Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 28/11/2013 15:41'(GMT+7)

Kính thưa !

Không ít cuộc họp "ngót" và vắng dần đại biểu như thế này. Ảnh minh họa

Không ít cuộc họp "ngót" và vắng dần đại biểu như thế này. Ảnh minh họa

Thời buổi hiện nay với những người thực sự coi thời gian là vàng bạc thì đúng là rất sợ họp. “Nghề đi họp”. Nghe ba từ này thật xa lạ với những cán bộ, công chức không giữ vị trí lãnh đạo. Nhưng nó lại thực sự là câu nói vui mà rất thật của một số vị lãnh đạo. Có vị lãnh đạo than thở: có tuần họp kín các ngày hành chính, thậm chí cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Thậm chí, có ngày “chạy sô” 2 đến 3 cuộc họp. Họp triền miên cả tuần, cả tháng, cả năm như vậy nên còn rất ít thời gian trống vắng để nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất, tham mưu những vấn đề, lĩnh vực có chất lượng, hiệu quả…Nhưng đáng sợ hơn là phải dự những cuộc họp với nội dung nghèo nàn, với hàng chục phút “kính thưa” rườm rà”, rồi chủ yếu đọc các văn bản đã gửi cho các đại biểu. Những cuộc họp đó mà nếu chỉ cần hình thức góp ý qua văn bản, qua mạng internet, email là đủ, không cần thiết tổ chức họp, mất nhiều thời gian, tốn phí tiền bạc của nhà nước

Câu chuyện “kính thưa” còn không ít chuyện bi hài, thậm chí nó còn ảnh hưởng cả văn hóa đạo đức công sở. Có vị lãnh đạo tâm sự: “đôi khi đến phát ngượng khi dự một cuộc họp ở cấp huyện. Mình “bị” giới thiệu chẳng thiếu chức danh nào, từ nhỏ nhất, đến cao nhất, thậm chí là giới thiệu là “nguyên” lãnh đạo một số chức mà mình đã công tác ở huyện trước đây. Nhưng ngượng hơn là bị giới thiệu với chức danh sai đã đành, nhưng có chức danh lại cao hoặc thấp so với thực tế”. Cũng có vị lãnh đạo khi tiếp cận ở một khía cạnh khác, có ý thông cảm, cho đó là “cái khó”, “cái tế nhị”, “tinh tế” của người có trách nhiệm khi phải “kính thưa”: “khổ nỗi là cũng còn không ít cán bộ ta thích “oách”, thích giới thiệu chức danh. Có cán bộ dự họp, do người phát biểu quên không kính thưa mình là khó chịu, bực mình. Chẳng thế mà có chuyện rất thật là có cán bộ do không được “kính thưa’ đã bỏ họp ra về!...

Thực ra, chuyện nghi lễ,  “kính thưa” đã có các văn bản quy định từ lâu, nhưng chỉ có điều là thực hiện không nghiêm. Ví thế mà mới đây nhất, ngày 29/10/2013, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định số 145/2013/NĐ-CP, Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Trong đó, trong Chương VII, Điều 27 quy định rõ về trình tự tiến hành lễ kỷ niệm: tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng. Trình bày diễn văn hoặc báo cáo: chỉ kính thưa họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở Trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

 Hy vọng rằng, Nghị định trên sẽ đi vào cuộc sống, sẽ được các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Và điều mà nhiều người đang kỳ vọng là các nghi lễ tại các cuộc mít tinh, các cuộc họp sắp tới sẽ bớt rườm rà, bớt “kính thưa” hơn và sẽ có chuyển biến tích cực, thực sự ngay trong các hội nghị tổng kết dịp cuối năm nay. Chỉ có vậy các cuộc họp mới đi vào thực chất, hiệu quả hơn./.

 Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất