Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 31/5/2018 16:55'(GMT+7)

Lúng túng với việc xử lý tài sản bất minh

 

Tin liên quan

Sáng 31-5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN sửa đổi. Chiều cùng ngày Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật này.
 

Đáng chú ý, về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo Luật), dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có (tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc), theo 2 phương án.

Lúng túng với việc xử lý tài sản bất minh ảnh 1
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội phải thảo luận kỹ về vấn đề xử lý tài sản bất minh. Ảnh: quochoi.vn

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật PCTN. Chính phủ lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.
 

Đối với cả 2 phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
 

Về vấn đề này, UBTP cho rằng đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
 

“Vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân”, UBTP nêu.
 

Về phương án xử lý cụ thể, UBTP hiện cũng có 2 loại ý kiến. Trong đó, về mức thuế, nhiều ý kiến của UBTP tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Về mức phạt ở phương án 2, UBTP đề nghị cân nhắc cho phù hợp.
 

Do đây là vấn đề mới và phức tạp, quá trình thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTP xin ý kiến Quốc hội.
 

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này, còn nhiều vấn đề  mà chính các ĐBQH vẫn còn băn khoăn hoặc chưa có sự thống nhất  cao, đặc biệt là vấn đề xử lý tài sản bất minh. 
 

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, xử lý tài sản bất minh là điểm mới, là vấn đề lớn của luật này. Nhưng quy định chưa rõ. “Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Hợp lý ở đây là như thế nào, rất đáng băn khoăn”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu.
 

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần đánh thêm tác động thực tiễn, tính khả thi của vấn đều này nói riêng, của Luật PCTN sửa đổi nói chung.
 

Còn theo ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cả 2 phương án xử lý tài sản bất minh mà dự thảo luật để cập đều không ổn. Vì thực tế, ngoài thu nhập họ có thêm những tài sản khác như được thừa kế, cho tặng, tiết kiệm, thậm chí do tiêu cực mà có nhưng không phải tham nhũng (buôn lậu chẳng hạn). Vì thế, xử lý được là rất khó, bởi trách nhiệm chứng minh tài sản đó là của Nhà nước.
 

“Nếu phương án 1 thì coi đó là tài sản tăng thêm nhưng vì không kê khai, giải trình được nên có thể đánh thuế. Nhưng tôi cũng không lý giải tại sao lại là mức thuế 45%. Còn phương án phạt hành chính cũng không hợp lý, vì nếu cho phạt thì sau khi phạt sẽ lại cho hợp thức hóa số tài sản này. Cả 2 phương án đều chưa hợp lý, cần suy nghĩ thêm. Còn đương nhiên tài sản nếu chứng minh đó là tài sản do tham nhũng mà có thì phải tịch thu”, ĐB Dương Ngọc Hải đề xuất.
 

ĐB Nguyễn Đức Sáu (TPHCM) cũng nhấn mạnh, nếu cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm về việc không kê khai, kê khai tài sản không trung thực thì ngoài việc bị thu thuế 45% phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, họ tuyệt đối không được hợp thức hóa số tài sản 55% còn lại.
 

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng băn khoăn, ngay Chính phủ và Ủy ban Tư pháp cũng chưa thống nhất được phương án nào về xử lý tài sản bất minh.
 

“Các phương án thuế thu nhập 45%, xử phạt hành chính, thậm chí có ý kiến đề nghị tịch thu… cho thấy còn có sự lúng túng, chưa thống nhất. Cần cân nhắc kỹ vấn đề này. Tài sản tham nhũng thì nghĩa vụ chứng minh không phải ở luật này, mà ở Luật tố tụng, luật hình sự, và nghĩa vụ chứng minh phải là của Nhà nước. Đây là quy định mới của luật này, phải thảo luận kỹ trước khi thông qua”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
 

Theo ĐB Lê Thanh Vân, với Luật PCTN sửa đổi, Quốc hội cần tập trung thảo luận làm rõ 2 điểm trước khi thông qua: kiểm soát quyền lực và xử lý tài sản bất minh.

PHAN THẢO/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất