Thứ Năm, 26/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 12/3/2010 21:35'(GMT+7)

Công báo điện tử sẽ đăng trên Cổng TTĐT Chính phủ

Giao diện Trang thông tin điện tử Công báo TP.HCM

Giao diện Trang thông tin điện tử Công báo TP.HCM

Đây là một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định về Công báo của nước CHXHCN Việt Nam, thay thế Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004, đang được Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.

Không bắt buộc đăng Công báo các văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện

Dự thảo nêu rõ, Công báo của nước CHXHCN Việt Nam (gọi chung là Công báo) là ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý, có chức năng đăng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp ban hành, các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế đã có hiệu lực và các văn bản pháp luật khác theo quy định.

Về cơ bản, quy định về loại văn bản đăng trên Công báo nước CHXHCN Việt Nam vẫn giữ nguyên như quy định cũ, nhưng có sự thay đổi về loại văn bản đăng trên Công báo cấp tỉnh. Cụ thể, dự thảo chỉ quy định bắt buộc đăng Công báo cấp tỉnh đối với văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh, còn việc đăng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện và một số văn bản pháp luật khác do cơ quan ban hành quyết định, nếu thấy cần thiết (Quy định cũ bắt buộc các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện cũng phải đăng Công báo). Như vậy quy định mới này được điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời cũng phù hợp với chủ trương thí điểm, tiến tới không tổ chức HĐND cấp huyện.

Giảm số văn bản giấy cơ quan ban hành gửi đăng Công báo

Công báo gồm có Công báo nước CHXHCN Việt Nam do Văn phòng Chính phủ xuất bản và Công báo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Công báo cấp tỉnh) do Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản.

Công báo xuất bản dưới hình thức Công báo in và Công báo điện tử, trong đó Công báo điện tử là phiên bản của Công báo in.

Dự thảo cũng quy định một cách cụ thể về thời hạn gửi, tiếp nhận, đăng văn bản trên Công báo đối với từng loại văn bản, đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Đồng thời, hình thành mối quan hệ hiệu quả giữa cơ quan ban hành văn bản với cơ quan xuất bản Công báo nhằm đảm bảo việc công khai văn bản pháp luật.

Ngoài ra, nhằm tránh lãng phí, hạn chế giấy tờ hành chính, dự thảo quy định khi gửi văn bản đăng Công báo, cơ quan ban hành chỉ gửi 1 bản giấy và bản ghi điện tử (giảm 1 bản giấy). Theo ước tính, việc giảm 1 bản giấy, hàng năm, các cơ quan Trung ương sẽ giảm được khoảng 2.000 văn bản với khoảng 50.000 trang in, ở các địa phương sẽ giảm được khoảng 16.000 văn bản.

Đưa Công báo điện tử lên Internet

Đưa Công báo điện tử lên Internet là một trong những chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu văn bản pháp luật, giảm thiểu Công báo in, tiết kiệm nhân lực và ngân sách nhà nước. Thực hiện chủ trương này, trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Dự án Star tại Việt Nam xây dựng Đề án Công báo điện tử thử nghiệm tại Văn phòng Chính phủ và một số địa phương. Hiện nay, Đề án này đã được triển khai có hiệu quả và đưa vào khai thác tại một số địa phương. Kết quả thu được từ các địa phương này minh chứng khá rõ cho hiệu quả của việc đưa Công báo điện tử đi vào hoạt động.

Phát triển Công báo điện tử là xu hướng chủ yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu các quy định về Công báo điện tử. Chính vì vậy, dự thảo đã bổ sung một số quy định làm cơ sở cho việc phát triển, đưa Công báo điện tử lên mạng Internet.

Đưa Công báo điện tử lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ/UBND cấp tỉnh

Dự thảo nêu rõ, "Văn phòng Chính phủ xây dựng, quản lý, duy trì hoạt động của Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, quản lý, duy trì hoạt động của Công báo điện tử cấp tỉnh trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh".

Như vậy, với những quy định về xuất bản Công báo điện tử đưa lên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, UBND cấp tỉnh, dự thảo sẽ đảm bảo một cách có hiệu quả về việc tiết kiệm nhân lực, ngân sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tập trung đầu mối thông tin, bổ sung dữ liệu cho Cổng Thông tin điện tử trong việc cung cấp thông tin đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Giảm số lượng cấp phát Công báo miễn phí

Song song với đó, hoạt động in ấn, phát hành Công báo giấy vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng việc cấp phát Công báo miễn phí (lấy từ ngân sách nhà nước) sẽ giảm về số lượng.

Theo các quy định hiện hành thì Công báo in được cấp phát miễn phí cho một số cơ quan, tổ chức và cấp phát miễn phí 2 cuốn/số cho tất cả các xã, phường, thị trấn trong cả nước. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, việc cấp phát như quy định này không hiệu quả. Một số địa phương không có nhu cầu sử dụng Công báo giấy. Do đó, Dự thảo quy định chỉ cấp miễn phí cho các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc với số lượng 1 cuốn/số/xã, phường, thị trấn.

Dự thảo quy định, Văn phòng Chính phủ, chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành Công báo nước CHXHCN Việt Nam, Văn phòng UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành Công báo của địa phương.

(Cổng TTĐT Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất