Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 1/6/2011 9:49'(GMT+7)

Con đường gốm sứ đang bị đối xử thiếu văn hóa

Theo Quy định tạm thời của UBND TP. Hà Nội, mục đích chính của việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” là nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng công trình; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Quy định nêu rõ, hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công trình “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” bao gồm: nghiêm cấm các hành vi xâm phạm, phá hoại trực tiếp đến công trình; các hành vi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị tại khu vực công trình. Các tổ chức, các cá nhân có trách nhiệm gìn giữ, bảo quản công trình; thường xuyên quản lý, bảo tồn, tôn tạo, dọn dẹp vệ sinh; tăng cường chiếu sáng, làm sạch, đẹp khu công trình...

Trái với mục đích tốt đẹp mà UBND TP. Hà Nội đã đề ra, thực tế cho thấy nhiều người dân đang đối xử rất “phũ phàng” với con đường đã được kỷ lục Guiness thế giới vinh danh. Còn nhớ, cách đây hơn nửa năm, một con đường tranh gốm sứ hoành tráng đã được khánh thành đúng dịp Thủ đô Hà Nội mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Thời điểm đó con đường là một tác phẩm nghệ thuật được xây dựng công phu. Tuy nhiên, trái với sự trân trọng, trầm trồ thán phục của nhiều người và bè bạn quốc tế, một số người dân đã “thản nhiên phô bày” những hành động phản văn hóa với con đường gốm sứ... Đoạn đường “gây khó chịu” nhất, làm con đường gốm sứ trở nên nhếch nhác, chính là đoạn gần chân cầu Long Biên. Đoạn đường này bị người dân xả rác bừa bãi, bày bán hàng nước lộn xộn trên vỉa hè, tập kết hàng hóa thùng sọt, dán tờ rơi quảng cáo, bán mũ bảo hiểm xe máy, xe ôm đỗ tràn lan, người nằm người ngồi ngả ngốn trên các đoạn tường đê... có đoạn người dân hóa vàng mã, đốt rác làm cháy nham nhở tranh gốm... Thậm chí, nhiều người còn vô tư tiểu tiện bừa bãi, khiến một góc của con đường gốm sứ bị ố vàng. Ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi vì mùi xú uế bốc lên.

Tối đến cũng là lúc những tấm nilông được trải ở nhiều đoạn vỉa hè đường Yên Phụ, những người bán hàng rong nhanh chóng “mượn” những bức tranh gốm sứ làm nơi bán hàng. Vẫn biết cuộc mưu sinh buộc nhiều người phải ra vỉa hè kiếm sống, nhưng nhìn một công trình văn hóa kỷ niệm 1000 năm có giá trị hàng chục tỷ đồng đang bị làm xấu, chắc chẳng ai vui được.

Những mảng bê tông xám xịt của bờ tường dọc đường đê sông Hồng đã khoác lên mình một chiếc áo mới bằng gốm đầy màu sắc đúng dịp Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Nhưng con đường đó lại đang phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những hành xử thiếu văn hóa của một số người dân. Cần lắm sự nhập cuộc của các đơn vị có trách nhiệm!

LÊ THANH BÌNH/Đại đoàn kết

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất