- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới quan trọng và đáng chú ý nhất về đường lối đối ngoại trong văn kiện Đại hội XII?
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý: Lần đầu tiên,
nhiệm vụ đối ngoại nằm trong các thành tố của chủ đề Đại hội. Chủ đề đại
hội và tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng là "Tăng cường
xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và
dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới;
bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây
dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại."
Như vậy, so với Đại hội XI, Đại hội XII đã bổ sung vào chủ đề nội dung
“bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” để
nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể đường lối
phát triển đất nước và đồng thời nêu rõ hai nhiệm vụ quan trọng nhất
của đối ngoại là bảo vệ Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để chúng ta triển khai các nhiệm vụ xây dựng đất nước trong 5 năm tới
và các năm tiếp theo.
Văn kiện Đại hội XII cũng đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất mục tiêu đối
ngoại. Lần đầu tiên, mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”
được nêu trong Văn kiện Đại hội XI. Văn kiện Đại hội XII làm rõ hơn và
phát triển thành “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ
sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có
lợi.”
Qua đó, Đảng ta khẳng định: Thứ nhất, lợi ích quốc gia và lợi ích dân
tộc là đồng nhất; thứ hai, lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam được
xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình
đẳng và cùng có lợi, không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi;
thứ ba, bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của
mọi hoạt động đối ngoại, lợi ích quốc gia-dân tộc phải là tối thượng,
là tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại.
Lần đầu tiên, phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại được nêu rõ
hơn. Trong văn kiện Đại hội Đảng khẳng định phương châm đối ngoại “vừa
hợp tác, vừa đấu tranh.”
Trước đó, phương châm này đã được nêu trong nghị quyết Trung ương VIII
(2003), nhưng ở tầm văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, đây là lần đầu
tiên Đảng ta khẳng định phương châm này để nhấn mạnh tính chất hai mặt,
đan xen trong quan hệ đối ngoại và theo đó là sự linh hoạt trong quan hệ
đối ngoại của chúng ta để phục vụ lợi ích quốc gia-dân tộc.
Quan điểm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu cụ thể
hơn. Hai nhiệm vụ đối ngoại “giữ vững môi trường hòa bình” và “bảo vệ
vững chắc Tổ quốc” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nếu giữ vững được môi trường hòa bình, các hoạt động đối ngoại đã thực
hiện được phương châm thêm bạn bớt thù, tức là đã đóng góp trực tiếp vào
việc bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Điều này giúp khẳng định vị thế và vai trò chủ công, là tuyến đầu của công tác đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, Văn kiện lần đầu tiên nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.”
Điều đó có nghĩa là lần đầu tiên Đảng ta cụ thể hóa nội hàm của nhiệm vụ
bảo vệ Tổ quốc. |
Bảo vệ Tổ quốc có nghĩa là phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ; Đảng, Nhà nước; nhân dân; và chế độ xã hội chủ nghĩa ở
nước ta. Đây đồng thời là nội hàm chính của lợi ích quốc gia-dân tộc,
là những lợi ích cốt lõi và sống còn toàn Đảng toàn, dân ta quyết tâm
bảo vệ đến cùng.
Đồng thời văn kiện Đảng cũng nêu rõ phương châm “kiên quyết, kiên trì,”
theo đó đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ,
không được nóng vội, manh động, mà phải tận dụng mọi biện pháp hòa bình,
phù hợp với luật pháp quốc tế, tận dụng mọi kênh, mọi phương thức có
thể trong khi không loại trừ bất kỳ biện pháp, phương cách nào để quyết
bảo vệ đến cùng các lợi ích kể trên.
Các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế được nêu rõ hơn trong văn kiện Đại hội XII.
Định hướng hội nhập quốc tế được nêu trong Văn kiện Đại hội XI được Văn
kiện Đại hội XII cụ thể hóa bằng những quan điểm chỉ đạo cụ thể gồm: Thứ
nhất, phải bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ
thống chính trị. Thứ hai, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa
nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng
hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước. Thứ ba, hội nhập kinh tế là trọng
tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập
kinh tế. Và thứ tư, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ
động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị
động, đối đầu, bất lợi.
Văn kiện Đại hội XII cũng nêu rõ những định hướng lớn đối với quá trình
hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, quốc
phòng, an ninh, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác.
Theo đó, trong 5 năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào quá
trình triển khai các cam kết đã ký kết; hội nhập trong lĩnh vực chính
trị tập trung vào việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối
tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với an ninh và
phát triển của đất nước, đưa khuôn khổ đã xác lập đi vào thực chất; hội
nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia các hoạt động hợp tác ở
mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập
chung và các hoạt động khác; và hội nhập trong lĩnh vực văn hóa-xã hội
tập trung vào việc áp dụng và tham gia xây dựng các bộ tiêu chí phục vụ
xây dựng nền kinh tế trí thức, con người Việt Nam trong thời kỳ công
nghiệp hóa-hiện đại hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển công tác
đối ngoại đa phương. Định hướng về công tác đối ngoại đa phương được nêu
rõ: “Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa
phương,” và “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa
phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc.”
Định hướng này đặt ra yêu cầu mới: Công tác đối ngoại đa phương không
chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia,” nhất là vào
quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ mới, mà còn phải
phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương.
Xuất phát từ lợi ích quốc gia-dân tộc, phát huy vai trò tức là phải nâng
cao được vị thế, vai trò và tận dụng hiệu quả vị thế, vai trò tại các
cơ chế đa phương để bảo đảm các lợi ích phát triển và an ninh của đất
nước. Định hướng này cũng chỉ rõ các cơ chế đa phương được ưu tiên trong
5 năm tới là ASEAN và Liên hợp quốc.
- Theo Thứ trưởng, việc triển khai hoạt động đối ngoại cụ thể theo
những điểm mới trên sẽ tạo ra những thuận lợi và thử thách gì mới đối
với công tác đối ngoại trong giai đoạn tới?
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý: Trong bối cảnh
tình hình thế giới chuyển biến rất nhanh, với những tác động thuận,
nghịch đan xen đối với nước ta thì đường lối, chính sách đối ngoại mà
Đại hội XII đưa ra có giá trị định hướng rất quý báu và tạo thuận lợi
lớn cho công tác đối ngoại thời gian tới.
Cụ thể, công tác đối ngoại sẽ được xây dựng trên một cơ sở đồng thuận xã
hội lớn hơn, đó là lợi ích quốc gia-dân tộc. Đồng thuận lớn hơn sẽ góp
phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường nhất trí trong toàn
bộ hệ thống chính trị về các vấn đề đối ngoại, và theo đó huy động nhiều
hơn nữa nguồn lực bên trong cho công tác đối ngoại và kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại trong công tác đối ngoại.
Bài học “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại
thành công” mà Hồ Chủ tịch đã dạy sẽ càng được phát huy từ việc thống
nhất theo đuổi lợi ích quốc gia-dân tộc trong công tác đối ngoại. Quan
trọng hơn, nhấn mạnh việc theo đuổi lợi ích quốc gia-dân tộc đã góp phần
khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đối ngoại.
Đảng không có lợi ích gì khác ngoài việc theo đuổi lợi ích quốc gia dân
tộc. Lợi ích quốc gia-dân tộc đã trở thành tiêu chí tối cao để đánh giá
hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trong hoạch định và của toàn bộ hệ thống
trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng.
Sự khẳng định theo đuổi lợi ích quốc gia-dân tộc còn làm cơ sở cho chúng
ta áp dụng bài học đối ngoại rất thành công trong thời đại Hồ Chí Minh
là “dĩ bất biến, ứng vạn biến.”
Giờ đây, “cái bất biến” được khẳng định là lợi ích quốc gia-dân tộc, và
đó là cơ sở gốc để chúng ta ứng xử một cách có nguyên tắc nhưng rất linh
hoạt và “vạn biến” trong công tác đối ngoại.
Cuối cùng, việc theo đuổi lợi ích quốc gia-dân tộc còn tạo cơ sở ngày
càng vững chắc để chúng ta đấu tranh và hợp tác với các đối tác bên
ngoài.
Chúng ta chỉ theo đuổi những lợi ích quốc gia-dân tộc không vị kỷ, hẹp
hòi, quan tâm đến lợi ích của đối tác, và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đây là những cơ sở rất có sức thuyết phục để chúng ta triển khai công
tác đối ngoại, do tạo ra điểm đồng lợi ích để xây dựng quan hệ cùng có
lợi với các đối tác và tạo cơ sở đấu tranh khi lợi ích không song trùng.
Công tác đối ngoại triển khai nghị quyết Đại hội XII cũng sẽ gặp phải
một số thử thách lớn hơn trước. Ngoài thực tế là tình hình thế giới và
khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và khó lường tạo ra các
thách thức mới, yêu cầu đối với công tác đối ngoại của nước ta trong
thời gian tới sẽ tạo ra các thử thách lớn hơn mà công tác đối ngoại cần
phải xử lý.
Thứ nhất, thời gian 5 năm tới là giai đoạn then chốt của sự nghiệp đổi
mới ở nước ta để đưa nước ta bước vào hàng ngũ nước công nghiệp hóa –
hiện đại hóa với các mô hình tăng trưởng mới và bền vững hơn.
Công tác đối ngoại phải phục vụ nhiệm vụ then chốt này. Không chỉ hoàn
thành tốt nhiệm vụ tạo và giữ môi trường hòa bình ổn định, công tác đối
ngoại phải trực tiếp phục vụ phát triển đất nước thông qua việc khai
thác các nguồn lực bên ngoài và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế để
củng cố sự kết nối của nước ta về kinh tế, chính trị-an ninh, văn hóa-xã
hội với khu vực và thế giới, tức là phải trở thành cầu nối quan trọng
để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thứ hai, công tác đối ngoại đã trở thành tuyến đầu trong việc bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước và bảo vệ đất nước từ xa.
Để làm được điều này, công tác đối ngoại phải đóng góp trực tiếp vào
việc đưa các mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu
để củng cố xu thế hữu nghị và hợp tác của các đối tác đó với Việt Nam,
đồng thời chủ động và tích cực tham gia tạo dựng luật chơi trong các tổ
chức đa phương, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc để có thể tận dụng chính
các luật chơi đó bảo vệ có hiệu quả quyền lợi quốc gia-dân tộc của chúng
ta.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
khẳng định “công tác đối ngoại có vai trò đi đầu trong việc đảm bảo môi
trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Nói cách khác, Đảng, Nhà nước và nhân dân đang có những kỳ vọng mới đối
với công tác đối ngoại, và điều đó yêu cầu ngành đối ngoại phải chủ động
và tích cực hơn đương đầu với những thử thách mới để hoàn thành nhiệm
vụ của mình.
Thứ ba là công tác đối ngoại đã ngày càng trở nên đa dạng và toàn diện,
đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, tất cả các bộ,
ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân.
Điều này làm cho yêu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế thống nhất quản
lý công tác đối ngoại, công tác xây dựng và nâng cao năng lực hội nhập
ngày càng trở nên quan trọng hơn, và nhu cầu giữ gìn, phát huy bản sắc
dân tộc trong bối cảnh hội nhập cũng đã trở nên bức thiết hơn.
- Những điểm mới kể trên có tạo ra những thử thách lớn hơn đối với các nhà ngoại giao, đặc biệt là các nhà ngoại giao trẻ?
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý: Tại Hội nghị Ngoại
giao 28, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: “Trong thời
bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ
quốc và thu hút nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.”
Điều đó có nghĩa là cán bộ đối ngoại đang có vinh dự trở thành người
chiến sĩ trên mặt trận hàng đầu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Vinh dự lớn
hơn bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn.
Nhiệm vụ mới đang đặt ra yêu cầu là các cán bộ đối ngoại càng phải có
lập trường tư tưởng vững chắc, yêu nước và trung thành với Đảng và dân
tộc.
Đặc biệt, các cán bộ đối ngoại cũng phải hiểu biết rất rõ tình hình đất
nước, các yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới để định
hướng công việc của mình.
Đồng thời, các cán bộ đối ngoại phải có bản lĩnh và năng lực ngang tầm
nhiệm vụ, và nhất là phải có kiến thức và kỹ năng thực sự chuyên nghiệp
trên các mặt, nhất là chính trị quốc tế, kinh tế và luật pháp quốc tế,
ngoại ngữ và nghiên cứu để có thể hoạt động có hiệu quả trong cả môi
trường đối ngoại song phương và đa phương.
Trong thời gian tới, các nhà ngoại giao Việt Nam phải đạt trình độ
chuyên nghiệp chí ít bằng mức các đồng nghiệp ASEAN. Đây là những yêu
cầu và thử thách mới không hề nhỏ đối với cán bộ đối ngoại trong thời
gian tới.
Các cán bộ ngoại giao trẻ càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đó là vì việc
trau dồi tư tưởng lập trường chính trị, nâng cao kiến thức, tinh thần
và tác phong chuyên nghiệp là một quá trình phấn đấu lâu dài và bền bỉ
thường xuyên theo nguyên lý “lượng biến thành chất.”
Theo đó, kiến thức và kỹ năng phải được tích lũy, bản lĩnh phải được thử thách từ trong công việc hàng ngày.
Đặc biệt, các cán bộ ngoại giao trẻ còn phải đề cao nhiệt huyết, tinh
thần năng động, đổi mới, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ để nhanh chóng
trưởng thành trong công việc, đóng góp sức trẻ vào sự phát triển của
ngành đối ngoại trong tình hình mới.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
(TTXVN)