Thứ Ba, 24/9/2024
Đời sống
Thứ Năm, 23/8/2012 15:21'(GMT+7)

Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Phú - Đồng Nai

Nhạc sĩ Trần Viết Bính và Nghệ nhân Dân gian Ka Bào, xã Tà Lài, huyện Tân Phú

Nhạc sĩ Trần Viết Bính và Nghệ nhân Dân gian Ka Bào, xã Tà Lài, huyện Tân Phú

Ông Phạm Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Bình cho biết: Xã có 580 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ khi triển khai chương trình 134 đến nay, số hộ nghèo đã giảm tới 2/3. Không những giảm nghèo, nhiều gia đình người Tày, Châu Mạ,… tại Phú Bình đã trở nên giàu có nhờ được định cư và hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt. Anh Ban Văn Khương (dân tộc Tày) kể: "Nhà tôi nhiều đời nay đã sống ở vùng đất này. Cái ăn cho cả nhà trước đây chủ yếu là từ củ rừng, có trồng sắn, trồng ngô, nhưng năng suất chẳng đáng là bao. Ở thì khổ lắm, bởi nhà nằm ở đồi dốc, một trận gió lớn là “cả cơ ngơi” chỉ trơ lại mấy cái cột. Năm 2008, chính quyền xã vận động người dân ra khu này ở, xây nhà, làm đường, cấp đất sản xuất cho chúng tôi, rồi gia đình nào cũng được thắp đèn điện, trẻ con đến tuổi thì được đi học".

Theo ông Phạm Đức Duy: Năm 2008, sau khi xây dựng 118 căn nhà định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, nhận thấy đa số bà con không biết cách trồng trọt, chăn nuôi nên xã đã mở các lớp dạy nghề. Đến nay, đã có 7 lớp được mở với hơn 400 lao động được đào tạo. Cũng trong chương trình 134, xã đã cấp đất sản xuất cho 10 hộ; hỗ trợ 117 hộ vốn để chăn nuôi.

Khác với Phú Bình, xã Phú An từ lâu vẫn được biết đến là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cũng là xã nghèo nhất nhì của tỉnh Đồng Nai. Người Cao Lan, Châu Mạ… ở Phú An dù nhiều nhà có đất sản xuất, nhưng kinh tế gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo. Ông Đỗ Thành Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An lý giải: Có đất nhưng bà con không biết cách làm ăn, trước đây họ lại sống biệt lập, sản xuất tự cung tự cấp. Giờ thì bà con khá rồi, cũng nhờ chương trình 134 được triển khai một cách kịp thời, hiệu quả.

Cái được của chương trình 134 ở Phú An, theo ông Huy chính là tạo ra mối liên hệ giữa đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương. Trong những năm triển khai chương trình này, các cán bộ xã, ấp đã đến tận các bản làng xa xôi vận động người Châu Mạ, Cao Lan,… bỏ tập quán sống du canh, du cư. Cũng từ những buổi tuyên truyền, vận động ấy, những cán bộ xã, ấp cũng đã có cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc sống, tập quán của người dân. Ông Huy cho biết: Khó thay đổi nhất đó là thói quen của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi nhận ra những thói quen lạc hậu của đồng bào là do nhận thức. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền vận động bà con định cư, chúng tôi còn tổ chức thường xuyên các đợt hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi.

Trong khuôn khổ chương trình 134, xã Phú An đã xây mới được 46 căn nhà, cấp đất sản xuất cho 12 hộ. Ngoài ra, địa phương cũng giúp vốn, giống để hỗ trợ hàng chục gia đình phát triển chăn nuôi. Ông Huy phấn khởi: Những hộ chúng tôi xây dựng nhà định cư là các hộ đồng bào dân tộc sống ở những sườn đồi, không có đất sản xuất. Tại những khu tái định cư này, ngoài việc đưa điện vào từng hộ gia đình, địa phương cũng đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung, phân phát hàng chục bồn chứa nước cho họ. Nhờ sống tập trung nên đời sống của đồng bào dân tộc ở Phú An hiện nay đã khá hơn trước rất nhiều, ngoài trồng trọt, chăn nuôi, họ còn làm nhiều nghề khác. Đặc biệt, đa số con em của đồng bào đã được đi học. Để khuyến khích đối tượng là học sinh vùng dân tộc thiểu số, hàng năm xã cũng dành nhiều suất học bổng, vận động các mạnh thường quân ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập để các em an tâm đến lớp.

Theo ông Võ Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, từ Chương trình 134, toàn huyện đã xây dựng được hơn 500 căn nhà, nhiều gia đình đã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Tân Phú hiện có gần 2.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tới 724 hộ khá trở lên, gần 700 hộ có mức sống trung bình. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc giảm nhanh qua từng năm; 90% số hộ đã được sử dụng điện; 85% số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh. Ông Dũng nhấn mạnh: “Bên cạnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình 134 còn là cầu nối để các dân tộc anh em tại Tân Phú xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi tin rằng, từ những tiền đề ban đầu này, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Phú sẽ có điều kiện nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, vươn lên làm giàu”./.

Công Phong - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất