Thứ Năm, 19/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 22/3/2016 20:50'(GMT+7)

Con người là trung tâm trong giáo dục nhân cách, đạo đức

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phát biểu mở đầu buổi hội thảo (Ảnh:TA)

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phát biểu mở đầu buổi hội thảo (Ảnh:TA)

 Sáng 21/3, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp cùng với Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục”. 

Buổi hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trịnh Ngọc Thái, Nguyên Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; đồng chí Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giáo sư đầu ngành về giáo dục: tâm lí học, văn hóa học, xã hội học đã tới tham dự cuộc hội thảo.

Phát biểu tại buổi hội thảo bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam nhấn mạnh: Thực trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi khiến các nhà nghiên cứu khoa học thấy lo lắng về tình hình xã hội hiện nay, đặt ra nhiều câu hỏi vì sao có tình hình đó? Cần có giải pháp nào để khắc phục thực trạng trên? Giáo dục cần vào cuộc như thế nào đang là bài toán mà các cấp, các ngành cần triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ hơn nữa. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành giáo dục đã quan tâm vấn đề này. Song sự chỉ đạo còn hạn chế và chưa có những hành động, giải pháp cụ thể. Gần 10 năm trở lại đây, trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước có nói về vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội, coi đó là trọng tâm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa là “nền tảng tinh thần” đã được đề cập trong văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII. Nhiều đồng chí rất phấn khởi khi Đảng đã đặt vấn đề văn hóa là nền tảng, đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho khoa học kĩ thuật – công nghệ là quốc sách hàng đầu. Con người trở thành trọng tâm mục tiêu, là động lực phát triển kinh tế, xã hội . . .”

 Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam và Hội tâm lí – giáo dục Việt Nam đã bắt tay phối hợp tổ chức cuộc hội thảo lần này với tâm huyết nhằm góp phần đề xuất các giải pháp tháo gỡ, giải quyết các vấn đề nêu trên. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành như GS - TSKH Phạm Minh Hạc, GS – TSKH Trần Ngọc Thêm, PGS Vũ Trọng Rỹ, PGS – TS Đỗ Ngọc Thống . . . Các nhà khoa học đã nghiên cứu, tập hợp những tài liệu để phân tích, đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng đạo đức, nhân cách con người hiện nay. Với mong muốn rất lớn là phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, đề xuất xoay quanh vấn đề trên.

 


 
 Quang cảnh buổi hội thảo khoa học (Ảnh: Hoàng Sơn)

 

 
 GS - TSKH Phạm Minh Hạc phát biểu ý kiến (Ảnh: TA)

Cũng trong buổi hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu như GS Phạm Minh Hạc về đóng góp một số ý kiến cảm nhận vào bài viết “Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách của hệ thống giáo dục”; GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm đưa ra tham luận với tiêu đề: “Về việc xây dựng hệ giá trị với tư cách là mục tiêu phát triển nhân cách của hệ thống giáo dục Việt Nam” trong đó ông phản bác một số luận cứ, cách hiểu sai lệch, làm rõ hơn một số thuật ngữ, ngôn từ trong văn bản dự thảo bằng 5 nội dung chính: về nguyên nhân của tình trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi; về một số khái niệm nền tảng; về xây dựng hệ giá trị với tư cách là mục tiêu phát triển nhân cách của HTGD Việt Nam cần dựa trên những cơ sở thực tiễn nào?; về hệ giá trị được đưa ra, kết luận và đề xuất. Trong đó GS – TSKH Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh cần xây dựng con người Việt Nam mới, trước hết là con người quản lý, con người lãnh đạo cùng với đó là vai trò của bộ năm: “cá nhân – nhà trường – gia đình – xã hội – nhà nước” trong đó cá nhân người học là trung tâm và đóng góp vai trò quyết định…

 
 GS – TSKH Trần Ngọc Thêm phản biện, lập luận sâu sắc tại hội thảo (Ảnh:TA)

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, nhiều góc cạnh mới được phát hiện góp ý thêm nhằm chỉnh sửa vào chủ đề chính của buổi hội thảo “Hệ giá trị - Mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục”. Đây đều là những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội trong thời gian vừa qua, rất cần các nhà khoa học, nhà nghiên cứu xã hội học, văn hóa học, tâm lý học bàn luận thêm và đề ra những biên pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất./.

Hoàng Sơn, Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất