Việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) áp dụng giá cước gọi nội mạng (từ 1-11-2008) đồng loạt là 1.000 đồng/phút đã đem lại lợi ích không nhỏ cho gần 50 triệu khách hàng. Tuy nhiên, việc làm này của VNPT cũng được coi là "cú sốc" cho các nhà cung cấp dịch vụ mới ra đời...
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, việc VNPT áp dụng cước liên tỉnh toàn quốc giữa thuê bao cố định VNPT (gồm cả các thuê bao Cityphone, CDMA nội tỉnh, Gphone) đến thuê bao cố định VNPT; liên lạc giữa thuê bao cố định VNPT đến thuê bao di động Vinaphone (không phân biệt trả trước hay trả sau); cuộc gọi giữa các thuê bao di động trả sau Vinaphone đến các thuê bao cố định VNPT; liên lạc di động nội mạng của Vinaphone, Mobifone với mức 1.000 đồng/phút đã tác động mạnh đến thị trường viễn thông Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhỏ, mới ra đời sẽ phản ứng như thế nào trước sự kiện này? Và liệu họ có tiếp tục giảm giá?
Tuy nhiên, đã gần 2 tháng VNPT áp dụng giá cước đó, trên thị trường vẫn chưa thấy nhà cung cấp nào công bố điều chỉnh giá cước theo hướng có lợi cho khách hàng. Duy chỉ có S-Fone, nhưng đó lại là tăng giá khi thực hiện tăng cước gói Forever Couple, nhằm tránh tình trạng nếu duy trì sẽ bị lỗ. Do vậy, nhà cung cấp này khó có thể chạy đua để giảm giá dịch vụ.
Đại diện EVN Telecom cũng không cho biết về kế hoạch chạy đua với VNPT và chỉ thừa nhận việc giảm cước của VNPT có tác động lớn đến các mạng viễn thông mới hoạt động. Chỉ còn Viettel - một nhà cung cấp tuy còn "non trẻ", nhưng lại được đánh giá là có khả năng chạy đua với VNPT. Song cho đến thời điểm này vẫn chưa thấy Viettel công bố kế hoạch điều chỉnh giá cước mới để cạnh tranh với VNPT.
Có ý kiến cho rằng, có thể Viettel sẽ giảm cước di động mà không giảm cước cố định. Vì vốn đầu tư cho mạng điện thoại cố định lớn nhưng thu hồi chậm; trong khi đó VNPT lại có bề dày phát triển loại hình dịch vụ điện thoại cố định...
Có thể nói, việc thống nhất mức cước nội mạng chỉ còn 1.000 đồng/phút với các dịch vụ cố định và di động của VNPT đã giúp cho người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng lại khiến cho các doanh nghiệp ra đời sau buộc phải "lách mình qua khe cửa hẹp". Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cố định chỉ còn cách hướng đến một số dịch vụ thế mạnh và chỉ tập trung phát triển dịch vụ ở một số địa bàn.
Bên cạnh đó, thị trường di động hiện có tới 7 doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ (G-Tel và HT Mobile GSM chưa hoạt động). Theo các chuyên gia, sự có mặt của 7 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động trên thị trường có hơn 80 triệu dân là quá nhiều. Vì thế, cùng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường di động như thường thấy, việc doanh nghiệp có thể phá sản hoặc buộc phải sáp nhập sẽ là tất yếu!
Các chuyên gia cũng nhận định, trong cuộc đua phân cấp thứ hạng giữa 7 nhà cung cấp dịch vụ di động, mạng nào đứng từ thứ 4 trở xuống có nghĩa là kinh doanh đạt lợi nhuận thấp hoặc không có lãi. Trong trường hợp đó, cách tốt nhất là sáp nhập... Vì vậy, trong thời gian tới, nhiều khả năng thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những cuộc sáp nhập giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
(Theo Tin tuc Online)