Năm 1961, trong bài trả lời phỏng vấn báo Nhân đạo thường trú tại Hà Nội, trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân làm nên sức mạnh kỳ diệu của nhân dân trong chín năm kháng chiến chống Pháp để bảo vệ chính quyền non trẻ cũng như khí thế mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà tri thức nước chúng tôi thiết tha với nền văn hóa dân tộc…Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa… Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”(3). Như vậy, chính truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc là cái nôi nuôi dưỡng và thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam trong lửa đạn chiến tranh và khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong thời bình.
Cuộc đời giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện mẫu mực của sự kết hợp nhuần nhị, tinh tế những nét đẹp của truyền thống văn hóa Đông - Tây; là biểu tượng sáng người của văn hóa Việt Nam, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ, động viên nhân dân trong mọi bước đường cách mạng để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những tư tưởng văn hóa mang tầm thời đại
Lược khảo những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù trực tiếp hay gián tiếp bàn về văn hóa được Người viết ra cách đây gần một thế kỷ nhưng sức sống của những tư tưởng ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc hoạch định kế sách xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ nhất, quan điểm của Người về nội hàm văn hóa.
Bàn về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(4). Như vậy theo Người, văn hóa là toàn bộ những sáng tạo, phát minh về vật chất và tinh thần của con người nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của cá nhân, cộng đồng và rộng ra là cả quốc gia, dân tộc.
Đây là những ghi chép, cảm nhận của Người trong những năm tháng bị giam cầm trong nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch được Người ghi lại trong những trang cuối, mục đọc sách của cuốn Nhật ký trong tù. Quan niệm này có thể được xem là một định nghĩa khá đầy đủ, vừa mang tính giản dị, mực thước, vừa mang tính khoa học, khái quát khi bàn về văn hóa giữa hàng trăm nghìn định nghĩa về văn hóa của các nhà khoa học trên thế giới.
Sau định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, trong Tuyên bố về những chính sách văn hoá tại Hội nghị quốc tế bàn về văn hoá họp tại Mêhicô năm 1982, UNESCO cũng khẳng định: “Văn hoá hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng”(5). Dù cách diễn đạt có khác nhau nhưng điểm gặp gỡ, tương đồng trong quan niệm của Bác và UNESCO là đều nhấn mạnh vào tính sáng tạo của con người và những nét đặc sắc riêng của mỗi nền văn hóa.
Tiếp thu quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết, Đảng ta cũng khẳng định những giá trị trường tồn và sức mạnh to lớn của văn hóa. Đó là: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”(6). Đây là biểu hiện của sự kế thừa, tiếp thu và bổ sung tinh thần, quan điểm của Người về văn hóa trong điều kiện, tình hình hiện nay.
Thứ hai, quan điểm của Người về công cuộc xây dựng nền văn hóa mới.
Bàn về đặc trưng, tính chất của nền văn hóa mới, Người cho rằng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Nền văn hóa dân tộc phải không ngừng học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phải có tinh thần dân chủ. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lí quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”(7).
Trong xây dựng nền văn hóa mới, Người đặc biệt lưu ý các cấp chính quyền, cán bộ cần hiểu thấu đáo về những thành tố, nội dung cơ bản của văn hóa. Xây dựng nền văn hóa, không chỉ thuần túy quan tâm đến ngành / lĩnh vực văn hóa riêng biệt mà phải chú trọng đến sự đồng bộ của nhiều yếu tố, từ chính trị, kinh tế, tâm lý, luân lý, xã hội.
Năm điểm lớn định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa dân tộc theo quan điểm của Người bao gồm:
“1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường
2. Xây dựng luân lý: biết hi sinh mình, làm lợi cho quần chúng
3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.
4. Xây dựng chính trị: dân quyền
5. Xây dựng kinh tế” (8).
Như vậy, khi xây dựng nền văn hóa mới cần phải có cơ chế, chính sách tác động để văn hóa thực sự thẩm thấu, thấm sâu và được biểu hiện ở nhiều phương diện, lĩnh vực; từ trong tâm lý, tinh thần mỗi cá nhân đến những biểu hiện của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế. Tư tưởng này được Đảng ta tiếp thu và thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến những giải pháp, cơ chế xây dựng kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế: “Chính sách kinh tế trong vǎn hóa nhằm gắn vǎn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm nǎng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển vǎn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động vǎn hóa, giữ gìn bản sắc vǎn hóa dân tộc… Chính sách vǎn hóa trong kinh tế bảo đảm cho vǎn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển vǎn hóa” (9).
Bàn về vai trò và mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (10), “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(11). Và trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (12).
Ngày nay, những tư tưởng của Người về mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa văn hóa với kinh tế, chính trị; vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng; văn hóa trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đang được toàn Đảng, toàn quân ra sức phát huy. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII, năm 2014 tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng đã ban hành nghị quyết số 33/NQ-TƯ về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nhấn mạnh quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” (13), đồng thời khẳng định quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (14).
Như vậy, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa với các lĩnh vực trọng yếu khác của đời sống xã hội, nhất là mối quan hệ với chính trị, nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực, tư cách đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, để mỗi cá nhân thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, chí công vô tư, giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Nghị quyết 33 đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cần phải xây dựng văn hóa trong Đảng để khắc phục những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên” (15).
Đề cao tầm quan trọng của công tác văn hóa, Người luôn nhắc nhở, động viên những cán bộ trực tiếp làm công tác này phải luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi công việc, phải “tiên ưu, lạc hậu”. Khi thấy những biểu hiện lười biếng, sa vào chủ nghĩa cá nhân của một số cán bộ làm công tác văn hóa, Người nghiêm khắc phê bình: “Phải thấy rằng nói chung văn hóa của ta còn loanh quanh trong thành phố, chỗ dễ ăn, chứ chưa đến chỗ đồng bào Mèo, đồng bào Mán” (16), “Văn hóa phải gắn liền với lao động, sản xuất. Văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông” (17).
Có thể nói, sự thành công hay thất bại của mọi công việc đều do cán bộ tốt hay xấu, Người từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(18) vì thế việc chăm lo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật nói riêng cần được chú trọng, quan tâm, đầu tư xứng đáng hơn nữa, nhất là trong giai đoạn hiện nay để nhân lên những giá trị nhân văn tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc.
Ngày nay, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền văn hóa dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, như: “So với những thành quả trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Đạo đức lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu”(19). Và để khắc phục tình trạng đó, “các cấp các ngành phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, con người; phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chức của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” (20).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng “sức mạnh mềm” của đất nước là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần được quan tâm, đầu tư xứng đáng để nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, chống lại những nguy cơ “diễn biến hòa bình” của những thế lực thù địch, phản động, chống lại những sản phầm đồi trụy, phi văn hóa.
Trở lại với những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng nền văn hóa mới, trong đó trọng tâm là xây dựng con người mới XHCN có lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, được coi là kim chỉ nam trong mọi chủ trương, đường lối, hành động của Đảng, Nhà nước và nhân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam mang tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học trong giai đoạn phức tạp hiện nay./.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
---------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t. 1, tr. 462
(2), (7) Dẫn theo Báo Văn nghệ, số 22, ra ngày 28/5/2005
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 13, tr. 190
(4), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 431
(5) Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1291-phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-bao-ton-va-xay-dung-van-hoa-dan-toc-trong-boi-canh-toan-cau-hoa.html
(6), (9) Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-bch-trung-uong/khoa-viii/doc-5925201510233446.html
(10), (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011,t.7, tr.246
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.612.
(13), (14), (15. Nguồn: http://daihoi12.dangcongsan.vn/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340727&cn_id=401105
(16), (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr.558.
(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.309
(19), (20) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, H. 2016, tr. 125-28.