Sau hơn chục năm kể từ khi chủ trương cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước được ban hành, đến thời điểm này, về cơ bản, quá trình cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước gần như hoàn tất.
Đây được xem là một bước ngoặt quan trọng của điện ảnh nước nhà. Nhưng liệu rằng bước ngoặt này có mở ra một trang mới cho các hãng phim Nhà nước khi mà trong mấy ngày qua, dư luận “đứng ngồi không yên” trước tin Hãng Phim Truyện Việt Nam đổi chủ cho một công ty “ngoại đạo” về nghệ thuật thứ bảy?
Gian nan trên hành trình… cổ phần hóa
Nói về lộ trình cổ phần hóa thì phải quay lại chủ trương của Nhà nước đã được phổ biến cách đây hơn chục năm. Bản thân những người trong giới cũng nhận thức được rằng việc cổ phần hóa một nền điện ảnh bao cấp, trì trệ là việc làm tất yếu, cần thiết. Trong số 5 hãng phim Nhà nước nằm trong lộ trình cổ phần hóa là Hãng Phim Truyện Việt Nam, Hãng Phim Truyện 1, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình, thì duy nhất có Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được giữ lại vì là đơn vị sự nghiệp mang tính đặc thù. Còn lại, đến thời điểm hiện tại, quá trình cổ phần hóa các hãng phim Nhà nước gần như đã hoàn tất.
Đi tiên phong tiến hành cổ phần hóa là Hãng Phim Truyện 1 từ cuối năm 2010. Sau hơn 5 năm cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất phim. Hãng Phim Giải phóng bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ đầu năm 2014 và hoàn thành vào tháng 12-2015. Công ty Cổ phần Phim Giải phóng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1-2016. Hãng Phim Hoạt hình cũng vừa bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Do đặc thù là đơn vị công ích sản xuất phim hoạt hình phục vụ nhiệm vụ định hướng giáo dục, sự hình thành nhân cách cho trẻ em nên Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối là 51%; nhà đầu tư chiến lược giữ 36% vốn điều lệ và cán bộ, nhân viên giữ 2%.
Còn lại Hãng Phim Truyện Việt Nam (VFS), những ngày qua, dư luận xôn xao khi hay tin “anh cả" của nền điện ảnh nước nhà có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ đã được “gả bán” cho Công ty Vận tải thủy (Vivaso) - một đơn vị không liên quan gì đến nghệ thuật. Hơn nữa, kết quả kinh doanh của đơn vị này cũng không mấy khả quan khi lỗ 8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2015 và sẽ nắm giữ tới 65% cổ phần VFS. Lý giải cho việc tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lại chọn Vivaso, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong ba năm trở lại đây, tình trạng cổ phần hóa Hãng Phim Truyện 1 và Hãng Phim Giải phóng khá nhọc nhằn. Hãng Phim Hoạt hình trong quá trình cổ phần cũng loay hoay vì không tìm được nhà đầu tư chiến lược. Và cũng phải đến phút chót VFS mới tìm được nhà đầu tư là Vivaso nên đến khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước quyết định chỉ nắm giữ 20% cổ phần, 65% cổ phần thuộc về Vivaso. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có vai trò tiên quyết trong quá trình sản xuất điện ảnh, Nhà nước chỉ còn vai trò giám sát.
Liệu điện ảnh Việt sẽ có cơ hội phát triển?
Chủ trương cổ phần hóa là đúng, song liệu rằng cách “đổi chủ” của Hãng Phim Truyện Việt Nam có khiến cho “cánh chim đầu đàn” của nền điện ảnh nước nhà bị “tan đàn xẻ nghé”? Là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ “cây đa, cây đề” gắn bó cùng Hãng Phim Truyện Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên với những bộ phim đã trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt như: “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”…, NSND Trà Giang bày tỏ trăn trở với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Từ nhiều năm nay, cơ sở vật chất của Hãng Phim Truyện Việt Nam ngày một lụi tàn. Tôi biết hãng phải đầu tư, vay tiền ngân hàng làm phim, mang nợ đến hàng tỷ đồng. Với tình thế như hiện nay, tôi cũng như các nghệ sĩ khác đều hiểu không thể không cổ phần hóa, nhưng tôi không thể tưởng tượng được tại sao hãng phim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, tồn tại hơn nửa thế kỷ bỗng bị “bán” cho một công ty lạc dòng nghệ thuật? Rồi họ sẽ lãnh đạo “anh cả" của điện ảnh nước nhà như thế nào?”. Điều làm NSND Trà Giang đau đớn nhất là tên gọi Hãng Phim Truyện Việt Nam sẽ bị “khai tử” mà thay vào đó là tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, NSND Minh Châu, NSND Phạm Nhuệ Giang, đạo diễn Đức Việt… cũng đều tỏ ra lo ngại cho tương lai của VFS-ngôi nhà chung của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội trong làng điện ảnh Việt. Tình cảm, tâm tư của các nghệ sĩ với Hãng Phim Truyện Việt Nam không phải không có cơ sở, bởi cứ nhìn vào người tiên phong trong công cuộc cổ phần hóa này là Hãng Phim Truyện 1 sau vài năm tỏ ra hăng hái rồi tồn tại… lay lắt. Tới giờ, hãng này vẫn phải sống nhờ các đơn đặt hàng “cứu đói” của Nhà nước!
Dẫu biết, cổ phần hóa là con đường ngắn nhất đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, hoạt động cầm chừng như hiện nay. Về mặt tình cảm, những người làm nghề không khỏi tiếc nuối, sợ rằng các hãng phim Nhà nước sẽ bị lãng quên. Nhưng đây sẽ là bước chuyển cần thiết. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc Hãng Phim Truyện Việt Nam nêu quan điểm, ông không phản đối việc cổ phần hóa vì đến thời điểm này, cơ cấu các hãng Nhà nước chắc chắn phải có sự thay đổi. Cổ phần hóa là chủ trương tất yếu nhưng lựa chọn một đơn vị duy trì tiếp con đường của Hãng Phim Truyện Việt Nam có truyền thống về sản xuất phim hơn nửa thế kỷ thì cần phải suy tính. “Trong bản cam kết của Vivaso với hãng phim có đưa các điều khoản sẽ tiếp tục sản xuất phim. Còn họ có coi đó là việc làm chính hay không lại là chuyện khác. Tất cả phụ thuộc vào cổ đông chính. Những người đấy mới quyết định vận mệnh của VFS”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói./.
Nguyễn Hoài (QĐND)