Chủ Nhật, 22/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 6/5/2012 11:18'(GMT+7)

Cử nhân "cắm xã"

 

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Tốt nghiệp ÐH Lâm nghiệp, Hướng Văn Hoàng được tuyển dụng, bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương (Ba Bể) với phiếu tín nhiệm tuyệt đối. Ở xã đặc biệt khó khăn này, đồng bào chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần một nửa. Trụ sở xã là căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, rất chật hẹp. Ðịa bàn rộng, đường đến 16 thôn, bản rất xa xôi, hiểm trở. Hôm nắng đi được xe máy đã mệt, trời mưa chỉ còn cách cuốc bộ. Khó khăn chồng chất, nhưng không làm Hoàng chùn bước. Mới hơn một tháng, bàn chân anh đã in dấu khắp các nẻo đường của xã. Tranh thủ tiếp xúc, làm quen với bà con, trưởng thôn, bản, lại chịu khó học hỏi nên Hoàng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, giao tiếp bằng tiếng Tày, tiếng Mông, Dao càng thành thạo. Sinh ra ở xã nghèo Dương Phong (Bạch Thông), từng kham khổ, lăn lộn "ba cùng" với dân khi đi trồng rừng ở Pác Nặm, hai năm tham gia đội trí thức trẻ xóa đói, giảm nghèo ở Chu Hương nên Hoàng rất đồng cảm với muôn vàn khốn khó của người dân nơi đây. Anh tâm sự, mới 27 tuổi được giao làm Phó Chủ tịch xã là vinh dự lớn, mình phải dốc lòng cống hiến lâu dài.

Tạm biệt quê Hải Dương, hành trang nhậm chức Phó Chủ tịch UBND xã Ðịa Linh (Ba Bể) của Nguyễn Ðức Hùng đơn sơ là ba-lô, nhiệt huyết và kiến thức của một cử nhân ÐH Thương mại. Ngày đầu "lạ nước lạ cái", mọi thứ đều mới mẻ. Mỗi sáng tỉnh dậy, bốn bề là... núi, phong tục, tập quán của đồng bào hoàn toàn xa lạ, chưa kể rào cản ngôn ngữ. Nhưng với sự chân thành, cầu thị, Hùng dần được cán bộ xã và bà con tin yêu.

Thuận lợi hơn Hùng, Lý Hoàng Nam làm cán bộ xã ngay tại xã nhà Chu Hương khi mới 23 tuổi nên rất am hiểu, thông thạo địa hình. Say mê tìm hiểu thực tiễn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành của cán bộ đi trước, mặc dù được phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội, "lệch pha" chuyên ngành đào tạo, nhưng Nam tỏ ra rất tự tin. Ðể lấp đầy "khoảng trống", anh thường xuyên bám sát cơ sở tìm hiểu công việc. Nắng tháng tư oi bức, chúng tôi theo Nam men sườn núi gập ghềnh đến Khuổi Cóng. Làm việc với trưởng thôn Bùi Văn Thiều, thăm hỏi một số hộ gia đình, Nam nhận ra rằng, 36 hộ vẫn còn nghèo và cận nghèo. Chuyện là, sau khi "vỡ" hợp tác xã, các hộ đều từ Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới không có ruộng canh tác, mặc dù đã sinh sống ở đây hơn 40 năm, nói thạo tiếng Tày, hoàn toàn hòa nhập với phong tục, tập quán của dân bản địa. Một số chính sách đang áp dụng ở miền núi như chế độ bảo hiểm y tế, học hành, ưu tiên trong thi cử, tuyển dụng thì con em Khuổi Cóng chưa được hưởng. Nam cho biết, sẽ khẩn trương tìm hiểu để phản ánh, kiến nghị các cấp có thẩm quyền.

Mặc dù tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, thời gian tiếp cận địa bàn ngắn, nhưng với kiến thức được đào tạo cơ bản, những trí thức trẻ "cắm xã" đã bước đầu phát huy thế mạnh, thể hiện cách nhìn thấu đáo, mạnh dạn khi tham gia viết đề án phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương. Theo Hoàng, địa bàn Mỹ Phương rộng lớn, đất đai màu mỡ, bà con cần cù nhưng chưa áp dụng nhiều kỹ thuật nên năng suất chăn nuôi, trồng trọt còn thấp. Do đó, dong riềng sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo, tiến đến làm giàu cho bà con. Nói là làm, một tháng sau ngày nhậm chức, anh tham mưu Ðảng ủy, UBND xã tổ chức đoàn nông dân đi thăm mô hình trồng và chế biến dong riềng ở Côn Minh (Na Rì), tập huấn gần bốn trăm người về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Anh Hứa Hùng Bích ở thôn Cốc Muồi tâm đắc: "Năm ngoái, nhà tôi trồng 1.200 m2 dong riềng, thu hoạch mười tấn củ. Năm nay, tôi đi dự lớp tập huấn nên nắm bắt đầy đủ quy trình kỹ thuật, trồng diện tích lớn, chắc chắn cho sản lượng cao hơn". Nhìn ruộng dong riềng lên non mơn mởn, Hoàng rất vui. "Ðầu xuôi đuôi lọt", diện tích dong riềng năm nay tăng gấp đôi năm ngoái, bà con thâm canh thuận lợi hơn nhiều.

Khó khăn phía trước

Làm lãnh đạo các xã thuộc hai huyện nghèo Ba Bể và Pác Nặm còn bộn bề khó khăn, mọi việc đều đến tay. Bí thư Ðảng ủy xã Chu Hương Nguyễn Văn Ðặng chia sẻ: "Thường trực UBND xã chỉ có một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch phụ trách tất cả các lĩnh vực, chú trọng chỉ đạo mảng này lại "thủng" mảng khác nên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều hôm, hai người đều bận họp, nhiều công việc liên quan đến dân, có khi chỉ xin chữ ký phải chờ hai ngày. Xã được bổ sung thêm Phó Chủ tịch là rất cần thiết". "Giao đồng chí Nam phụ trách bảy lĩnh vực cụ thể mới nắm rõ công việc, có điều kiện tìm hiểu, chỉ đạo sâu, gắn trách nhiệm; cuối năm mới đánh giá chính xác hiệu quả công việc", Bí thư Ðặng hồ hởi.

Ðặt niềm tin ở tân Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương Sằm Văn Kinh thẳng thắn: "Thời gian quá ngắn nên chưa thể đánh giá toàn diện. Những hôm không đi cơ sở, đồng chí Hoàng đi làm đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, bố trí công việc khoa học, là tấm gương để cán bộ xã học tập. Ðược đào tạo bài bản, chúng tôi rất yên tâm giao Hoàng phụ trách một lĩnh vực rất quan trọng là nông- lâm nghiệp".

Một tháng rưỡi cắm bản, các Phó Chủ tịch mới được nhận lương và phụ cấp nên cuộc sống khá eo hẹp. Hoàng và Hùng phải xin tiền gia đình, về nhà đèo gạo lên nấu ăn, vay tiền mua sắm vật dụng thiết yếu sống cảnh "cơm niêu nước lọ". Hùng bộc bạch, tổng thu nhập gần bốn triệu đồng, trừ tiền thuê nhà phải tằn tiện mới đủ trang trải. Còn Hoàng thật thà: "Em mới vay tiền mua chiếc xe máy này để đi lại, phục vụ công tác. Trông chờ khoản tiền chế độ thu hút để trả nợ nhưng đến nay chưa nhận được, nợ người ta lâu thành ra ngại quá".

Thời gian còn quá ngắn để có thể ghi nhận được những kết quả từ hoạt động của các trí thức trẻ. Tuy nhiên, để dự án này đem lại kết quả như mong muốn, rất cần có thêm sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời, để các trí thức trẻ yên tâm phát huy được hết năng lực, kiến thức giúp những vùng đất nghèo thay đổi. "Khó khăn là vậy, nhưng nhất định bọn em sẽ vượt qua", đó là điều mà những tân Phó Chủ tịch xã chúng tôi có dịp trò chuyện ở tỉnh miền núi khó khăn này đã khẳng định./.

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất