Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 7/12/2013 10:15'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII

Lễ hội Xuân Đền Thượng (thành phố Lào Cai) được tổ chức hằng năm mang đậm bản sắc dân tộc.  (Nguồn: baolaocai.vn)

Lễ hội Xuân Đền Thượng (thành phố Lào Cai) được tổ chức hằng năm mang đậm bản sắc dân tộc. (Nguồn: baolaocai.vn)

Đây là điểm nhấn hết sức quan trọng trong tư duy chiến lược về huy động các nguồn lực khác nhau, các chủ thể xã hội (cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng,…) tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực cho văn hóa nói chung, cho hoạt động văn hóa nói riêng: “Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa. Chính sách này được tiến hành đồng thời với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước. Các cơ quan chủ quản về văn hóa của Nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các hoạt động xã hội về văn hóa”(2).

Vấn đề là ở chỗ, làm sao và bằng những giải pháp cụ thể nào để huy động được các nguồn lực của các tầng lớp nhân dân với tư cách là chủ thể văn hóa để xây dựng văn hóa; làm sao xã hội hóa các hoạt động văn hóa mà “yếu tố văn hóa” vẫn bảo đảm được tính đại chúng, tính quản lý, tính định hướng, tính hiệu quả, tính công bằng và đặc biệt không bị thương mại hóa, tư nhân hóa, phi chính trị hóa, “phi văn hóa” hóa; làm sao để khi chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa đi vào cuộc sống mọi người dân có thể hưởng thụ nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho văn hóa.

Xã hội hóa hoạt động văn hóa: mục tiêu và ý nghĩa

Xã hội hoá(3) các hoạt động xã hội được hiểu “Là quá trình vận động, tổ chức các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng, các tổ chức xã hội) tham gia vào trong các hoạt động xã hội trên cơ sở nhận thức về vai trò và vị thế của mình, từ đó mà giúp cho các hoạt động xã hội phù hợp với sự phát triển của xã hội”(4). Có thể nói, khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì công tác vận động các chủ thể xã hội tham gia vào trong các hoạt động xã hội (trong đó bao gồm hoạt động văn hóa) là một việc làm có ý nghĩa chiến lược, nhằm góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan, thực hiện đường lối “tăng trưởng kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội”.

Chủ trương xã hội hoá là một trong ba phương hướng để đẩy mạnh sự phát triển xã hội trong đó có lĩnh vực văn hóa, đó là: "chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá"(5) - ở đây, xã hội hóa được nhận thức là một yếu tố tất yếu và khách quan trong quá trình phát triển xã hội nhằm những mục đích cụ thể sau đây:

Thứ nhất, bảo đảm mối quan hệ của các hoạt động xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng của các lĩnh vực hoạt động xã hội với tư cách là một tiểu hệ thống trong hệ thống xã hội. Lấy lĩnh vực văn hóa làm ví dụ, nếu hoạt động văn hóa chỉ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch "đảm nhận" cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì rõ ràng là một khiếm khuyết. Thực tế đã chứng minh văn hóa là sự nghiệp của toàn dân; từng ngành, tổ chức, nhóm xã hội và cá nhân phải có những nhận thức đúng về văn hóa và bản thân các chủ thể xã hội này phải có những phương thức riêng để đóng góp cho từng lĩnh vực trong hoạt động văn hóa. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hay coi nhẹ vai trò của bộ chủ quản, càng không phải hô hào cho kiểu "mạnh ai nấy làm" mà xã hội hoá văn hóa là tổ chức và vận động sự tham gia của người dân và toàn xã hội vào phương diện phát triển hoạt động văn hóa theo định hướng, chủ trương của Nhà nước và dưới sự quản lý nhà nước của bộ chủ quản.

Thứ hai, tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm tính công bằng xã hội, thực hiện dân chủ hoá xã hội. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua xã hội hóa, người dân, các nhóm xã hội mới có điều kiện được tham gia và thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với từng lĩnh vực hoạt động xã hội cụ thể.

Thứ ba, tạo ra các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực…) cho các hoạt động. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm tạo điều kiện pháp lý, tạo cơ chế hoạt động mới khuyến khích sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào các hoạt động này. Nghị quyết 90/CP nêu rõ(6), các cơ sở ngoài công lập không phải nộp thuế VAT, đối với các hoạt động: y tế, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, phát hành và chiếu phim, dạy học, dạy nghề, in xuất bản và phát hành, chuyển giao công nghệ; thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm thuế nhà đất và thuế trước bạ… Chính cơ chế thông thoáng này là điều kiện để thu hút các nguồn lực hiện hữu trong xã hội mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động văn hóa, tạo ra sự đa dạng trong nguồn lực đầu tư, đa dạng về chủ thể sáng tạo văn hóa.

Thứ tư, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Thời bao cấp chúng ta đã thấm thía rút ra nhiều bài học và những tấm gương tày liếp mà một trong những khiếm khuyết đó là thói quen ỷ lại, thụ động trong các hoạt động của những người được "bao" và cả những người được "cấp". Khi thực hiện chủ trương xã hội hoá văn hóa, các chủ thể xã hội có điều kiện để nhận thức đúng về vai trò, vị trí của từng hoạt động xã hội cụ thể trong quan hệ xã hội và phát triển xã hội, đồng thời nhận thức rõ mối quan hệ tương tác giữa hoạt động xã hội và cộng đồng xã hội.

Một số bất cập khi thực hiện xã hội hóa văn hóa

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, chính sách này một mặt đã đánh dấu bước phát triển về quản lý trên lĩnh vực văn hóa của Nhà nước nhằm chuyển giao quyền tổ chức, điều hành các hoạt động văn hoá vốn tập trung trong tay Nhà nước sang hướng đa dạng hóa chủ thể quản lý; mặt khác đã và đang mang lại những thành tựu hết sức to lớn trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động văn hóa. Dễ thấy rằng, việc thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa trong thời gian qua đã huy động được mọi nguồn lực trong xã hội đứng ra chăm lo các hoạt động văn hóa, tổ chức và điều hành quá trình sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hoá theo đúng pháp luật của Nhà nước. Điều đáng quan tâm là người dân đã thực sự được hưởng thụ những giá trị từ hoạt động văn hóa và dần trở thành những chủ thể xã hội về lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận đó, vẫn còn tồn tại một số vấn đề:

Thứ nhất, vai trò quản lý của Nhà nước về văn hóa ở một số nơi, địa phương, lĩnh vực còn lỏng lẻo; hiện tượng lệch lạc khi nhận thức về văn hóa nói chung, về tổ chức các hoạt động văn hóa nói riêng còn diễn ra tương đối phổ biến, thiếu đi tính định hướng và tính quản lý của Nhà nước. Rõ ràng, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa với việc đa dạng hóa các loại hình, nguồn lực trong các hoạt động văn hóa, chắc chắn sẽ tạo nên sự cạnh tranh gay gắt theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường. Do đó, bài toán quản lý cần phải được đặt ra và Nhà nước cần phải tăng cường vai trò quản lý của mình với tư cách là chủ thể chính yếu trong công tác ban hành chính sách, thực thi chính sách, giám sát các hoạt động về văn hóa.

Thứ hai, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng vẫn chưa thể hiện rõ nét trong các hoạt động văn hóa, đôi khi còn “nhường nhau”, “dẫm chân lên nhau” bởi chưa hiểu đúng về “cộng đồng hóa trách nhiệm”. Xã hội hoá hoạt động văn hóa là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh và thuận lợi cho hoạt động văn hóa. Ở mỗi địa phương, đây là trách nhiệm của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân.. Tuy vậy, cộng đồng hoá trách nhiệm không phải là tạo ra một "cha chung" để rồi "không ai khóc"; cộng đồng hoá trách nhiệm không phải là gán trách nhiệm cho cộng đồng hay giảm bớt phần trách nhiệm của Nhà nước. Trái lại, cộng đồng hóa trách nhiệm thì trách nhiệm của Nhà nước càng cao và mỗi tổ chức xã hội, cá nhân cần có những trách nhiệm cụ thể để thực hiện vai trò và khẳng định vị trí của mình trong các hoạt động xã hội. Như vậy, để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thì cần phải cụ thể hóa trách nhiệm cho từng chủ thể xã hội trong cộng đồng khi tham gia vào hoạt động văn hóa, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong tiến trình xúc tiến hoạt động văn hóa.

Thứ ba, hiện tượng thương mại hóa, phi chính trị hóa, tự do hóa đã và đang xuất hiện trong hoạt động văn hóa, điều này làm cho hoạt động văn hóa nói chung, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nói riêng đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn. Nếu chỉ quan sát trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, chúng ta không khó để phát hiện ra một số hiện tượng thương mại hóa và tự do hóa quá trớn như một số người có tiền đứng ra làm đầu nậu đưa các sản phẩm nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, ca nhạc…) chạy theo thị hiếu tầm thường, hạ thấp giá trị nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng, cơ chế xã hội hóa văn hóa có thể làm cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng, làm giàu bất chính như độc quyền trong một số hoạt động văn hóa, các tác phẩm văn hóa, các giá trị nghệ thuật; xem văn hóa là “mảnh đất màu mỡ” để đầu tư trục lợi. Như vậy, việc lợi dụng cơ chế để trục lợi từ những hoạt động văn hóa và thương mại hóa văn hóa là những biểu hiện của sự bất cập trong quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay.

Chúng ta thừa nhận rằng, xã hội hoá tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia vào hoạt động văn hóa với tư cách là chủ thể văn hóa. Do đó, không ngoại trừ những thế lực thù địch lợi dụng, núp dưới các chiêu bài khác nhau để chống phá cách mạng, phá hoại những thành quả hiện có, chính điều này đã làm cho nguy cơ phi chính trị hoá rất cao mà chúng ta phải nhìn trước để có những biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, nếu không có định hướng đúng, những chế tài thích hợp thì xã hội hoá văn hóa sẽ dễ bị rơi vào tự do hoá quá trớn. Rõ ràng vấn đề này đã phát sinh trong thực tiễn của hoạt động văn hóa, thời gian gần đây đã xuất hiện những hình thức tổ chức như phát hành các văn hóa phẩm, tổ chức các buổi biểu diễn, tổ chức các lễ hội,… vượt ra ngoài sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước.

Thứ tư, chủ trương xã hội hóa văn hóa, phải bảo đảm tính công bằng, hiệu quả, khả thi, phổ quát,… Trong điều kiện tổng nguồn lực xã hội có hạn, việc xác định đâu là lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước cần can thiệp mạnh, đầu tư nhiều; đâu là phần để cho khu vực tư nhân tham gia có ý nghĩa rất quan trọng. Để đạt được tính hiệu quả, các nguồn lực công cộng phải được phân bổ theo hướng tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi ích cho xã hội cao nhất, mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Tuy vậy, khi tổ chức thực hiện, các chủ thể xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa thường chỉ chú ý đến vấn đề “thương mại” trong văn hóa, tức là hoạt động văn hóa chỉ chú trọng đến khu vực đông dân như đồng bằng và đô thị mà “bỏ quên” vùng núi và vùng dân tộc thiểu số, một thành tố quan trọng trong định chế văn hóa. Đây chính là hạn chế, tồn tại và cũng là khó khăn lớn cần nhìn nhận, đánh giá và có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách xã hội hóa văn hóa

Trong bối cảnh hiện nay thì vấn đề bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa nói riêng, xây dựng hệ thống chính sách về văn hóa nói chung là một vấn đề hết sức trọng đại trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam cũng như trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những hệ thống chiến lược, chính sách; không ngừng quán triệt và sàng lọc những hạt nhân hợp lý và xuyên suốt từ những chính sách văn hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, trong đó có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các chính sách liên quan. Để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, thiết nghĩ cần có những giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, từng bước nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa, tính chất của công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa. Để làm tốt công tác này cần phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân với tư cách là chủ thể văn hóa. Công tác tuyên truyền cần phải thường xuyên, liên tục kết hợp với các kênh truyền thông đại chúng khác nhau để tuyên truyên nội dung, ý nghĩa, mục đích của chủ trương xã hội hóa văn hóa. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về văn hóa và xã hội hóa văn hóa.

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Từng bước sàng lọc ra những hạt nhân để nhân rộng; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện xã hội hóa văn hóa. Chủ trương xã hội hóa đi vào cuộc sống và sẽ được phản ánh thông qua các hoạt động nghiên cứu lý luận và đúc kết thực tiễn. Chính hoạt động này cũng góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa của Đảng và Nhà nước ta.

Ba là, cần thể chế hóa vai trò xã hội của các chủ thể xã hội khi tham gia vào hoạt động văn hóa. Xã hội hóa văn hóa thì Nhà nước huy động, tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào hoạt động này, đa dạng hoá các nguồn lực, tạo điều kiện cho mọi người có khả năng tham gia vào sự nghiệp văn hóa. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước đã thể chế hoá những vai trò cho từng chủ thể xã hội, giúp họ có điều kiện thể hiện vai trò trong từng lĩnh vực hoạt động. Đương nhiên, cần có quy định cụ thể cho từng vùng, từng đối tượng. Tạo hành lang pháp lý, tư cách pháp nhân cho các cá nhân và những tổ chức xã hội. Chính những đối tượng này phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình khi tham gia vào quá trình xã hội hoá. Khi thể chế hóa vai trò sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng lệch lạc xã hội khi tham gia vào hoạt động văn hóa, đồng thời đưa các hoạt động này đi đúng theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, từng bước khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong các hoạt động văn hóa, đặc biệt là hiện tượng phi chính trị hóa, tự do hóa và thương mại hóa trong văn hóa. Để làm được điều này, các cấp chính quyền cần quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước về văn hóa. Sớm phát hiện những hiện tượng lệch lạc trong hoạt động văn hóa để có đối sách điều chỉnh, uốn nắn, khắc phục; kiên quyết dẹp bỏ và loại trừ những cá nhân, tổ chức lợi dụng văn hóa để trục lợi và làm méo mó các hình tượng văn hóa, làm biến dạng các nét văn hóa truyền thống; lợi dụng hoạt động văn hóa để chống phá Đảng, Nhà nước; lôi kéo, kích động nhân dân tổ chức và tham gia vào các hoạt động phản văn hóa, phi văn hóa, gây nên những bất ổn và mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân và giữa các nhóm xã hội khác nhau.

Năm là, bảo đảm tính công bằng và bình đẳng trong hoạt động văn hóa trong từng hoạt động, từng vùng miền, từng chủ thể xã hội. Văn hóa là của nhân dân, vì nhân dân, do đó khi chủ trương xã hội hóa văn hóa cần phải chú ý đến yếu tố công bằng và bình đẳng, bảo đảm cho mọi thành phần dân cư, mọi vùng miền, mọi đối tượng đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong hưởng thụ và đóng góp cho văn hóa. Bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong hoạt động và hưởng thụ văn hóa, vừa là chất xúc tác cho các nét văn hóa không bị mai một, có điều kiện giao thoa và làm cho văn hóa đậm đà hơn. Chính nó cũng là cơ chế để “phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức sáng tạo văn hóa - văn nghệ trong việc vận động, tổ chức quần chúng, giới trí thức thực hiện nhiệm vụ văn hóa, làm chủ văn hóa” như tinh thần của Nghị Quyết đề ra./.

------------------------------------------

(1) Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phần thứ ba về “Những giải pháp lớn xây dựng và phát triển văn hóa”, 16-7-1998.

(2) Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng, trích nội dung của Nghị quyết về giải pháp “Các chính sách văn hóa trong kinh tế”, 16-7-1998.

(3) Xã hội hóa (sociolization) được hiểu theo hai tầng nghĩa khác nhau: một chỉ quá trình xã hội hóa cá nhân tức là quá trình mà qua đó, biến một “con người tự nhiên” trở thành “con người xã hội” thông qua các môi trường xã hội như: gia đình, nhà trường, nhóm xã hội, truyền thông đại chúng,…; trên tầng diện thứ hai dùng để chỉ quá trình mà nhà nước kêu gọi và huy động các nguồn lực xã hội vào trong các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nghệ thuật,…

(4) Xem: Phạm Đi, “Hiểu thế nào là đúng về chủ trương xã hội hóa các hoạt động xã hội ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Sinh hoạt lý luận số 4(98), 2008.

(5) Ngay từ “Đề cương văn hóa” năm 1943, Đảng ta đã đề ra phương châm xây dựng nền văn hóa “Khoa học - Dân tộc - Đại chúng”. Có nghĩa rằng văn hóa phải thuộc về nhân dân, phục vụ nhân dân và nhân dân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào quá trình sáng tạo, phát huy các giá trị văn hóa. Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII đã nhấn mạnh đến vấn đề xã hội hóa hoạt động văn hóa như là điểm nhấn để huy động sức người, sức của từ các tổ chức xã hội để xây dựng vào phát triển văn hóa. Đến Đại hội IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hóa” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thức IX của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, tr.108).

(6) Xem: Nghị quyết 90-CP của Chính phủ ngày 21-8-1997 về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các họa động giáo dục, văn hóa, y tế, văn hóa.

TS. Phạm Đi
Học viện Chính trị - hành chính Khu vực III (Đà Nẵng)
(Nguồn: TCCS)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất