Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 4/12/2013 22:16'(GMT+7)

Thưởng thức văn hóa cũng phải được giáo dục

Giới trẻ thành thị nô nức chen nhau đi xem thần tượng Hàn Quốc. (Ảnh: Thuận Thắng/QĐND).

Giới trẻ thành thị nô nức chen nhau đi xem thần tượng Hàn Quốc. (Ảnh: Thuận Thắng/QĐND).

PV: Thưa GS, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân lúc nào cũng cần thiết. Tuy nhiên, những sản phẩm văn hóa, tinh thần mà người dân được thụ hưởng không phải lúc nào cũng có chất lượng tốt, đặt biệt là theo từng vùng, miền. Theo GS làm thế nào để hạn chế tình trạng này?

GS Đình Quang: Trước hết, không thể xác định một cách tùy tiện nhu cầu văn hóa, loại hình văn hóa nào là cần, loại nào là không cần, sản phẩm văn hóa nào là thiết yếu, sản phẩm nào là thừa, thời điểm nào là cần, thời gian nào là không nhất thiết cần phải có… bởi vì nó tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội, vào tập tính và trình độ văn hóa của một không gian đất nước cụ thể, một thời điểm lịch sử cụ thể mà ở đó con người sinh sống.

Hãy thử nghĩ xem, nhu cầu thông tin bao giờ cũng cần thiết, nỗi nhớ có bao giờ không day dứt, nhưng vì hoàn cảnh chính trị, chúng ta đã đành chịu ngày Bắc đêm Nam đằng đẵng bao nhiêu năm. Còn bây giờ, chỉ cần hai tiếng bay đã có thể gặp bạn trong TP Hồ Chí Minh… Chồng bà bán đồng nát cũng thường dặn vợ đi ra khỏi nhà đừng quên mang theo điện thoại di động để còn biết đang “lọ mọ” ở đâu mà tìm... Chiếc đài Orionton nặng nề và quý hóa một thời, giờ có biếu không cũng chưa chắc đã có ai muốn nhận, ti vi đen trắng lúc này mấy ai muốn xem… số lượng hàng chục kênh truyền hình vẫn còn bị chê là ít. v.v.. và v.v.

Như vậy đứng trên góc độ của nhà quản lý văn hóa khi xác định nhu cầu văn hóa, cân nhắc loại hình và sản phẩm văn hóa, không thể ấn định một cách chung chung mà không xét đến các yếu tố khoa học kỹ thuật, môi trường, thời điểm, thói quen thưởng thức của từng vùng, miền, từng địa phương…

Yêu cầu xác định tính chung cả nước và tính riêng của từng địa phương này, trong hoàn cảnh nước ta lại là hết sức cần thiết. Bởi vì đất nước ta dài, xuôi ngược rất khác biệt, lại bị chia cắt khá lâu năm với những thể chế và những điều kiện kinh tế kỹ thuật, tập tính hưởng thụ khác nhau và chênh lệch. Phải chăng có miền thiên về văn hóa nghe nhìn hơn, có miền chuộng văn hóa đọc hơn. Miền núi thiên về dân ca dân vũ, trường ca đoản thi hơn. Văn học tiểu thuyết, tranh giá vẽ, tân nhạc và nhạc không lời phát triển ở miền xuôi hơn. Số lượng đoàn kịch nói phía Bắc phát triển nhiều hơn phía Nam. Cải lương ra đời ở miền Nam nhưng lại đã nhanh chóng lan ra cả nước, ngược lại chèo cổ hàng ngàn năm cho tới nay vẫn không thể bắt rễ vào miền Nam mà chỉ có những cuộc lưu diễn chủ yếu cho khán giả người Bắc di cư…

Do đó, nếu chỉ có quy hoạch bao quát mà xem nhẹ quy hoạch cụ thể văn hóa cho từng vùng miền, từng địa bàn thì hậu quả sẽ không tương xứng với công sức bỏ ra.

- Chúng ta vẫn nói đến việc làm sao để miền núi theo kịp miền xuôi. Song việc này mới chỉ đang chú trọng ở phát triển kinh tế, còn việc nâng cao đời sống văn hóa ở miền núi cho kịp miền xuôi thì sao, thưa GS?

- Nông thôn miền núi so với nông thôn đồng bằng còn chênh lệch lớn lắm, chưa nói đến so với thành thị. Nhiều phong trào "Áo ấm biên cương" mà con tôi tham gia rồi về kể lại, tôi thấy thương lắm. Nhiều cháu tạm trú quanh trường, xa nhà, lần đầu được ăn thịt khi có đoàn đến hỗ trợ. Nhà nước cần chú ý hơn nữa về đời sống của người dân ở nông thôn. Đất nước ta, trải qua kháng chiến chống Pháp, nếu chúng ta không rút lên những vùng nông thôn, thì đi đâu? Người ta đón mình nhiệt thành như người thân trong nhà, thậm chí nhường chỗ ăn, ngủ tốt nhất cho mình. Nhưng khi ở thành phố, nếu có người đến ở nhờ một tuần lễ thì có chịu được không?...

Lo cho nông thôn theo kịp thành phố, đứng về khoa học, ta chưa thực hiện tốt, đứng về lương tâm là chưa tròn.

Để làm cho nông thôn có đời sống kinh tế và văn hóa bắt kịp bằng thành phố là cả một vấn đề khó khăn và lâu dài, nhưng là con đường tất yếu mà chúng ta phải làm. Điều kiện tiên quyết là phải thực hiện được điện, đường, trường, trạm, nếp sống mới… ở nông thôn. Qua điện khí hóa, sớm phủ sóng phát thanh và truyền hình vì đó là những phương tiện thuận lợi nhất cho việc chuyển tải những sản phẩm văn hóa một cách nhanh chóng và dễ dàng, lại thuận lợi cho người hưởng thụ. Đồng thời, phải chú ý hơn nữa về nội dung của những kênh và sản phẩm về nông thôn, nông nghiệp. Loại hình thứ hai là sách và tranh ảnh, chiếu bóng, băng đĩa, vi tính… vì đó là những thành phẩm có thể phát tán một cách dễ dàng.

Nếu ngành văn hóa không quyết định một cách mạnh mẽ về chỉ tiêu phục vụ cho các đơn vị chuyên nghiệp đối với nông thôn và không có những chính sách phù hợp với nó, thì đời sống nông thôn sẽ vẫn rất khổ.

- Chúng ta vẫn nói văn hóa là nền tảng, nhưng đầu tư cho văn hóa không được xem trọng. Ví dụ, người ta vẫn có thể nói, nhịn ăn thì chết chứ nhịn xem ca nhạc không sao cả. GS có ý kiến thế nào về việc này?

   - Cần phân biệt sự khác nhau giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu văn hóa. Nhu cầu vật chất như đói cần ăn, khát cần uống, lạnh cần mặc ấm, nóng cần quạt… đó là nhu cầu bẩm sinh của cơ thể và chúng thỏa mãn mặt sinh học của cơ thể, mang tính vật chất. Nhu cầu văn hóa, trái lại đáp ứng cho nhu cầu nhận thức, trí tuệ và cảm xúc thẩm mỹ. Sự tinh thông ở đây không thể chỉ nương tựa vào sự tinh luyện của giác quan mà là ở sự cao thấp, sâu nông của trình độ cảm thụ và nhận thức.

Rõ ràng, nhu cầu vật chất khác với nhu cầu văn hóa nghệ thuật. Ở một mức tương đối nhất định, nhu cầu vật chất là nhu cầu bẩm sinh, đói thì khắc biết tự tìm ăn… còn nhu cầu hưởng thụ văn hóa là kết quả của quá trình giáo dục và tu dưỡng.

- Như vậy, để có nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng phải đạt được một trình độ nhất định?

- Đúng vậy. Để đạt trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật một cách tinh tường, nhất thiết phải có sự giáo dục tu dưỡng. Phải bắt đầu có sự bồi dưỡng tự nhiên từ lời ru của mẹ, câu chuyện cổ tích của bà và chương trình giáo dục thường thức văn hóa nghệ thuật của nhà trường nhưng yêu cầu này trong hệ thống giáo dục và truyền thông của ta còn khá mỏng manh. Người “mù” họa, “điếc” nhạc, lười đọc... ở ta hiện nay không ít, so với các nước phát triển là một điểm yếu khá rõ.

Trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật đang bị “hạ mức” do thực trạng sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của ta đang thiên về các loại hình văn hóa đại chúng. Các cuộc thi ca nhạc và múa nhảy khác nhau, các cuộc thi sắc đẹp liên tục diễn ra … lấn lướt các loại hình văn hóa nghệ thuật chính thống, bác học khác. Những chuyện “rối ren” trong đời sống văn hóa nghệ thuật cũng thường xảy ra trong giới văn hóa đại chúng này. Đó là một hiện tượng phiến diện cần chú ý. Cần phải giáo dục nếu muốn nhân dân ta đạt được một trình độ hưởng thụ văn hóa nghệ thuật thực sự.

 - Xin cảm ơn GS Đình Quang!

Hồng Hà (thực hiện)

(Nguồn: QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất