Sáng 28/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp
năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước.
Phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước
Cử tri Phan Thông Minh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại Cà Mau cho
rằng việc Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc
tế. Bởi lẽ quá trình phát triển đã có nhiều thay đổi nên Hiến pháp cũng
cần sửa đổi mới theo kịp với tình hình.
Đây được xem là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ nhất, chắt lọc được
những tinh hoa tinh tuý nhất để có một bản Hiến pháp phục vụ cho nhu cầu
xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại
hoá.
Theo cử tri Phan Thông Minh, Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã
phát huy tinh thần cầu thị, dân chủ, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác
đáng, có trách nhiệm, mang tính xây dựng để cuối cùng có một bản Hiến
pháp chất lượng, mang tính nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội
đã làm việc với với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí
tuệ, thẳng thắn thảo luận với nhiều ý kiến hay, mới.
Ông Trần Văn Hợp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Phước (Hà
Nội) nêu ý kiến việc Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992 là sự kiện quan trọng được đông đảo người dân quan tâm theo dõi.
Bản Hiến pháp (sửa đổi) khá đầy đủ, toàn diện, đúng như nhận xét của Phó
Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là đã “phản ánh được ý chí, nguyện vọng
của đại đa số nhân dân.” Nội dung bản Hiến pháp (sửa đổi) này không chỉ
thể hiện tinh thần đổi mới mà còn được tiếp thu, chắt lọc được tinh hoa
trí tuệ của toàn dân, thể hiện được đầy đủ ý Đảng, lòng dân. Chúng tôi
mong muốn trong thời gian tới những điểm mới nhiều tiến bộ trong Hiến
pháp (sửa đổi) sẽ sớm được thực thi, đi vào cuộc sống, đem lại nhiều lợi
ích thiết thực cho người dân…
Cử tri Khương Ngọc Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật
tỉnh Đắk Lắk cũng thống nhất cao với việc Quốc hội thông qua Dự thảo sửa
đổi Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992
(sửa đổi năm 2013).
Ông Hải cho rằng đây là sự kiện có tính chất lịch sử nhất trong thời kỳ
đổi mới, thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp (sửa đổi) lần này là
kết quả của quá trình làm việc tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, của
các chuyên gia, các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân trong, ngoài
nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Bản Hiến pháp (sửa đổi) bố cục khá chặt chẽ, khoa học từ Lời nói đầu,
Chế độ chính trị, Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công
dân, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Công nghệ đến Môi
trường, Chính quyền địa phương… Đó là nhận xét của cử tri Khương Ngọc
Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Còn ông Mai Mộng Tưởng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho
rằng, việc Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất
quan trọng vì liên quan đến cả vận mệnh và truyền thống của dân tộc.
Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai
cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của
dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư
tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước
và xã hội.
Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân,
chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những
quyết định của mình.
Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật. Nhìn lại tổng quát lịch sử thì vai trò của Đảng Cộng sản
Việt Nam thể hiện rất rõ, đó là tổ chức duy nhất đã lãnh đạo và tổ chức
mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử không
thể chối cãi, mà ngược lại là phải tôn trọng và tiếp tục đề cao vai trò
lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Trần Văn Hợp, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Phước (Hà
Nội) cho biết ông rất vui mừng khi thấy đại đa số các đại biểu Quốc hội
đều đồng ý giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là cái tên mà người dân Việt Nam đã quen thuộc rất lâu nay và được
cộng đồng quốc tế công nhận.
Theo ông Hợp, trong bản Hiến pháp (sửa đổi), tại Điều 70 quy định nhiệm
vụ và quyền hạn của Quốc hội, trong đó quy định Quốc hội có quyền “Bỏ
phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê
chuẩn.”
Đây là nội dung được cử tri hết sức quan tâm, theo dõi. Trong thời gian
tới, ông mong việc lấy phiếu tín nhiệm này sẽ được rút kinh
nghiệm và triển khai thường xuyên, để những người dân có cơ hội được
thể hiện ý kiến của mình, giúp các đại biểu Quốc hội có điều kiện tham
khảo, chắt lọc ý kiến, nhằm đưa đánh giá tín nhiệm chính xác
.
Ông Ấu Duy Quang, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang rất tâm đắc và vui
mừng khi Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều đến vấn đề con người và dân
tộc. Hà Giang là một tỉnh miền núi với 22 dân tộc anh em cùng chung
sống, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc các dân tộc
được bình đẳng, được tự do dùng ngôn ngữ và chữ viết, được Chính phủ
ngày càng quan tâm là một niềm vui lớn với bà con các dân tộc thiểu số
nơi địa đầu Tổ Quốc.
Ông Quang cũng đánh giá cao việc sửa đổi các điều luật trong lĩnh vực Tư
pháp và Tòa án. Người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang chiếm đại đa số là
người dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế, nên việc quyền và
nghĩa vụ của con người được quy định rõ ràng hơn không chỉ tạo thuận lợi
cho công tác tố tụng, thi hành án mà còn đảm bảo tính công bằng tuyệt
đối cho nhân dân.
Về vấn đề thu hồi đất đai, trong luật đã được quy định cụ thể, tuy nhiên
cần bổ xung những quy định chặt chẽ hơn nữa trong công tác thi hành,
kiểm tra giám sát, tránh tình trạng thu hồi tràn lan mất công bằng và
lãng phí.
Việc khẳng định vai trò kinh tế chủ đạo của Nhà nước sẽ giúp nền kinh
phát triển đúng hướng, cổ vũ doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia
làm kinh tế, xây dựng đất nước. Đó chính là điều quan trọng để nền kinh
tế quốc gia phát triển bền vững, ông Ấu Duy Quang nói.
Hiến pháp (sửa đổi) cần sớm đi vào cuộc sống
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hưng - Phó Chủ
tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, những tiến bộ trong
bản Hiến pháp (sửa đổi) rất đáng ghi nhận và kỳ vọng sẽ tạo ra những
điều tốt đẹp trong xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất là những điều,
những điểm mới nhiều tiến bộ trong Hiến pháp (sửa đổi) phải đi vào trong
cuộc sống, để người dân được hưởng lợi.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng muốn Hiến pháp (sửa đổi) đi vào thực
tiễn đời sống, phải sớm rà soát lại các Bộ luật đã ban hành. Chắc chắn,
nhiều quy định trong các Bộ luật trước đây sẽ không còn phù hợp, có thể
ngược lại với Hiến pháp. Do vậy, cơ quan xây dựng luật cần xem cái nào
không phù hợp hoặc đi ngược lại với Hiến pháp (sửa đổi) thì phải điều
chỉnh cho phù hợp.
Về lĩnh vực kinh tế, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, Hiến pháp (sửa
đổi) về cơ bản vẫn giữ những ý chính như nền kinh tế thị trường theo
định hướng chủ nghĩa xã hội, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ
đạo. Do đó, khi triển khai Hiến pháp (sửa đổi) phải có những quy định cụ
thể trong luật để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho
các doanh nghiệp, có như vậy mới thúc đẩy, động viên các doanh nhân làm
kinh tế, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Cử tri Phan Thông Minh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân tại Cà Mau cho
biết để cho bản Hiến pháp (sửa đổi) lan tỏa, đi vào cuộc sống, Thường vụ
Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cần sớm có những chủ trương bằng các
văn bản cụ thể hóa từng lĩnh vực để mọi người thực hiện. Bên cạnh đó,
tăng cường thời lượng trên các phương tiện truyền thông nhằm giới thiệu
những điểm mới của Hiến pháp (sửa đổi) để cho toàn dân nắm vững, sống và
làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Bản Hiến pháp của nhân dân
Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) nhìn nhận, với việc thông qua Dự thảo
Hiến pháp (sửa đổi), Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng
trong lịch sử lập hiến. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng,
đây là sứ mệnh hết sức quan trọng đối với Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét các đại biểu đều phấn khởi với
tinh thần tập trung cao độ khi thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) và thực
tế số biểu quyết tán thành đã đạt kết quả cao nhất trong tất cả các dự
luật được thông qua từ đầu kỳ họp đến nay.
Đây là biểu hiện rõ ràng của sự đồng tình thống nhất rất cao với việc
sửa đổi Hiến pháp 1992 với các nội dung đã được cử tri và nhân dân cả
nước đóng góp. Thành công này có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính
trị cũng như toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, giới báo chí
truyền thông với những đóng góp hết sức quan trọng.
Các đại biểu tin tưởng sau khi thông qua Hiến pháp (sửa đổi) cũng như dự
Luật Đất đai (sửa đổi), tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất
nước sẽ có nhiều thay đổi tốt hơn, nhân dân được hưởng nhiều quyền lợi,
ấm no hạnh phúc và phấn khởi hơn, thành công hơn.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: Hiến pháp là một đạo Luật
gốc, căn cứ vào đó, các đạo luật khác, các bộ luật khác sẽ được xây
dựng phù hợp. Bản Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ góp phần rất
tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian
tới và đặc biệt sẽ tạo hành lang pháp lý để tránh tuyệt đối những điểm
bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật từ trước đến nay mà vẫn còn
nhiều băn khoăn, thắc mắc trong quá trình xây dựng và thực thi.
Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) cho biết, các ý kiến của nhân dân cũng
như của cử tri, của đại biểu Quốc hội cơ bản đã được tiếp thu tối đa vào
bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này, tuy cũng còn ý kiến khác nhau song đó
chỉ là thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định, Dự thảo Hiến pháp (sửa
đổi) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của nhân dân
trong cả nước, được chỉnh sửa hoàn thiện đến mức tối đa, là bản Hiến
pháp mới rất tốt và sẽ giúp ích cho việc phát triển đất nước trong thời
gian tới.
Quan tâm đến những quy định về quyền con người, Bùi Văn Cường (Gia Lai)
nhận định, các quyền con người, quyền cơ bản của công dân như quyền về
chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã được thể hiện hết sức đầy đủ.
Hiến pháp (sửa đổi) đã cụ thể hóa tất cả các quyền của công dân theo các
điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia và trên cơ sở đó quy định cụ thể
hơn, rõ ràng hơn các quyền của con người, có những quy định cụ thể để
tránh chuyện lạm quyền của các cơ quan thi hành pháp luật. Đây là điều
đại biểu cho rằng hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay của đất
nước.
Đề cập tới các nội dung sửa đổi, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
cho biết, rất tâm đắc với các nội dung liên quan đến đất đai cũng như
những điều liên quan đến quy định về Chính phủ, về tổ chức chính quyền
địa phương. Đại biểu cho rằng, thực ra mô hình tổ chức chính quyền địa
phương gần như giữ nguyên như trước đây và việc sửa đổi, bổ sung cũng là
nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu
quả hơn.
Trải qua một quá trình rất dài với rất nhiều tranh luận, nhiều ý kiến
của đại biểu tham gia đóng góp về quy định tổ chức bộ máy chính quyền
địa phương nhưng cuối cùng, nhận thấy việc giữ được hệ thống chính quyền
địa phương như hiện nay cho ổn định và phát triển, theo đại biểu, đó là
quyết định đúng đắn. Điều quan trọng là làm thế nào để nâng hiệu lực,
hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, đó là vấn đề đặt
ra và cũng là một giải pháp mà luật phải giải quyết được trong thời gian
tới - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Theo đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai), quy định về chính quyền địa
phương trong Hiến pháp (sửa đổi) chỉ nêu những vấn đề cơ bản, vấn đề
chính, sau này phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện đầy đủ hơn,
phải sửa đổi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, phân
định rõ mô hình chính quyền địa phương và phải cụ thể hóa bằng luật.
Là đạo luật quan trọng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với
26 triệu lượt ý kiến đóng góp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho
rằng đây là bản Hiến pháp của nhân dân, đã nằm trong lòng nhân dân. Để
Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục đi vào cuộc sống và phát huy tính tích cực,
các cơ quan lập pháp cũng như hành pháp sẽ căn cứ trên các quy định của
Hiến pháp để xây dựng những hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của
xã hội sao cho phù hợp, đúng theo các quy trình ban hành văn bản quy
phạm pháp luật, xuất phát từ nguyện vọng của thực tế cũng như của quần
chúng nhân dân./.
(TTXVN)