(TCTG) – Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nhận định: “chưa bao giờ có một đợt ra quân rầm rộ, đồng bộ trong một thời gian dài như vậy, nhờ đó đã tuyên truyền có hiệu quả cho 1000 năm Thăng Long Hà Nội”. Đồng chí đánh giá, công tác tuyên truyền đã hoàn tất tốt nhiệm vụ được giao, với tinh thần, trách nhiệm và hơn thế, chủ yếu và trước hết là bằng tình yêu với Hà Nội.
Chiều 22/11, Tiểu ban Tuyên truyền Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đồng chí Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và đồng chí Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch TP Hà Nội cùng chủ trì hội nghị.
Đánh giá về những kết quả của việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng chí Phùng Hữu Phú nhận định: “chưa bao giờ có một đợt ra quân rầm rộ, đồng bộ trong một thời gian dài như vậy, nhờ đó đã tuyên truyền có hiệu quả cho 1000 năm Thăng Long Hà Nội”. Đồng chí đánh giá, công tác tuyên truyền đã hoàn tất tốt nhiệm vụ được giao, với tinh thần, trách nhiệm và hơn thế, chủ yếu và trước hết là bằng tình yêu với Hà Nội.
Theo đó, những kết quả đạt được, có thể khái quát trên 6 mặt: Một là, việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá triển khai sớm, trong thời gian dài, có lộ trình, bước đi hợp lý; Hai là, triển khai tuyên truyền cả bề rộng lẫn chiều sâu, có điểm nhấn tạo ấn tượng, tiến hành từ trung ương đến địa phương, trong nước, ngoài nước; Ba là, hùng hậu về lực lượng, phong phú về loại hình (báo chí, xuất bản, VHNT, diễu binh, diễu hành, hội thảo, triển lãm...); Bốn là, nội dung sinh động, thiết thực, đúng định hướng, công tác tuyên truyền, giáo dục không có sơ suất; Năm là, có sức cổ vũ, giáo dục, lan tỏa, có sản phẩm để lại cho mai sau, tạo nên tâm trạng phấn chấn, hồ hởi; Sáu là hoạt động tuyên truyền trên tinh thần tiết kiệm, huy động kinh phí xã hội hóa...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đó là, Tiểu ban tuyên truyền thành lập tương đối chậm so với Ban Chỉ đạo quốc gia, dẫn đến lúc đầu công tác tuyên truyền, giáo dục quảng bá còn tản mạn, lúng túng; công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá chưa đều về chất lượng, ít các chương trình biểu diễn các tác phẩm VHNT có giá trị, tầm vóc lớn xứng tầm với Thủ đô 1000 năm tuổi; công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá chưa thật gắn bó với công tác tổ chức, vận động, thuyết phục dẫn đến hạn chế trong chuyển biến nhận thức, hành động của người dân nhất là trong vấn đề quản lý đô thị, bảo vệ môi trường, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; vấn đề định hướng dư luận, dự báo tình hình, đấu tranh tư tưởng chưa thật nhạy bén, đồng đều và kịp thời.
Đồng chí Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, công tác tuyên truyền đã làm tốt trước và trong Đại lễ, sau Đại lễ cần phải tiếp tục phát huy, tuyên truyền thuyết phục hơn, vì tương lai của Hà Nội. Đồng chí cho rằng, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, Hà Nội hôm nay và ngày mai còn nhiều khó khăn rất cần sự động viên, chia sẻ, cảm thông...để xây dựng thành một thủ đô giàu, đẹp của cả nước.
Hội nghị cũng đã đánh giá cao sự triển khai hoạt động hiệu quả của các đơn vị: Thành phố Hà Nội là đơn vị thường trực giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai toàn diện các hoạt động kỷ niệm; Bộ Ngoại giao thực hiện tốt việc gắn các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với hoạt động đối ngoại của nước ta trên các diễn đàn quốc tế; Bộ Quốc phòng tổ chức tốt các hoạt động trong toàn quân; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, đại phương xây dựng kịch bản chi tiết Chương trình 1000 năm Thăng Long, chương trình Đại lễ kỷ niệm; Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói |Việt Nam, Báo Nhân dân, TTXVN, Báo QĐND, Ban Thi đua khen thưởng TƯ, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN và các Hội chuyên ngành, Văn phòng chính phủ, Mặt trận tổ quốc VN...
Hiện Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận được văn bản Tổng kết và đề nghị khen thưởng của một số ban, bộ, ngành, đơn vị. Các đơn vị còn lại tiếp tục gửi văn bản đề nghị khen thưởng để Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp gửi UBND TP Hà Nội, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng quyết định mức độ khen thưởng khác nhau.
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan thường trực của Tiểu ban Tuyên truyền đã biên soạn và phát hành 50 văn bản chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ được phân công, 50.000 cuốn Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trong hệ thống tuyên giáo và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, kiểm tra các hoạt động tuyên truyền tại một số bộ, ngành, địa phương; chủ trì thẩm định nội dung chính trị tư tưởng của hàng chục kịch bản chương trình VHNT trong 10 ngày Đại lễ; phối hợp và đôn đốc tổ chức triển khai cùng các bộ, ngành, địa phương nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả...
Các báo, tạp chí của Ban Tuyên giáo trong đó có Tạp chí Tuyên giáo đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
|
PV