Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 19/5/2009 15:15'(GMT+7)

“Ông cụ giản dị thế sao?"

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi vị giáo sư người Đức ngước nhìn chân dung Bác

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi vị giáo sư người Đức ngước nhìn chân dung Bác

Hàng chục năm mong được thăm Lăng Bác

Vào những năm 70 của thế kỉ 20, khi máy bay Mỹ ném bom Thủ đô Hà Nội, ông đã cùng với hàng vạn sinh viên cầm cờ đỏ sao vàng xuống đường biểu tình phản đối và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Vào đúng ngày sinh nhật Bác năm nay, nhân dịp sang dự hội thảo Quốc tế về Toán học, để tỏ lòng thành kính với Bác Hồ và tìm hiểu về con người mà ông từng ngưỡng mộ bấy lâu, ông đã dành trọn vẹn một ngày cuối cùng trước khi về nước để đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ vô danh…

Phóng viên Dân trí đã được đi cùng ông và nghe ông tâm sự về những xúc cảm của mình đối với Việt Nam và đặc biệt là đối với Bác Hồ.

Trên đường vào lăng viếng Bác, ông hỏi khá cặn kẽ về cuộc đời của Bác. Ông tâm sự rằng mấy chục năm nay, ông luôn ấp ủ mong ước được sang Việt Nam để tận mắt chiêm ngưỡng đời sống của người anh hùng đã góp phần viết nên một lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những năm trước đây, ông được biết về Hồ Chí Minh như một vị anh hùng của dân tộc qua sách báo, truyền hình của Đức, Mỹ…

Ông xúc động khi nghe chị hướng dẫn viên Nguyệt Ánh kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ chí Minh

Cảm động về sự giản dị của Người

“Hồ Chí Minh là vị cha già kính yêu của các bạn chứ không phải của tôi. Nhưng ông ấy là một vĩ nhân, tất cả những gì ông ấy đã trải qua, những ngôn ngữ ông ấy thành thạo, các tổ chức ông ấy đứng ra thành lập và cả việc xây dựng được một đất nước Việt Nam như hôm nay… đều khiến tôi vô cùng khâm phục. Các bạn thật hạnh phúc. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và đến Việt Nam, ông Cụ quả là một cá nhân kiệt xuất, một ngoại lệ cả về đức và tài” - Giáo sư Tiến sỹ Khoa học Rainer Nagel.

Giáo sư - Tiến sỹ Khoa học Rainer Nagel là người ghét chiến tranh, yêu những con người lao động nghèo khó và vì thế ông yêu người đã dũng cảm chống lại những kẻ gây ra chiến tranh. Ông chưa được biết nhiều về cuộc đời của Hồ Chí Minh, chỉ biết rằng đó là người đã cùng với dân tộc mình chống lại kẻ thù cướp nước. Đó là tác giả của câu nói bất hủ: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Và ông yêu Hồ Chí Minh một cách tự nhiên, có một ấn tượng kì lạ về con người suốt một đời theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân.

Đến Việt Nam lần này, tận mắt chứng kiến tình cảm của nhân dân Việt Nam, từ sinh viên, giáo sư đến những người dân ông tiếp xúc đều yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một thứ tình yêu máu thịt, ông càng hiểu hơn về Người và điều này khiến ông rất cảm động.

Ông rưng rưng xúc động khi đến thăm ngôi nhà, nơi làm việc của Bác, cảm động về sự giản dị của Bác. Rainer Nagel thốt lên bằng một câu hỏi đầy kinh ngạc: “Ông cụ giản dị thế sao? Ông ấy ở đây, làm việc trên cái bàn này? Đi đôi dép này ư?... Người lãnh tụ của dân tộc các bạn mà chỉ sống trong ngôi nhà này à?”. Ông cảm thấy dường như đang bước vào một thế giới khác, thán phục trước một lãnh tụ có đời sống bình dị đến thế.

Những trang nhật ký dài, rất dài về Bác

Không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, chỉ là một giáo sư thiên về lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng ông say sưa nghe người phiên dịch bảo tàng kể về cuộc đời, sự nghiệp… của Hồ Chí Minh mà quên cả thời gian. Gần 12h, các sinh viên đi theo ông nóng lòng muốn đưa ông đi ăn trưa nhưng dường như ông quên cả đói cứ “bám riết” lấy người phiên dịch để trò chuyện về Bác Hồ, như thể ông muốn viết cả một cuốn sách dài về Hồ Chí Minh vậy.

Chị Nguyệt Ánh, phiên dịch viên nói: “Thành thật là cũng đói và mệt rồi nhưng vì vị khách này quá say mê và yêu mến Bác Hồ nên tôi cũng cố gắng để ông ấy hài lòng và hiểu nhiều hơn về Bác. Ông ấy làm tôi cảm động về điều đó”.

7h tối ông vẫn say sưa nghe thầy Nguyễn Thiệu Huy, giảng viên Trường ĐH Bách Khoa kể về cuộc chiến tranh Việt Nam, con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bên Đài tưởng niệm các liệt sỹ vô danh (mặc dù 11h đêm ông đã lên máy bay về nước).

Buổi chiều, dù biết quy định không được vào thăm Lăng Bác nhưng ông vẫn có mong muốn trở lại một lần cuối, kể cả chỉ đứng ngoài sân trước khi lên máy bay trở về nước. Chúng tôi lại đi cùng ông lần nữa vì cảm động trước tình cảm ấy. Buổi chiều mùa hè thật đẹp, khung cảnh bên lăng Bác cũng thật dễ chịu khiến cho người khách nước ngoài có phần “mê mẩn” không muốn về. Ông “bật mí” về những trang nhật kí hàng ngày của mình sẽ dài, rất dài và nhiều, rất nhiều điều đáng nhớ về Hồ Chí Minh, về Việt Nam.

Theo Dantri

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất