Xây dựng đội ngũ viên chức năng động, sáng tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, qua hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh Cán bộ, công chức đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức. Kết quả là đội ngũ viên chức đã được nâng cao và phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân.
Tính đến cuối năm 2009, tổng số viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.657.470 người, làm việc trong 52.241 đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện.
Tuy nhiên, thực trạng về tổ chức, tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chậm đổi mới, các quy định về pháp lý vẫn còn nhiều bất cập.
Do đó, mục tiêu của Luật Viên chức là tạo hành lang pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phát huy tính năng động, sáng tạo của viên chức.
Một trong những điểm mới của Luật này đã làm rõ khái niệm về “viên chức” là được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập và đặc điểm nghề nghiệp của viên chức là không mang tính quyền lực công mà chủ yếu là mang tính chuyên môn, nghề nghiệp.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Viên chức là quy định chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức và các quy định chuyển tiếp.
Cụ thể, viên chức có thời gian làm việc 5 năm trở lên tại đơn vị sự nghiệp công lập được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ sung vào vị trí làm việc được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; viên chức chuyển sang cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm có quyền lợi về chế độ, chính sách.
Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003 có quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. Viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết theo quy định của Luật này.
Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.
Cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hữu hiệu hơn
Nhấn mạnh về những điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh nêu rõ, số vụ việc và mức độ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng, có tính chất tinh vi và phức tạp.
Ngoài những vi phạm về hàng hóa, các vi phạm về dịch vụ cung ứng cho người tiêu dùng cũng xảy ra thường xuyên. Các gian dối về đo lường, cân đong, đo đếm ở các mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm… gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng.
Thế nhưng các quy định pháp lý còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế cuộc sống. Các quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng và chế tài áp dụng với các hành vi xâm phạm khó thực hiện.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định bằng các hình thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.
Bên cạnh các phương thức giải quyết tranh chấp nói trên, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng, lợi ích cộng đồng thì người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch đứng ra giải quyết.
Mặt khác, Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011.
Giải quyết các bức xúc nổi cộm trong quản lý khoáng sản
Đây là một trong những mục tiêu, yêu cầu cơ bản mà Luật Khoáng sản sửa đổi lần này quy định. Cụ thể, Luật bãi bỏ các quy định bất cập, bổ sung các quy định về những vấn đề mới phát sinh, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản gắn với yêu cầu phân cấp và cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, các điểm mới trong Luật này là cấp giấy phép khai thác khoáng sản qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản, phân cấp thẩm quyền cấp phép…
Mặt khác, Luật đã bổ sung quy định về Chiến lược khoáng sản nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng cũng như công tác lập quy hoạch và thăm dò khoáng sản, tránh tình trạng chồng chéo.
“Điểm mới mang tính “đột phá” của Luật này là sự thay đổi cơ bản cơ chế quản lý khoáng sản thông qua các quy định về tài chính, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết.
Luật quy định khoản thu khi Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân được gọi là “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, đây là một phần lợi ích mà chủ sở hữu được hưởng khi trao quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về hạn chế tình trạng xin-cho trong cấp phép, khai thác khoáng sản, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, với các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (khu vực đã thăm dò cũng như chưa thăm dò), về cơ bản dần dần sẽ cắt bỏ được cơ chế xin - cho hiện nay, đồng thời cũng khắc phục tiêu cực trong chuyển nhượng khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định về nguyên tắc và điều kiện cấp phép thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản nhằm tăng chất lượng công tác thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác và lựa chọn được tổ chức, pháp nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm khi được cấp phép.
Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.
(Theo: Chinhphu.vn)