Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 14/12/2010 16:19'(GMT+7)

Kinh nghiệm và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng chống tham nhũng!

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội thảo, các báo cáo tập trung làm rõ nội dung: Kinh nghiệm và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng chống tham nhũng.

1. Báo cáo “Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc” của ông Christopher Bath- Văn phòng Tội phạm ma tuý Liên hiệp quốc đã chỉ rõ: Tham nhũng là mối hiểm hoạ toàn cầu, đó là một thách thức đa diện. Trong báo cáo cũng khẳng định mục tiêu và kết cấu của Công ước chính là nhằm “ngăn ngừa và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả và hiệu lực hơn”, và “thực thi các chính sách chống tham nhũng được điều phối và hiệu quả”[1], “đảm bảo sự hiện diện của các cơ quan chống tham nhũng”, cùng các biện pháp phòng ngừa khác như: sự tham gia của xã hội, sự hợp tác quốc tế, và  dẫn độ hay là truy tố các tội về trách nhiệm và hình sự khác,…

2. Trên cơ sở nội dung “Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng”, và “Đo lường, đánh giá tham nhũng trong phòng chống tham nhũng”, đặc biệt là “Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng” do ông Renwich Irvine – DFID, Đại sứ quán Anh trình bày, Hội thảo tập trung nghe và thảo luận các báo cáo về: “Tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” của ông Hoàng Mạnh Chiến- Phó Cục trưởng Cục tham nhũng, Bộ Công an; về “Công tác xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Văn Cường, Thẩm phán tối cao, Phó Viện trưởng Viện KHXX, Toà án NDTC.

Những số liệu của hai báo cáo nêu trên, đặc biệt là số liệu công khai trong hai năm 2009-2010 cho thấy, tình hình tội phạm tham nhũng trên các lĩnh vực: đất đai; đầu tư, xây dựng cơ bản; tài chính, ngân hàng; trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước và các lĩnh vực khác diễn biến khó lường. Và trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp mang tính tổng thể và toàn diện, nhằm ngăn ngừa và chống tham nhũng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Dù đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định [ví dụ: tổng hợp trong 5 năm (2006- 20100, các cơ quan điều tra ở các địa phương đã khởi tố điều tra 1.613 vụ án với 3.284 bị can về tội tham nhũng; Viện KSND cấp tỉnh, huyện đã truy tố 1.382/2.849 bị can; Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 1.382/2.849 bị cáo về tội tham nhũng][2], song theo Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, “đánh giá một cách thật sự khách quan, nghiêm khắc thì về tổng thể công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong thời gian qua xét trên nhiều khía cạnh chưa thực sự đáp ứng được với đòi hỏi của tình hình thực tiễn”[3].

Hoạt động gia tăng của các loại tội phạm tham nhũng ngày càng gia tăng, trong khi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế đã đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết, và những vấn đề đó được trình bày trong những tham luận tiếp theo.

3. Để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng chống tham nhũng, cùng với việc khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực tiễn cho thấy cần phải có sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành,v.v..Trong đó, vấn đề vai trò và ảnh hưởng của báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ qua tham luận: “Tiếp cận thông tin và vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng”, do GS, TS. Dương Xuân Ngọc, Phó giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền và “Tăng cường sự tham gia của báo chí, truyền thông vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam” của ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương. Tham luận khẳng định việc góp phần nhận diện tham nhũng, quyền được tiếp cận thông tin của báo chí và các cơ quan truyền thông[4]; việc xây dựng mối quan hệ giữa báo chí với những người chống tham nhũng, những biện pháp để báo chí bảo vệ người tố cáo tham nhũng, xây dựng lực lượng “nòng cốt” chống tham nhũng ở các bộ, ngành Trung ương, tạo phong trào đấu tranh chống tham nhũng ở mọi cơ quan, đơn vị, xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng[5], v.v..

4. Từ việc khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, và từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, có thể thấy rõ Vai trò của Uỷ ban kiểm tra Trung ương và các cấp (tham luận của ông Vũ Xuân Thơm), vai trò của việc Phát huy quy chế dân chủ cơ sở ( tham luận của GS, TS. Phan Xuân Sơn), Vai trò của hợp tác quốc tế và giáo dục trong phòng chống tham nhũng ở Việt Nam (tham luận của TS. Bùi Phương Đình), và nhất là việc Phòng chống văn hoá ngầm của tham nhũng (tham luận của PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn). Ở cụm vấn đề này, nội dung của các tham luận khẳng định: Muốn phòng chống tham nhũng, tất yếu phải chống chủ nghĩa cá nhân ở tất cả các cấp, các ngành, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với tất cả các biện pháp, các hình thức và nhất là phải đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, phát huy khả năng sáng tạo, sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân  trong xây dựng đời sống kinh tế- xã hội, trong xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đặc biệt là “đặt đúng vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị”…

5. Nhóm vấn đề khác được trình bày và thảo luận tại Hội thảo là “Thanh tra Quốc hội  và mô hình xây dựng cơ quan độc lập về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam” của TS. Đặng Dũng Chí;  “Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh với việc phòng, chống tham nhũng” của PGS, TS. Phan Thanh Khôi; “Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc và nghĩa vụ quốc gia- trường hợp Việt Nam” của TS. Hoàng Văn Nghĩa, “Xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản trị hiệu quả và phòng chống tham nhũng: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Báo. Trong các tham luận này, phần kiến nghị về việc cải cách hơn nữa hệ thống tư pháp; minh bạch hoá nền hành chính công nói riêng và toàn bộ hệ thống quyền lực công nói chung; kiện toàn bộ máy phòng, chống tham nhũng các cấp; tăng cường giáo dụ, tuyên truyền và phổ biến về phòng chống tham nhũng,v.v.. được quan tâm, thảo luận sôi nổi.

 Hội thảo đã đi đến kế luận: Trên cơ sở của Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng, trên tinh thần kiên quyết thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa nào, làm nghề nghiệp gì”[6], có thể tin tưởng chắc chắn rằng: công tác phòng chống tham nhũng, đấu tranh chống tham nhũng sẽ nhận được “các nỗ lực chung trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu”. Và trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước ta đã và sẽ “triển khai hàng loạt chương trình hành động từ lập pháp, hành pháp và tư pháp đến việc huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến chống lại thứ “giặc nội xâm” này./.

 

Hà Uyên

 


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Christopher Bath: Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc, Tham luận tại Hội thảo

[2] Hoàng Mạnh Chiến: Tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tham luận tại Hội thảo

[3] Hoàng Mạnh Chiến: Tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tham luận tại Hội thảo

[4] Dương Xuân Ngọc: Tiếp cận thông tin và vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, Tham luận tại Hội thảo

[5] Nguyễn Văn Hùng: Tăng cường sự tham gia của báo chí, truyền thông vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, Tham luận tại Hội thảo

[6] Hồ Chí Minh; Toàn tập, Nhà xuất bản. CTQG, H, 1995, t.5, tr.641

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất