Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dân số là một trong những vấn đề chiến
lược cần phải được nghiên cứu đầy đủ và có những biện pháp chuẩn bị
trước 15-20 năm.
Tới dự Hội nghị Tổng kết 5 năm công
tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015, triển
khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, sáng 29/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
biểu dương nỗ lực của ngành y tế, những người làm công tác dân số, chính
quyền địa phương, các đoàn thể xã hội trong 5 năm đã nỗ lực hoàn thành
phần lớn các chỉ tiêu đề ra về DS-KHHGĐ, trong đó có cả những vấn đề cấp
bách lẫn những vấn đề chiến lược, dài hơi.
Phân tích một số chỉ tiêu chủ yếu, Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dù quy mô dân số Việt Nam vẫn đạt chỉ tiêu
đề ra, song tốc độ tăng dân số nhanh hơn trong mấy năm gần đây cần phải
được nghiên cứu. Đáng quan ngại hơn, tốc độ tăng dân số không đồng đều
khi tại các đô thị lớn, nhóm đối tượng có điều kiện sinh nở, chăm sóc,
nuôi dưỡng trẻ em tốt thì tỷ lệ sinh không tăng, thậm chí giảm. Còn ở
những vùng, những nhóm đối tượng có điều kiện sống còn khó khăn thì tốc
độ tăng dân số lại nhanh hơn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến
chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS), giới tính, bà mẹ, trẻ em...
mà còn liên quan tới cả lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục...
Nhắc đến câu chuyện già hóa dân số là
một trong những thách thức rất lớn đối với công tác dân số hiện tại và
tương lai, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Việt Nam sẽ trở thành nước dân
số già có tốc độ điển hình trên thế giới nếu không có các biện pháp căn
bản, có tính chiến lược.
Phó Thủ tướng cho biết: Năm 2007, chúng
ta ở đỉnh cao “dân số vàng” thì thống kê ở nhiều nước cho thấy thời kỳ
này thường kéo dài 10-15 năm nhưng ở Việt Nam đến năm 2011 đã bắt đầu
bước sang giai đoạn chuyển dịch và đến năm 2035 thì tỷ lệ người già,
người trẻ tương đương, khi đó chính thức bước sang giai đoạn dân số già
có tốc độ điển hình ở thế giới. Vấn đề này kéo theo áp lực rất lớn đối
với hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe... mà ngay cả những nước
như Nhật Bản vốn có hệ thống BHXH, BHYT 100% vẫn còn rất lo ngại.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho Tổng cục Dân số. Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT
hiện nay ở Việt Nam mới được 78% và phấn đấu đạt 90% vào năm 2020, BHXH
mới đạt 25%, nhưng câu chuyện chăm sóc người già, người cao tuổi không
thể đợi đến năm 2030 hay năm 2035 mới bắt đầu. Điều đó sẽ dẫn đến rất
nhiều hệ lụy xã hội”, Phó Thủ tướng trăn trở.
Nhấn mạnh dân số là một vấn đề tổng hợp,
mang tính chiến lược của đất nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị,
ngành dân số phải khẩn trương tổng kết từ thực tiễn, phân tích xu thế
trên thế giới cũng như các cơ sở lý luận trên tinh thần phát huy thành
tích, nhìn vào các điểm còn bất cập để có những điều chỉnh chiến lược.
“Công tác dân số không phải là gạch đầu
dòng bình thường trong các bản báo cáo, đây là vấn đề rất chiến lược.
Tất cả các vấn đề dân số nếu chúng ta không nghiên cứu và có các biện
pháp chuẩn bị trước tối thiểu 15-20 năm thì hậu quả sau này sẽ vô cùng
lớn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Báo cáo của Tổng cục Dân số cho biết
giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc
gia DS-KHHGĐ là 5.384 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 3.802 tỷ
đồng (70,6%); ngân sách địa phương là 1.438 tỷ đồng (26,7%); còn lại là
nguồn tài trợ nước ngoài và nguồn vốn khác (2,7%).
Trong giai đoạn 2011-2015, công tác dân
số đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo chiến lược dân số và
sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020 như quy mô dân số dưới 93 triệu
người; tỷ lệ tăng dân số khoảng 1%/năm; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh
thai luôn trên 76%... Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh được đẩy
mạnh giúp nâng tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh năm 2015
đạt 30% (tăng 20 lần so với năm 2010); trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 30%
(tăng 6 lần so với năm 2010). Qua đó làm giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị
dị tật bẩm sinh xuống còn 1,57% so với mục tiêu 2,5%.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao
Bằng khen của Bộ trưởng Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bên cạnh đó, ngành dân số cũng triển
khai nhiều mô hình tư vấn và khám sức khỏe cho đối tượng vị thành
niên/thanh niên, một trong những nhóm đối tượng đặc thù dễ bị tổn
thương.
Hệ thống hậu cần cung cấp dịch vụ SKSS
tại tất cả các tuyến đều được đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo
cập nhật các kỹ thuật mới về chăm sóc SKSS-KHHGĐ, sàng lọc trước sinh,
sơ sinh... Nhiều chương trình tiếp thị xã hội và xã hội hoá dịch vụ dân
số ngày càng mở rộng, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người
dân. Ngành dân số đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm
100% báo cáo thống kê chuyên ngành được thực hiện theo phương thức điện
tử, xây dựng bản đồ dân số điện tử; tăng cường hợp tác với các tổ chức
quốc tế, các quốc gia trong việc giải quyết các thách thức về dân số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân
nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chiến lược
DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 như tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh
giảm chậm, tốc độ mở rộng nội dung sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa
đáp ứng nhu cầu người dân, tình trạng có thai ngoài ý muốn và phá thai
của vị thành niên/thanh niên chưa cải thiện nhiều, nội dung, hình thức
truyền thông chậm đổi mới... Trong khi đó nguồn lực dành cho công tác
dân số giảm mạnh dù nội dung công việc mở rộng hơn nhiều nên chất lượng
dịch vụ SKSS-KHHGĐ còn hạn chế.
Với việc đề xuất nhiều giải pháp cụ thể
nhằm khắc phục những khó khăn hiện nay đặc biệt là thách thức tốc độ già
hoá dân số ngày càng nhanh, Tổng cục Dân số đặt ra các mục tiêu rất cụ
thể cho giai đoạn 2016-2020 như: Quy mô dân số không qúa 98 triệu người,
tốc độ tăng dân số 1%/năm; giảm 30% số ca nạo phá thai ở vị thành
niên/thanh niên hiện nay; 50% bà mẹ được sàng lọc trước sinh và 80% trẻ
sơ sinh được sàng lọc...
Theo Chinhphu.vn