúng tốt mà không cần phấn đấu vào Đảng. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Không thể trách họ. Đối với giới trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên, đây là lực lượng đông đảo và rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Cần làm cho họ hiểu được vai trò lãnh đạo của Đảng và họ có ý thức góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo tôi, tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản, các tổ chức tập hợp thanh niên cần tuyên truyền để thanh niên hiểu rằng được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, được sống và đấu tranh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đừng để các bạn đoàn viên thanh niên đứng ngoài cuộc xem Đảng làm, mà tổ chức Đảng, Đoàn phải xây dựng cho mỗi bạn trẻ ý thức được trách nhiệm của mình trước Đảng, chủ động góp phần tham gia xây dựng Đảng. |
Theo
Tuổi trẻ