Thứ Bảy, 16/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 19/3/2012 19:9'(GMT+7)

Đà Nẵng: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đội ngũ trí thức đã tăng lên về số lượng và nâng cao về chất lượng

Sau khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", để triển khai thực hiện nghị quyết này, ngày 25-10-2008, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả quan trọng, tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Riêng về cán bộ, công chức hành chính, viên chức sự nghiệp và cán bộ ở phường, xã, năm 2011 toàn thành phố hiện có 1.679 cán bộ, công chức; trình độ sau đại học chiếm 11%, đại học và cao đẳng 73%. Trình độ cao cấp, trung cấp lý luận chính trị: 717 người (chiếm 43%); Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên: 1.289 người (chiếm 77%). Tổng số viên chức các đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố hiện có 13.388 cán bộ; viên chức ngành giáo dục chiếm 72%; ngành y tế 20%; các đơn vị sự nghiệp khác 8%. Trình độ cán bộ sau đại học chiếm 4%, gồm 10 tiến sĩ, 116 thạc sĩ, 419 bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 1, 2; đại học 54%, viên chức sự nghiệp có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị có 1.946 cán bộ (chiếm 15%); quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên 1.217 cán bộ (chiếm 9%). Tổng số cán bộ chuyên trách và công chức phường, xã có 1.197 cán bộ, trong đó chuyên trách chiếm 46%; công chức phường, xã 54%. Cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp trở lên chiếm 85%, trong đó sau đại học và đại học 297 cán bộ (chiếm 54%).

Thành phố tập trung đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển văn học nghệ thuật; thực hiện một số chính sách đột phá trong việc thu hút chất xám, đào tạo nhân tài, áp dụng nhiều chính sách để trí thức khoa học - công nghệ gắn bó hơn với sản xuất và đời sống phục vụ sự nghiệp phát triển thành phố; đầu tư xây dựng các viện, trung tâm phát triển về khoa học công nghệ của thành phố như Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm công nghệ sinh học, Khu công nghệ cao...

Thành phố bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Trên lĩnh vực Khoa học và công nghệ, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, tạo hành lang pháp lý ổn định và thông thoáng để đội ngũ trí thức tham gia vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút đội ngũ trí thức đầu ngành, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao; tạo điều kiện cho trí thức được lựa chọn làm việc đúng ngành nghề đào tạo. Ngoài chính sách dành cho cán bộ diện thu hút, thành phố còn bố trí nhà ở chung cư, góp phần làm cho đội ngũ trí thức ổn định, yên tâm công tác.

Lãnh đạo thành phố tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trí thức trẻ, tạo nhiều điều kiện để trí thức cống hiến trí tuệ, tài năng trong xây dựng và phát triển thành phố. Thành phố phát huy dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn phản biện và giám định các chủ trương chính sách, các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học các nước; cử chuyên gia ra nước ngoài nghiên cứu, khảo sát, trao đổi khoa học tại các cơ quan và tổ chức quốc tế, các trung tâm khoa học - công nghệ ở các nước phát triển; xúc tiến việc mở một số trường đại học, viện nghiên cứu công nghệ phục vụ nhiệm vụ phát triển Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Thành phố đã thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài đến làm việc tại thành phố một cách kịp thời, công khai và đúng đối tượng. Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu, bố trí nhà ở cho một số đối tượng từ các địa phương khác đến công tác tại Đà Nẵng, thành phố còn ưu tiên cho các đối tượng theo chính sách thu hút nguồn nhân lực được ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức, cử đi đào tạo bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước; tin học, ngoại ngữ; bồi dưỡng tiền công vụ; đặc biệt một số trường hợp sau ba năm công tác được tiếp tục cử đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Đối tượng thu hút gồm: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú và người tốt nghiệp đại học. Từ khi có chủ trương thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực từ năm 1998 đến ngày 01-10-2011, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác 935 cán bộ (riêng trong năm 2008 có 70 cán bộ, năm 2009 - 134 cán bộ, năm 2010 - 99 cán bộ, năm 2011 - 68 cán bộ) về công tác tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện. Trong đó, đại học chiếm số lượng lớn nhất với 767 người, chiếm 82 %; thạc sĩ 158 người, chiếm 17% và tiến sĩ là 10 người, chiếm 1%.

Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hướng đến việc thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo; mở rộng hệ thống đào tạo đại học, liên thông, tạo điều kiện học sinh tiếp cận với các loại hình đào tạo. Thành phố khuyến khích tạo điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài liên kết xây dựng trường đại học quốc tế tại Đà Nẵng; phê duyệt Đề án phát triển trường Trung học phổ thông chuyên Lê Qúi Đôn đến năm 2015 và định hướng đến 2020; mục tiêu đến năm 2015, sẽ trở thành trường trọng điểm quốc gia; đến năm 2020 phát triển ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Giai đoạn 2006 - 2010 cán bộ, công chức cử đi đào tạo chiếm 22 - 25%, tăng 5% so với quy định; trong đó có 3% đến 5% cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày được nâng lên.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn công chức, trong giai đoạn 2006 - 2010, thành phố tổ chức 19 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) cho cán bộ, trong đó có 15 lớp đào bồi dưỡng kiến thức chương trình chuyên viên; 40 lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức hành chính theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp cho từng vị trí việc làm, từng chức danh công chức; phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3 tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp. Hàng năm, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị phối hợp với trường Chính trị thành phố tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN cho khoảng 500 cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ lãnh đạo các Sở, UBND quận, huyện tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức hành chính công, Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin tại Singapore, Hunggary, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho công chức lãnh đạo cấp Sở, UBND quận, huyện, cùng với việc trang bị kiến thức, thành phố luôn quan tâm bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho công chức lãnh đạo cấp Sở, UBND quận, huyện. Thành phố đã tổ chức 28 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, hàng năm trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về các nội dung bồi dưỡng kiến thức QLNN, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế. Câu lạc bộ cán bộ trẻ thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nâng cao hiệu quả công tác cho công chức, viên chức trẻ. Đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý Sở, UBND quận, huyện được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Tạp trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách phường, xã. Thành phố có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên trách phường, xã, trong đó đặc biệt đào tạo theo Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Nội dung đào tạo liên quan đến hành chính công, quản lý đô thị, công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể… đến nay đã có 139 cán bộ tốt nghiệp ra trường bố trí công tác tại các phường, xã và sau thời gian công tác đã có 01 cán bộ được bầu vào Quận ủy viên; 15 cán bộ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường, xã; 9 cán bộ giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã.

Tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển thành phố, từ năm 2005, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo triển khai hai chương trình quan trọng là “Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Dự án 151, sau đó là Dự án 32, Đề án 47) và “Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài” (gọi tắt là Đề án 393), hiện là Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Đến nay, thành phố đã bố trí 83 cán bộ đào tạo theo Đề án 47, trong đó, có 39 cán bộ các cơ quan hành chính, 40 cán bộ các đơn vị sự nghiệp và 04 cán bộ các đơn vị khác (Khối Đảng, Đại học Đà Nẵng). Đối với Đề án đào tạo bậc Thạc sĩ ở nước ngoài, đến nay, đã có 46 cán bộ tốt nghiệp trở về nước và được bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị.

Đề cao trách nhiệm trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các Hội trí thức. Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật đã có sự phát triển, tạo sự chuyển biến nhận thức của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ thành phố được tập hợp sinh hoạt trong 09 Hội chuyên ngành, với tổng số hội viên hơn 800 người, trong đó có gần 400 hội viên Trung ương. Phần lớn hội viên đều có trình độ đại học, một số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Có 02 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước, 01 Nghệ sĩ Nhân dân, 11 Nghệ sĩ ưu tú và 01 Nghệ nhân dân gian. Có 04 câu lạc bộ trực thuộc các Hội chuyên ngành: Câu lạc bộ (CLB) sáng tác trẻ (Hội Nhà văn), CLB mỹ thuật cao tuổi (Hội Mỹ thuật), CLB Nhiếp ảnh (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật), CLB Kiến trúc sư trẻ (Hội Kiến trúc sư). Có 02 tổ chức hoạt động theo phương thức xã hội hóa: Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước, CLB Sân khấu. Có 09 Chi hội tập hợp văn nghệ sĩ là hội viên 09 Hội chuyên ngành Trung ương - một lực lượng nòng cốt của các bộ môn văn học - nghệ thuật có quan hệ giúp đỡ, phối hợp các Hội chuyên ngành địa phương tổ chức hoạt động.

Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật tổ chức nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật như trại sáng tác, đi thực tế sáng tác, giới thiệu tác giả - tác phẩm, hội thảo, các cuộc thi sáng tác, biểu diễn, triển lãm, tập huấn, liên hoan… thông qua đó thu hút, tập hợp văn nghệ sĩ tham gia sinh hoạt, sáng tác.

Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội đã kiến nghị với thành phố nâng cao chất lượng giải thưởng văn học - nghệ thuật thành phố (5 năm), giải thưởng của Liên hiệp Hội và tặng thưởng của các Hội chuyên ngành; tặng thưởng trị giá bằng 50% mức thưởng của Trung ương cho các tác giả đạt giải thưởng văn học - nghệ thuật của Trung ương hằng năm. Liên hiệp Hội coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong toàn Liên hiệp Hội và của UBND thành phố, qua hoạt động này đã tuyên dương nhiều văn nghệ sĩ có đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn học-nghệ thuật của thành phố.

Về vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong việc tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố có 29 hội thành viên chuyên ngành, 14 trung tâm trực thuộc với hơn 12.000 hội viên, trong đó có nhiều hội viên là giáo sư, tiến sĩ, nhà quả lý và hoạt động sản xuất kinh doanh, những kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… đây là lực lượng trí thức đông đảo, góp phần hình thành nên khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức của thành phố.

Liên hiệp Hội đã có nhiều cố gắng trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; có nhiều hoạt động tôn vinh những người làm công tác khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất và đời sống. Liên hiệp hội đã chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tổ chức triển khai Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn thành phố. Nhiều công trình, giải pháp đoạt giải thưởng cấp quốc gia, nhiều cá nhân và tập thể được tôn vinh, khen thưởng. Nhiều giải pháp, công trình đã và đang được áp dụng đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức đã tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao thông qua tuyển dụng, thu hút và đào tạo. Công tác đào tạo được quan tâm, chỉ đạo sâu sát từ khâu tuyển chọn đến đào tạo và bố trí, sử dụng sau đào tạo; có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... đội ngũ trí thức đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng./.

Phạm Phú Bình - Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất