Thứ Ba, 24/12/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 25/7/2015 13:27'(GMT+7)

Con số "biết nói" về hàng Việt áp đảo hàng ngoại ở siêu thị

Số lượng hàng Việt Nam có mặt tại các siêu thị ngày càng tăng. (Ảnh: KT)

Số lượng hàng Việt Nam có mặt tại các siêu thị ngày càng tăng. (Ảnh: KT)

“93% người tiêu dùng đã quan tâm và biết đến Cuộc vận động: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 60% người tiêu dùng cam kết sẽ sử dụng hàng Việt Nam, 54% khuyến khích người thân dùng hàng Việt Nam....”, đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.

Trong 6 tháng qua, công tác đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được các địa phương trong cả nước quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Các đợt bán hàng Việt về nông thôn tăng lên cả về số lượng và quy mô theo từng địa bàn.

Các địa phương đã tổ chức hơn 100 đợt bán hàng về nông thôn với 1.355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 600.000 lượt người tới tham quan mua sắm, đạt doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng; tiếp nhận hơn 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu đạt gần 9.000 tỷ đồng. Hàng Việt đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường nội địa.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2015, Sở Công Thương đã tích cực chủ động tuyên truyền Cuộc vận động trên địa bàn thành phố về việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt. Các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành.

Bên cạnh đó, số lượng hàng Việt "áp đảo" hàng ngoại, có mặt tại các siêu thị ngày càng tăng. Điển hình, tại hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% hàng Việt, hệ thống siêu thị Saigon Coop Mart có khoảng 95%, hệ thống siêu thị Vinatex Mart khoảng 100% hàng sản xuất trong nước. Tại hệ thống các cửa hàng bình ổn thị trường cũng có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

“Chúng tôi luôn khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng các thương hiệu. Năm nay Hà Nội hỗ trợ 4,8 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 16 làng nghề để tham gia xây dựng thương hiệu; Tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp tham gia 4 hội chợ nước ngoài và 6 hội chợ trong nước rồi tổ chức các chương trình khác để phục vụ cho doanh nghiệp. Để cuộc vận động có sức lan tỏa, Nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển thì cuộc vận động này mới đi vào cuộc sống”, Bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ và đề xuất.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều người tiêu dùng tin tưởng khi dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối, không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ trong vấn đề truyền thông, dẫn đến chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. 

Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn  nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, sắp hết hạn sử dụng gây ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động.

Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực hiện những chương trình tiếp theo.

“Hoạt động này sẽ được Bộ Công Thương triển khai hóa bằng các chương trình rất cụ thể. Trong đó, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt kết hợp với các Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí để tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả hơn nữa để triển khai tốt hơn cuộc vận động. Bộ Công Thương cũng sẽ kết nối với các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương để thực hiện các chương trình kết nối và tiêu thụ các sản phẩm của các vùng miền”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định./.

(Theo: VOV)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất