Thứ Bảy, 28/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 4/8/2010 6:45'(GMT+7)

Cuộc chiến chống phá rừng ghi nhận những tiến triển

Ảnh: Các nhân viên lâm nghiệp đang chặt cây trong rừng Ngombe, gần thị xã Ouesso, phía Bắc Cônggô.

Ảnh: Các nhân viên lâm nghiệp đang chặt cây trong rừng Ngombe, gần thị xã Ouesso, phía Bắc Cônggô.

Cuộc chiến chống phá rừng và buôn lậu gỗ đang ghi nhận những kết quả đầu tiên. Tuy nhiên, ông Sam Lawson, một trong những tác giả của bản báo cáo về phá rừng vừa được nhóm tư vấn Chatham House (Anh) công bố, nhấn mạnh: Những tiến bộ có ý nghĩa trên "vẫn còn chưa đủ".

Chúng ta có thể thấy trong bản báo cáo dài trên rằng trong 10 năm qua, khai thác rừng bất hợp pháp "đã giảm 50% tại Camơrun, từ 50-70% tại rừng Amazôn của Braxin và 75% tại Inđônêxia". "Điều này đã ngăn cản sự suy thoái của khoảng 17 triệu hécta rừng, tức một diện tích lớn hơn nước Anh và xứ Wales kết hợp". Về phần mình, giữa tháng 7 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua một văn bản luật dự kiến cấm nhập khẩu vào thị trường châu Âu các loại gỗ bị khai thác bất hợp pháp. Nếu dự thảo luật trên được các bộ trưởng nông nghiệp của 27 nước thành viên thông qua vào tháng 9 tới, kể từ năm 2012, các nhà nhập khẩu sẽ phải bảo đảm các sản phẩm nhập khẩu của họ là hợp pháp.

Hiển nhiên đây là hai tín hiệu quan trọng cho thấy rừng chiếm vai trò trung tâm. Không quên vai trò quan trọng của rừng trong cuộc chiến chống lại khí hậu nóng lên, ông Sam Lawson nhắc lại: "Có gần 1 tỷ người trong số những người nghèo nhất trên thế giới đang phụ thuộc vào rừng để sinh kế". Theo Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về sự phát triển của khí hậu (GIEC), phá rừng chịu trách nhiệm gây ra gần 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. "Bản báo cáo của Chatham House xác định cuộc chiến chống khai thác rừng bất hợp pháp tại 3 nước trên có thể giảm gần 14,6 tỷ tấn khí cácbon điôxít (CO2) với mức kinh phí tương đối thấp, tức một nửa số lượng khí thải trên là do các hoạt động hàng năm của con người trên thế giới".

Các hoạt phá rừng bí mật gia tăng

Tuy nhiên, để đạt được mục đích, các nước sẽ cần phải tăng cường các hoạt động giám sát. Trước tiên bởi 17 triệu hécta rừng có thể được bảo vệ trong vòng 10 năm, song hàng năm lại có hơn 13 triệu hécta mất đi trên thế giới. Bản bảo cáo của Chatham House cũng thừa nhận "nếu các trường hợp phá rừng bất hợp pháp hiển nhiên được ngăn chặn thì các hành động phá rừng khó phát hiện có xu hướng gia tăng". Các công ty được cấp phép khai thác hợp pháp thường khai thác trên mức cho phép, hay họ được cấp phép phá rừng để phục vụ những mục đích nông nghiệp trong các điều kiện đáng nghi ngờ.

Văn bản luật của châu Âu là một bước rất quan trọng. Bởi năm 2008, các công ty tại Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hà Lan hay Anh "đã nhập khoảng 17 triệu mét khối gỗ và các sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp", trong đó chủ yếu dưới dạng (đồ gỗ, gỗ dán) đến từ Trung Quốc.

Ông Larry Mac Faul, đồng tác giả của báo cáo do Chatham House công bố, khẳng định: "Nếu chúng ta đặt thẳng hàng các loại gỗ rừng bị chặt hạ, chúng ta có thể xếp vòng quanh trái đất 10 lần". Năm 2008, Mỹ là nước đầu tiên áp dụng một đạo luật bắt buộc. Tiếp theo là châu Âu. Nhưng sẽ còn cần phải đi kèm theo đó là các lệnh trừng phạt mạnh hơn mà hiện nay còn thiếu./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất