Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 15/11/2009 21:23'(GMT+7)

Cồng chiêng ngân vang trong lễ mừng lúa mới

Dân làng múa hát bên cây nêu mừng mùa lúa mới

Dân làng múa hát bên cây nêu mừng mùa lúa mới

Hơn 100 người dân tộc Ja Rai ở làng Mơ Rông Yố thuộc xã Ia Ka, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) trực tiếp tham gia tái hiện lễ hội với quy mô tưng bừng và hoành tráng bên mái nhà rông, ngôi nhà sàn mới được xây dựng trong khuôn viên rộng và thoáng mát.

Trong sắc trời trong xanh và lộng gió cao nguyên, những người tham gia đều ăn mặc theo trang phục truyền thống. Đội cồng chiêng của làng Mơ Rông Yố biểu diễn những bài chiêng hay của các chàng trai và điệu múa xoang đẹp, uyển chuyển của các cô gái.

Theo ông Nguyễn Trần Hanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch-Văn hóa tỉnh Gia Lai (đơn vị chủ quản Công viên Văn hoá Đồng Xanh), sự tái hiện Lễ mừng lúa mới diễn ra trong vòng một buổi, không những chỉ phục vụ cho du khách đến tham quan trong dịp festival mà còn là điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo này của tộc người Ja Rai và Ba Na.

Các già làng cùng mọi người thưởng thức rượu cần. Ảnh: An Dung

Trai gái chơi kéo co mùng mùa lúa mớ. Ảnh: An Dung

Lễ mừng lúa mới của các tộc người Ja Rai và Ba Na sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có từ lâu đời và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày hôm nay. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của các tộc người này với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng có truyền thống sản xuất trên nương rẫy.

Lễ mừng lúa mới của các tộc người bản địa ở Gia Lai thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 11 dương lịch năm trước cho đến tháng 1 năm sau, đây là thời gian rảnh rỗi của con người sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất "nghỉ ngơi" theo tập quán.

Giã gạo mừng lúa mới. Ảnh: Công Hoan

Làm thịt heo mừng lúa mới. Ảnh: Công Hoan

Dù lễ cúng lớn hay nhỏ thì điều quan trọng nhất là mâm cơm phải bằng được nấu bằng hạt lúa mới. Cộng đồng Ja Rai, Ba Na coi đây là sự tồn tại không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của đời người.

Ngày nay, lễ hội mừng lúa mới ở các buôn làng ở tỉnh Gia Lai không còn diễn ra linh đình trong nhiều ngày như trước nữa, bà con đã ý thức được việc tiết kiệm và giữ gìn sức khỏe nên đã rút ngắn lại chỉ một ngày, thậm chí chỉ một buổi.

* Tối 15-11, lúc 20g30 lễ bế mạc Festival cồng chiên quốc tế 2009 sẽ diễn ra tại quảng trường 17-3, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Pleiku.  Chương trình có bắn pháo hoa 15 phút và được VTV1 truyền hình trực tiếp

Đức Trung - Hồng Sơn - An Dung-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất