Thứ Ba, 26/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 20/5/2016 9:35'(GMT+7)

Đặc sắc lễ hội dân gian Điện Trường Bà, Trà Bồng Quảng Ngãi

Một số hoạt động tại Lễ hội Điện Trường Bà, Trà Bồng Quảng Ngãi.

Một số hoạt động tại Lễ hội Điện Trường Bà, Trà Bồng Quảng Ngãi.

Điện Trường Bà  được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia và Lễ hội Điện Trường Bà đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đây lễ hội dân gian mang tính đặc trưng độc đáo có sự tích hợp, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Cor, Hoa, Chăm...  

Theo các nhà khảo cổ học, vào khoảng thế kỷ 14-15, người Chăm đã sinh sống tại thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng và xây Điện Trường Bà để thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Thánh mẫu Thiên Y-A-Na trong việc giúp dân tộc Chăm khai hoang, mở đất và có cuộc sống no đủ. Điều khác biệt của Điện Trường Bà ở Trà Bồng Quảng Ngãi so với những điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y-A-Na tại nhiều địa phương khác là ngoài việc thờ phụng thần Y-A-Na, người dân nơi đây còn thờ hai vị thần nhân có thật trong lịch sử là Trấn Quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Đông (Dõng). Bên ngoài điện thờ, nằm về phía Tây còn có miếu thờ Bạch Hổ sơn quân. Tương truyền xưa kia khi núi rừng còn hoang vu, nhờ có "ông Hổ trắng" bảo vệ, muông thú không dám về quấy phá dân làng.  

Theo các nhà sử học, Điện Trường Bà mang tính cộng đồng, biểu trưng tình đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc trong chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi và phát triển của đất nước. Gần Điện Trường Bà là điểm khởi đầu của di sản văn hóa quốc gia Trường Lũy dài 113 km (trải dài qua 32 xã với hơn 70 đồn bảo). Đây là ngã ba sông, cửa ngõ vào rừng cao, núi sâu, mở mang đất đai mang dấu ấn lịch sử tiêu biểu của vùng đất Quảng Ngãi nói riêng, vùng đất Nam Trung Bộ nói chung. Điện Trường Bà đã trở thành di sản văn hóa vô giá. Nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng nói riêng và nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi nói chung vẫn luôn hướng về quê hương đất Quế Trà Bồng, nơi có Điện Trường Bà, có trầu cau thơm, quế ngọt, có cộng đồng dân cư các dân tộc cùng chung sống đoàn kết một lòng, xây dựng nên đất quế hôm nay.

Lễ hội Điện Trường Bà còn gọi là - Lễ Lệ Xuân Trường Bà  được tổ chức vào tối 15 và ngày 16.4 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau như: Lễ Mộc Dục (tắm tượng, đây có thể được coi là nghi lễ quan trọng nhất), lễ Tế ngoại đàn, lễ đâm trâu, lễ Chánh tế, lễ dâng hương Bà Thánh mẫu Thiên Y A Na, lễ thỉnh Bà xem hát bộ... Phần nghi thức được thực hiện trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ mang dáng nét của các dân tộc anh em trong vùng đã sinh sống hòa thuận đoàn kết bên nhau từ bao đời nay.  Lễ hội thể hiện thông điệp đầu tiên có nội dung gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình mở mang bờ cõi. Gắn phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đặc trưng của các dân tộc anh em như: múa cồng chiêng, múa Cà đáo, bắn cung, ném lao, kéo co, đi cà kheo, thi đấu cờ người, hát bộ, múa lân, múa sắc bùa, cô đồng...  Các hoạt động lễ hội tại Điện Trường Bà thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em mà điển hình là văn hóa của các dân tộc Chăm, Hoa, Cor, Kinh.

Lễ hội Điện Trường Bà không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách thập phương mà còn góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự, tăng cường tình đoàn kết giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Trà Bồng. 

Lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức hàng năm đã trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn với du khách thập phương trong những chuyến hành trình tâm linh. Đến với lễ hội Điện Trường Bà ở Trà Bồng du  khách sẽ hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo của con người, mảnh đất nơi núi rừng miền Tây Quảng Ngãi. Về nơi đây, du khách còn được ngắm ngọn núi Cà Đam cao ngút ngàn với mây phủ quanh năm, được đến tham quan Bảo tàng lịch sử cách mạnh "Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi; tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Kor, được tham quan rừng quế bạt ngàn và mua các sản phẩm làm từ quế; thưởng thức các món ăn của đồng bào Kor như ốc đá, rau ranh, chuối rừng, măng le, bánh nếp ... và hòa mình trong dòng suối mát lành giữa núi rừng miền tây Quảng Ngãi, ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm bên Cây đa lá lệch 300 tuổi ở Điện Trường Bà là Cây di sản Việt Nam đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận./. 

Thanh Hiếu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất