Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 3/12/2010 22:29'(GMT+7)

Ngăn chặn tin đồn thất thiệt, gây rối loạn thị trường

Họp trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường - Ảnh Chinhphu.vn

Họp trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường - Ảnh Chinhphu.vn

Đó là nhận định chung từ các ngành quản lý cũng như diễn biến được phản ánh từ các địa phương trong cuộc họp trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sáng 3/12.

Đủ hàng cung ứng trong dịp Tết

Bộ Công Thương khẳng định, từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn được đảm bảo đầy đủ. Theo thông lệ từ tháng 12 đến tháng 2 lượng hàng hóa tăng khoảng 20%.

Hệ thống bán lẻ được mở rộng và nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong kho đã được chuẩn bị chu đáo cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm. Tại các địa phương sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP.HCM, các chương trình bình ổn thị trường đã được sớm tung ra với mức vốn hỗ trợ lên tới 880 tỷ đồng. Một số địa phương khác tổ chức hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường theo nhu cầu cụ thể.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, áp lực cung cầu về mặt hàng gạo là không có, sẽ khó tăng giá đột biến khi nhiều tỉnh đang và sắp thu hoạch vụ mùa và vụ Đông, lượng gạo dự trữ cũng được các doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch. Tương tự, mặt hàng thịt sẽ không thiếu khi chăn nuôi khá ổn định, tăng 5,5% so cùng kỳ với sản lượng gần 4,1 triệu tấn thịt hơi các loại.

Lượng đường cũng sẽ đảm bảo đủ cung cho dịp Tết khi dự trữ đã đạt 39.000 tấn (cao hơn 10% so với năm trước), cùng với lượng nhập khẩu 90.000 tấn theo kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nguồn cung phân bón cho nông nghiệp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu dự kiến với lượng ure đạt 1,851 triệu tấn

Tổng cung muối theo tính toán là 1,398 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,34 triệu tấn, tổng cung thức ăn chăn nuôi là 19,7 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
 
Tương tự, lượng cung thép xây dựng sẽ đạt mức bảo đảm cho nhu cầu khoảng 4,84 triệu tấn cả năm, lượng cung xi măng đạt 50,5 tấn trong khi lượng cầu 50,01 triệu tấn. Giá giấy đảm bảo ổn định với mặt bằng thiết lập từ quý II/2010. Than, xăng dầu, khí gas đã tạo ra các cơ chế luôn ổn định về mặt thị trường.

Tuy nhiên, một số các Bộ, ngành cũng đề nghị lưu ý một số mặt hàng có điều kiện đặc thù như rau màu bị thiên tai gây thiệt hại nặng, giá các mặt hàng nhập khẩu như thuốc, gas,... bị ảnh hưởng bởi vấn đề tỷ giá.

Cần ổn định tâm lý tiêu dùng

Ý kiến từ các Bộ chuyên ngành đều nhận định, việc tăng giá thời gian qua một số mặt hàng qua chủ yếu do yếu tố giá đầu vào (nguyên nhiên vật liệu) thế giới tăng, hoặc tăng giá cục bộ do một số đối tượng đầu cơ lợi dụng tình hình và yếu tố tâm lý của người tiêu dùng. Đặc biệt, hiện tượng giá vàng tăng đến 37%, USD tăng xấp xỉ 10% đã bị lợi dụng để tăng giá bất hợp lý một số mặt hàng khác trên thị trường.

Người tiêu dùng cần phân biệt rõ giữa các yếu tố đầu vào với một số mặt hàng nhất định, chứ không phải là toàn bộ các loại hàng hóa. “Không thể lấy hiện tượng giá vàng tăng để đẩy giá bán rau lên”, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thị Hồng nói.

Phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy sự chủ động trong cân đối cung cầu và chuẩn bị chu đáo nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu dịp Tết, tuy nhiên vấn đề kiểm soát, thông tin thị trường cần thông suốt, nhịp nhàng hơn, tránh một số hiện tượng tăng giá cục bộ vừa xảy ra.

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhận thức, thông tin đầy đủ về thực trạng, diễn biến cung cầu chung của thị trường trong nước cũng như thế giới hiện nay.

Các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết số 18/NQ-CP và Chỉ thị số 1875/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả những tháng cuối năm 2010.

Xử lý nghiêm các hành vi gây sốt giá

Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới, như: Tập trung tháo gỡ, khai thác tốt năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn cung là mục tiêu số 1, nhất là nguồn cung để giải quyết khó khăn cho các vùng bị thiên tai, bão lụt vừa qua. Chính phủ cũng sẽ sớm có Quyết định về hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng lưu thông hàng hóa, phân bón, giống cây trồng vật nuôi,.. cho các tỉnh bị lũ lụt, thực hiện hoãn thu lệ phí, phí đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thịt,...

Các Bộ Công Thương, Tài chính xem xét sửa, bổ sung các quy định xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tăng cường việc tổ chức kiểm tra, can thiệp kịp thời các hiện tượng bất ổn của thị trường, nhất là mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, thực phẩm, ..

“Số vụ xử lý vi phạm về giá chiếm chưa tới 10% các vụ vi phạm quản lý thị trường thời gian qua cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả chưa đủ mạnh. Những trường hợp gây sốt giá, cố tình đưa ra những thông tin lệch lạc cần điều tra, xử lý nghiêm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Các địa phương chuẩn bị lượng hàng hóa, vốn hỗ trợ dự trữ. Ngành Công Thương tiếp tục chỉ đạo tăng các điểm bán lương thực, thực phẩm ở các thành phố, điểm thu mua trọng yếu.

Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, truyền thông làm tốt hơn thông tin về chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của Nhà nước, thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, gây rối loạn thị trường, làm bất lợi đến người tiêu dùng.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất