Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Tư, 9/10/2019 16:59'(GMT+7)

Công tác cán bộ theo yêu cầu mới

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Công tác cán bộ được xem là vấn đề trực tiếp và thường xuyên của cấp ủy các cấp, trách nhiệm hết sức quan trọng này trước tiên thuộc về Ban Thường vụ của từng cấp ủy. Trong tình hình xây dựng Đảng hiện nay có nhiều vấn đề cần đề cập trong việc xây dựng các tổ chức đảng theo hướng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở từng cấp. Bài viết này xin trao đổi một số vấn đề xoay quanh việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng dưỡng cán bộ để quy hoạch vào các chức danh chủ chốt cấp cơ sở của nhiệm kỳ sắp đến theo yêu cầu mới của Trung ương Đảng.

Từ thực tế cho thấy, hầu như tại các hội nghị của nhiều địa phương, ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội khi đề cập đến vấn đề nhân sự thì nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng trước sự thiếu hụt về nguồn cán bộ kế cận là khá phổ biến. Nào là không tìm đâu ra người để tiến hành bồi dưỡng đào tạo, sẵn sàng thay thế lớp lớn tuổi khi có yêu cầu; nào là cán bộ trẻ bây giờ thiếu khí chất xông pha đảm nhận việc chung (?!); nào là thanh niên bây giờ chẳng còn tha thiết, mặn mòi gì được vào biên chế cơ quan nhà nước; nào là lý tưởng, hoài bão cống hiến của tuổi trẻ đã bị mai một; nào là trào lưu sống vội, sống gấp, sống bất chấp đã ăn sâu vào tư duy và cách hành xử của lớp trẻ bây giờ… Không ít vị cán bộ hưu trí đang tham gia công tác ở địa phương cùng quan điểm than thở: “Già dù có mẫu mực bao nhiêu đi nữa nhưng trẻ không chịu xông pha thì cũng bằng không”, đây cũng là tâm trạng lo lắng chung của cán bộ đương chức, nhất là những người tâm huyết, thấy được trách nhiệm của mình trong các cấp ủy cơ sở hiện nay.

Qua phản ảnh từ cơ sở, ai cũng tưởng chừng như bế tắc, nhưng thực ra việc phát hiện, giới thiệu cán bộ để quy hoạch vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở đâu có phải khó đến mức “nặn” không ra nguồn? Vấn đề quan trọng là phát hiện, lựa chọn như thế nào; có dám tin tưởng để mạnh dạn bố trí công việc cho lớp trẻ hay không; có vô tư trong sáng, công bằng minh bạch hay không; có đưa vào quy hoạch cán bộ kế cận, dự nguồn hay không?.

Hằng năm ở nước ta có hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, ngoài những trường hợp tốt nghiệp thuộc loại xuất sắc may mắn được các nhà đầu tư tuyển dụng, doanh nghiệp mời gọi bố trí việc làm ngay, phần lớn còn lại phải về địa phương để tìm việc làm, trong đó có không ít cử nhân, thạc sĩ phải chấp nhận làm những công việc không đúng chuyên môn đào tạo, thậm chí là những công việc “lao động phổ thông” vì mục đích “mưu sinh”. Đây chính là sự lãng phí chất xám! Ngoài ra mỗi năm cũng có hàng trăm ngàn chiến sỹ bộ đội, công an hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, trong đó có người đã trở thành đảng viên cộng sản. Đây là nguồn nhân lực rất tốt để phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng trở thành cán bộ ở cơ sở,.

Thực tế cho thấy, hiện nay không thiếu tài năng trẻ, rất nhiều gương mặt sáng giá xuất hiện trong các phong trào thi đua yêu nước ở khắp nơi đã nói lên điều đó. Nguồn cán bộ cho cơ sở là ở đó, rất gần và biết rất rõ để lựa chọn và bố trí công việc. Vấn đề là, phải công tâm trong việc chọn người giao việc, làm sao để người trẻ có điều kiện thuận lợi cống hiến tài năng vào việc chung một cách hiệu quả nhất, làm sao cho người trẻ vững vàng, yên tâm phấn đấu trau dồi một cách toàn diện để tự tin bước vào đời, kể cả bước vào chính trường từ cơ sở.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức;…”(1). Việc phát hiện, chọn người để đưa vào nguồn cán bộ quy hoạch các chức danh chủ chốt ở cơ sở thì đòi hỏi cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài như định hướng của Trung ương Đảng. Bởi cán bộ cấp cao ở Trung ương cũng trưởng thành từ cán bộ cơ sở mà lên, nếu không làm tốt thì hậu quả sẽ rất khó lường. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã có không ít cán bộ các cấp vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước bị đưa “vào lò”, trong nhiều nguyên nhân, chắc chắn là có nguyên nhân do phát hiện, giới thiệu, lựa chọn thiếu chặt chẽ và chưa công tâm mà ra.

Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành các bước để tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đây chính là dịp để giới thiệu với tổ chức đảng những đảng viên có đủ tài đức vẹn toàn, xứng đáng để đại hội cân nhắc bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ mới; cũng là thời điểm tập trung quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù”(2).

Cả hệ thống chính trị và toàn dân ta đang đặt niềm tin lớn lao về hiệu quả thực hiện Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Bởi Quy định quan trọng này đã định hướng rất rõ về yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình hiện nay./.

__________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 47.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 5, tr. 276. 

Mai Mộng Tưởng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất