Thứ Tư, 27/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 6/7/2014 10:40'(GMT+7)

Cựu chiến binh tiên phong bám biển

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa An hiện có 185 hội viên, trong đó có hơn 50% hội viên đi biển. Họ coi biển như mảnh vườn, tấc đất, là nguồn sống bất tận của ngư dân. Tiêu biểu nhất, phải kể đến trường hợp ông Phạm Hồng Hai (58 tuổi) ở thôn Phú An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi. Ông nhập ngũ năm 1974 và phục viên năm 1981, là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa An. Nhà nghèo, lấy vợ không có tài sản, cộng với mức lương có hạn từ chức danh Chủ nhiệm Hợp tác xã kiêm nhiệm không đủ để ông nuôi sống cả gia đình. Vì thế, sau 2 nhiệm kỳ, nhận thấy hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, ông kiến nghị xin cấp trên giải thể (1990). 

Sau khi nghỉ việc, ông Phạm Hồng Hai chạy đôn chạy đáo vay mượn bà con họ hàng, sắm ngay con tàu công suất 22CV để hành nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Làm ăn thuận lợi, ông lấy ngắn nuôi dài và liên tục những năm kế đó, ông cải hoán, đóng mới các tàu cá công suất lớn và chuyển dần ngư trường ra Hoàng Sa, Trường Sa. Ông kể: “Nhà tôi đã 5 đời đi biển, tôi có làm gì rồi cũng về với nghề biển. Biển đã cho gia đình tôi cơm ăn, áo mặc, đưa cuộc sống gia đình sang trang mới. Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt trong con người tôi, không bỏ được”. 

Năm 2014, ông Hai đóng mới thêm 2 tàu cá công suất 430CV/chiếc, nâng tổng số tàu ông hiện có lên 4 chiếc. Những tàu cá này, ông bàn giao lại cho người con trai, cùng anh em trong nhà và động viên các con can trường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho 40 lao động tại địa phưong. 

Mỗi năm, gia đình ông Phạm Hồng Hai còn đóng góp hơn 10 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo của xã và hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện sắm sửa tàu cá, cùng ra khơi bám biển mưu sinh, cùng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Để các tàu cá trong xã có thời gian đánh bắt dài hơn trên biển, ông Hai có ý định đăng ký đóng riêng cho mình một tàu cá vỏ sắt để vận chuyển đá ướp, xăng dầu, thức ăn… và các dịch vụ hậu cần khác ra Hoàng Sa tiếp tế. Ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của ông, năm 2013, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tặng Bằng khen cho ông Phạm Hồng Hai. 

Cũng ngày đêm bám biển, ông Ngô Mộc (46 tuổi) ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An, tâm sự: "Là hội viên Hội Cựu chiến binh của xã thì phải tiên phong xây dựng kinh tế gia đình, phải hài hoà giữa đi biển và công việc khác. Tôi sống chủ yếu bằng nghề lưới chuồn, mỗi năm có tới 11 chuyến đi biển Hoàng Sa. Còn sức lực sẽ còn vươn khơi, vì tình yêu Hoàng Sa đã ngấm trong tim tôi". 

Cũng theo ông Mộc, trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, anh em trong Hội Cựu chiến binh đã đoàn kết lại thành tổ, đội và liên lạc, thống nhất với nhau thời gian ra khơi để cùng đánh bắt, cùng bảo vệ khi có va chạm. Tính đến thời điểm này, có khoảng 10 tổ, đội được thành lập và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nên anh em trong Hội rất yên tâm, mạnh dạn đầu tư tiền của đóng mới tàu cá công suất lớn, bám biển Hoàng Sa đánh bắt, đem lại nguồn thu đáng kể từ 350 - 400 triệu đồng/năm. 

Ông Lê Văn Sánh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi cho biết: Hội rất quan tâm, tạo điều kiện để các hội viên có điều kiện vươn khơi, bám biển. Các hội viên sau khi đi biển về đều tham gia, chấp hành tốt công tác Hội, vận động đóng góp nguồn quỹ để Hội hoạt động vững mạnh. Đa số hội viên đều có kinh tế khá giả, phần lớn cũng nhờ “lộc biển” đem lại nên biển cả rất thiêng liêng, rất gần gũi và thân thuộc với mỗi người. Trong thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình cựu chiến binh bám biển và kêu gọi hội viên tham gia, góp phần vào sự phát triển chung của xã, kiên quyết bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.



Theo TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất