(TCTG)- Mặc dù những người theo chủ nghĩa hoài nghi về khí hậu dường như đang thắng thế song sự xuống cấp của môi trường do tác động của khí hậu nóng lên là thực tế. Bằng chứng là hòn đảo Carti Sugdub ở phía Đông Bắc Panama sắp biến mất.
Khoảng hơn 2.000 người thuộc bộ tộc Kuna sẽ nhanh chóng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ lãnh thổ của mình trước mực nước biển Caribê dâng cao và phá huỷ các dải san hô ngầm.
Do mực nước biển dâng cao, tình trạng sa mạc hoá hay ô nhiễm đất, hàng triệu người buộc phải rời bỏ nơi sinh sống của mình để đến những nơi thuận lợi hơn, đôi khi nằm ngoài biên giới của đất nước họ.
Theo Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050 sẽ có 150 triệu người tị nạn khí hậu
Theo dự báo của LHQ, "khoảng 150 triệu người tị nạn khí hậu sẽ cần phải di cư từ nay đến năm 2050". Nhưng theo Chủ tịch Viện Chính sách Địa cầu (Earth Policy Institute) Lester Brown, sẽ có khoảng 634 triệu người liên quan: "Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) đã phân tích hậu quả của mực nước biển dâng lên 10 mét, có nghĩa là các núi băng lớn sẽ tan hết. Nghiên cứu của IIED ghi nhận có 634 triệu người sống dọc bờ biển trên mực nước biển và dưới 10 mét [...]. Đó là một số lượng dân cư đáng kể và rất dễ bị tổn thương, chiếm 1/8 dân số thế giới".
Nhà nghiên cứu Lester Brown cũng nhắc lại rằng Trung Quốc là nước dễ bị tổn thương nhất với 144 triệu người tị nạn khí hậu tiềm tàng. Theo sau đó là Ấn Độ và Bănglađét, có lần lượt là 63 và 62 triệu người tị nạn.
Với việc làm cho các vùng lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên mất đi, khí hậu nóng lên là nguồn gốc của một sự thay đổi môi trường không thể đảo ngược và gây ra tình trạng di dân không thể tránh khỏi.
Những người tị nạn khí hậu bị nhầm với những người tị nạn kinh tế?
Trước hiện tượng mới mẻ này, vấn đề chính đặt ra là việc xác định một quy chế luật pháp rõ ràng cho "những người tị nạn môi trường". Do thiếu vắng một cơ chế đặc biệt cho phép bảo vệ họ, những người tị nạn mới trên có nguy cơ bị coi là những người tị nạn kinh tế, một quy chế không đúng với tình trạng của họ.
Ngày nay, để những người tị nạn khí hậu được bảo vệ, cần đạt được một quy chế cho người tị nạn. Theo Công ước Giơnevơ về quy chế người tị nạn năm 1951, người xin tị nạn phải vượt qua một biên giới quốc tế và lo sợ bị truy hại vì lý do nòi giống, tôn giáo, quốc tịch, tham gia một tổ chức xã hội hay có quan điểm chính trị" (Điều 1.A.2).
Không có thời điểm nào để nêu vấn đề dành một quy chế tị nạn cho những người bị buộc phải rời bỏ đất nước họ vì những lý do môi trường vào trong Công ước trên.
Việc thiết lập một quy chế pháp lý đặc biệt cho những người tị nạn khí hậu là hết sức tế nhị. Trước tiên, cần thoả thuận về một định nghĩa quốc tế chấp nhận khái niệm người tị nạn môi trường, sau đó xác định các hình thức di trú khác nhau, có thể là trong phạm vi một quốc gia hay quốc tế.
Trung Quốc: Đập Tam Hiệp khiến nhiều người dân phải di cư
Làn sóng những người tị nạn mới cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với các nơi tiếp nhận họ. Bởi những người này có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường nơi đến. Các trại tị nạn thường xuyên được dựng lên tại các khu vực có hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Điều này dễ dẫn đến việc tàn phá rừng vì lý do thiếu đất canh tác.
Nhưng mặc dù khí hậu nóng lên được cho là tác nhân chính gây nên tình trạng tỵ nạn khí hậu, cũng cần phải ghi nhận là việc tàn phá môi trường và và di cư cũng do các dự án quy hoạch lãnh thổ gây ra. Đặc biệt, trường hợp Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc đã làm cho 1,25 triệu dân phải di cư, phá huỷ các khu vực khảo cổ học duy nhất và gây ra hiện tượng mất cân bằng sinh thái.
Quy mô của hiện tượng tị nạn môi trường và tình trạng không thể khắc phục được ngay từ bây giờ cần có một sự hợp tác quốc tế. Theo một số tổ chức phi chính phủ, cần phải bồi thường cho những nạn nhân của biến đổi khí hậu.
Nếu các Nhà nước không tiến hành ngay, hậu quả của việc không hành động sẽ rất trầm trọng, bởi có khả năng sẽ xuất hiện nhiều cuộc xung đột mới nhằm chiếm đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đang trở nên khan hiếm.
Theo báo RUE89.com