Chủ Nhật, 13/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 3/7/2011 21:47'(GMT+7)

Cuba nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam

Xe cộ đi lại trên đường phố Havana. Mới đây chính quyền Cuba đã bỏ lệnh cấm mua bán nhà và xe hơi - Ảnh: Reuters

Xe cộ đi lại trên đường phố Havana. Mới đây chính quyền Cuba đã bỏ lệnh cấm mua bán nhà và xe hơi - Ảnh: Reuters

 

Theo giáo sư Omar Everleny Perez - giám đốcTrung tâm nghiên cứu kinh tế Cuba, kinh tế Cuba đang gặp nhiều khó khăn: tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút xuống còn 1,7% năm 2010, nông nghiệp trì trệ, trong khi giá đường thế giới lên mức cao nhất thì sản lượng đường, ngành xuất khẩu quan trọng của Cuba, lại tụt xuống mức thấp nhất, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán quốc tế...

Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba quyết định cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động dưới dạng các hộ gia đình kinh doanh trên một số lĩnh vực cụ thể như nhà hàng, dịch vụ nhằm thu hút số 500.000 lao động sẽ phải ra khỏi biên chế nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài và mở ra các “khu phát triển đặc biệt”.

Tuy nhiên nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cuba đang áp dụng nhiều tỉ giá và nhiều đồng tiền. Tình trạng này làm cho hạch toán rối loạn, tính GDP không chính xác và có nhiều lỗ hổng để một số người trục lợi. Hiện Cuba vẫn duy trì chế độ tem phiếu và định giá lương thực, các nhu yếu phẩm và mới áp dụng giá thị trường ở mức độ hạn chế cho rau, quả.

Các chuyên gia Cuba đã dành nhiều thời gian để trao đổi về kinh nghiệm của Việt Nam khi bắt đầu cải cách kinh tế vĩ mô, chế độ hai tỉ giá, xóa bỏ tem phiếu, áp dụng cơ chế giá thị trường trong giai đoạn đổi mới những năm 1989-1990. Chúng tôi báo cáo về những cải cách dồn dập trong khoảng thời gian ngắn đã cơ bản thiết lập cơ chế thị trường về giá, tỉ giá, cải cách tài chính - ngân hàng để có thể hỗ trợ tín dụng cho khu vực tư nhân bắt đầu phát triển.

Những tiến bộ nổi bật của Việt Nam trong nông nghiệp cũng được phía Cuba đặc biệt quan tâm: tại sao Việt Nam có thể nhanh chóng từ một nước nhập khẩu lương thực, rất khó khăn trong bảo đảm thực phẩm lại trở thành một nước xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản?

Các chuyên gia Brazil cho rằng ở Việt Nam cơ chế thị trường đã đem lại động lực sản xuất cho nông dân, còn Nhà nước đã thay đổi chức năng và phương thức hoạt động, tiếp tục đóng vai trò quan trọng về chính sách, đầu tư thủy lợi, giống mới... Hội nghị cũng nhất trí cho rằng nông nghiệp Việt Nam đã tận dụng được khả năng mở rộng thị trường để phát huy lợi thế so sánh, tăng sản lượng xuất khẩu.

Các chuyên gia Cuba cũng tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa bỏ bao vây cấm vận. Tại sao Việt Nam lại có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ nhanh như vậy? Chúng tôi cho biết lập trường của Việt Nam là không quên quá khứ nhưng hướng tới tương lai để phát triển đất nước. Việt Nam tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia Mỹ từng là cựu binh ở Việt Nam, vận động sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Mỹ. Việt Nam đã cho phép phía Mỹ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và đã tích cực tổ chức các cuộc tìm kiếm...

Các thành viên tham dự hội nghị nhất trí cho rằng kinh nghiệm cải cách của Việt Nam có giá trị tham khảo thiết thực đối với Cuba.

Theo LÊ ĐĂNG DOANH/Tuổi trẻ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất