Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 25/9/2016 22:11'(GMT+7)

“Đại học khởi nghiệp” trong “quốc gia khởi nghiệp”

1. Một quan điểm rất mới của Đảng ta tại Đại hội XII là khởi xướng một tinh thần khởi nghiệp trong xây dựng và phát triển đất nước, đó là cần “tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững”(1). Theo đó, phải “hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước; tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường”(2). Đây thực sự là một chủ trương và cách nhìn mới nhằm khuyến khích và tạo lập một tinh thần khởi nghiệp cho cả dân tộc. Chính vì thế, chưa bao giờ cụm từ khởi nghiệp được nhắc đến nhiều như trong thời gian qua. Việc bàn luận và quan tâm đến khởi nghiệp hiện nay được hình thành như một sự thôi thúc hành động từ nhu cầu thực tiễn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, ở Việt Nam, năm 2016 là một năm hứa hẹn sự bùng nổ về những dự án, nhất là những cơ hội đến từ những tác động mạnh mẽ của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, thông qua hiệu ứng bởi các hiệp định hợp tác từ cấp độ Chính phủ đi vào hiệu lực, trong đó đáng chú ý là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA Liên minh kinh tế Á - Âu và một số hiệp định song phương và đa phương khác. Hơn thế nữa, năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt khi rõ ràng, hoạt động thương trường của nền kinh tế nước ta không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam với một phân khúc trong thị trường cho 90 triệu dân, mà doanh nghiệp đang bán hàng với phân khúc tương tự ở 9 quốc gia Đông Nam Á còn lại và 8 quốc gia thành viên khác tham gia TPP (12 quốc gia trừ 4 quốc gia nằm trong AEC đã tính)(3). Rõ ràng, nhu cầu thực tiễn như vậy đã và đang tác động đến việc hoạch định chiến lược phát triển của nước ta. Thêm vào đó, bài học kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia cũng đã đưa lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm, mà kinh nghiệm quý giá nhất chính là tinh thần khởi nghiệp quốc gia. “Quốc gia khởi nghiệp” như Ixraen đã bắt đầu từ tay trắng, với quyết tâm trở về miền đất hứa, và với sự hỗ trợ của cộng đồng Do Thái ở Mỹ. “Quốc gia khởi nghiệp” như nước Đức và Nhật sau thế chiến thứ II, bắt đầu từ sự phản tỉnh sâu sắc, tri thức khoa học kỹ thuật cùng với trình độ văn hóa cao. Các quốc gia đó đã biết vận dụng những yếu tố để làm nên thế mạnh của cộng đồng doanh nghiệp(4). Nói tóm lại, những nhu cầu nội tại từ thực tiễn, những xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng và những kinh nghiệm thành công của các quốc gia khởi nghiệp... đã và đang tác động đến tinh thần khởi nghiệp của người dân, doanh nghiệp và cả dân tộc ta. 

Ở Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp quốc gia cũng đã được bắt đầu và đang trở thành hiện thực hóa.  Với sự vào cuộc quyết liệt và đúng hướng theo tinh thần Đại hội XII, năm 2016 đã được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Đó là những cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm rõ tràng mà Chính phủ muốn kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Ngày 18-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, nhằm hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng xác định: “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu: Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Với quyết tâm cao, việc thông qua các nghị quyết và đề án này, Chính phủ mong muốn tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng đưa ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có chất lượng cao và có thể cung cấp ở thị trường trong nước và nước ngoài. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có thêm nhiều chính sách cụ thể thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp. Đó là nền tảng cho một hệ sinh thái khởi nghiệp đang hình thành và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Rõ ràng là, việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu Việt Nam có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 và các mục tiêu kinh tế đã đề ra. Song, thực tế đã cho thấy rằng, khởi nghiệp là một lộ trình dẫn đến thành công mà ở đó cơ chế chính sách chỉ là những tác nhân ngoại lực; sáng tạo mới là nội lực, động lực chính đưa sự nghiệp khởi sắc, phát triển(5).

2. “Quốc gia khởi nghiệp” là một khái niệm nhằm chỉ ra và định vị cho một quốc gia trong quá trình xây dựng, tồn tại và phát triển của mình. “Quốc gia khởi nghiệp” là một khái niệm hệ kép, hay nói một cách khác là có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất, theo giới học giả và nghiên cứu đã định danh cũng như thực tiễn của các nước trên thế giới cho chúng ta hiểu, khởi nghiệp là giai đoạn đầu trong sự phát triển của một quốc gia hay của một tổ chức nào đó (doanh nghiệp). Theo TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thì “khởi nghiệp –đó là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình”(6). Theo Neil Blumenthal – CEO của Công ty Warby Parker thì “một doanh nghiệp khởi nghiệp là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động để giải quyết một vấn đề còn chưa rõ ràng và thành công thì không được đảm bảo”(7). Theo nghĩa này, “quốc gia khởi nghiệp” là giai đoạn bắt đầu trong chuỗi phát triển liên tục của một quốc gia mà quốc gia đó thường phải trải qua 3 giai đoạn phát triển: giai đoạn khởi nghiệp (startup), giai đoạn cất cánh (take off) và giai đoạn thăng hoa (sublimation). Giai đoạn khởi nghiệp của một quốc gia là giai đoạn tìm đường và nhận đường để xây dựng, tồn tại và phát triển. Đây còn là giai đoạn tạo nền móng, tạo cơ sở, tạo tiền đề và điều kiện để có thể cất cánh và thăng hoa trong tương lai. Theo nghĩa thứ hai, trong giai đoạn khởi nghiệp, quốc gia đó phải dám đột phá, sáng tạo để phát triển. “Quốc gia khởi nghiệp là quốc gia dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro) nhằm phát triển kinh tế – xã hội”(8). Như vậy, tính dám làm, dám đột phá, dám sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong cách làm để phát triển đất nước là một trong những đặc trưng cơ bản của quốc gia khởi nghiệp. “Quốc gia khởi nghiệp chính là quốc gia dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công”(9).

Thực chất của giai đoạn bắt đầu trong chuỗi phát triển liên tục của một “quốc gia khởi nghiệp” đặt ra nhu cầu và đòi hỏi hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu là để phục vụ cho hoạt động sản xuất ứng dụng, triển khai và thực hành; song đồng thời lại phải mang tính mới, đột phá. Do vậy, ở giai đoạn này, “quốc gia khởi nghiệp” có nhu cầu về các lĩnh vực đào tạo: công nghệ thông tin (để sản xuất ra các sản phẩm trí tuệ, sản phẩm đột phá), luật học (để phục vụ việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Nhà nước, tổ chức và cá nhân), kinh tế học (để phục vụ cho quản lý hoạt động kinh tế, kinh doanh và dịch vụ), các ngành công nghệ - kỹ thuật (để phục vụ cho xây dựng hạ tầng và sản xuất sản phẩm tiêu dùng) và các ngành tham gia vào quản lý phát triển xã hội (quản lý về văn hóa – khoa học – giáo dục, quản lý đô thị, quản lý môi trường, quản lý các vấn đề xã hội...). Đây chính là những lĩnh vực và những ngành chủ yếu mà “quốc gia khởi nghiệp” cần, qua đó góp phần và phục vụ trực tiếp cho xây dựng, quản lý và triển khai hiện thực hóa một “quốc gia khởi nghiệp”.

 Thực chất của “quốc gia khởi nghiệp” với đặc trưng là dám đầu tư cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo thì lại đòi hỏi ngành giáo dục – đào tạo phải góp phần và giúp cho quá trình “khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, gắn với kết quả của các nghiên cứu và hình thành các công nghệ được đưa vào phương án sản xuất và kinh doanh”(10). Từ đó, thuật ngữ “đại học khởi nghiệp” xuất hiện và được tiếp cận và quan niệm là mục tiêu phục vụ cho “quốc gia khởi nghiệp”. Theo đó, “đại học khởi nghiệp” phải “đưa nội dung đào tạo khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy tại trường đại học, mở rộng các loại hình đào tạo về kiến thức khởi nghiệp cho các bạn trẻ để khi mong muốn khởi nghiệp sẽ có kỹ năng, kiến thức, được những người đã thành công trong xã hội và cộng đồng khởi nghiệp giúp đỡ”(11). Điều đó có nghĩa là, “đại học khởi nghiệp” phải cung cấp cho người học về tâm thế (tinh thần) khởi nghiệp, kiến thức khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp.

Về tâm thế (tinh thần) khởi nghiệp, “đại học khởi nghiệp” phải làm cho người học hiểu được: lựa chọn con đường kinh doanh để khởi nghiệp là lựa chọn một con đường gian khổ, lựa chọn sự rủi ro cao, lựa chọn con đường đầy thách đố; song là sự lựa chọn đầy trách nhiệm. Về kiến thức khởi nghiệp, “đại học khởi nghiệp” phải cung cấp và giúp cho người học những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp mà ở đây, quan trọng nhất là kiến thức về một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với một số thành phần cơ bản là: Nhà nước (Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo); các nhóm “start up” (đây chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo); các nhà đầu tư (các quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư quản lý nguồn vốn, sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý và tư vấn kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro); các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp sáng tạo (đây được hiểu là nơi tạo ra các dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình hoạt động). Việc cung cấp và đào tạo kiến thức khởi nghiệp là rất quan trọng vì “muốn trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, việc tạo lập và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành phần như trên là điều bắt buộc và không dễ dàng, nhất là khi chúng ta còn đang chập chững bước vào nền kinh tế thị trường”(12). Đi liền với đó, các kỹ năng mà “đại học khởi nghiệp” cần đào tạo là, kỹ năng nền tảng (kiến thức và hiểu biết chuyên môn sâu), kỹ năng cứng (kiến thức và kỹ năng thực hành thực tế), kỹ năng mềm (biết tổ chức, hợp tác, giao tiếp, tiếp thị, làm việc nhóm...),  kỹ năng trí tuệ (thiết lập và tạo ý tưởng, thay đổi tư duy và tầm nhìn, xây dựng chiến lược kinh doanh, hoạt động...), kỹ năng hội nhập quốc tế (kiến thức hội nhập và kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ)...

3. Để thích hợp, đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu và những vấn đề đặt ra của một “quốc gia khởi nghiệp” như trên đã trình bày, theo chúng tôi, “đại học khởi nghiệp” cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, để có cơ sở định hướng cho quá trình triển khai nghiên cứu khoa học cũng như để phục vụ cho quá trình đào tạo trong giai đoạn khởi nghiệp, thì điều đầu tiên là đại học đó phải xác lập được triết lý đào tạo riêng của mình.

Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là, khá nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được thiết kế, xây dựng, hình thành, vận hành và hoạt động trong thực tế nhưng lại thiếu vắng sự thể hiện chính thức các tư tưởng (giá trị cốt lõi) có tác dụng chỉ đạo và định hướng toàn bộ các hoạt động có liên quan trong môi trường giáo dục của cơ sở đào tạo, mà ở đây chính là tuyên bố của nhà trường về triết lý đào tạo. Tuyên bố này phản ánh các giá trị mà nhà trường theo đuổi; đó là sự cam kết của nhà trường trước người học và xã hội về lý do tồn tại và phát triển của nhà trường, phản ánh sự dấn thân không mệt mỏi của tất cả các thành viên, tổ chức trong cơ sở đào tạo để hiện thực hóa và khẳng định các giá trị ấy trong thực tế; đó là nền móng cơ bản định vị chất lượng đào tạo và tạo ra sự phát triển bền vững của nhà trường. Quan trọng hơn, các giá trị (có thật) ấy được thể hiện trong triết lý đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mang lại niềm tin và sự tự hào của sinh viên với tư cách là thành viên(13).

Trên thế giới, các cơ sở đào tạo có danh tiếng đều có triết lý phát triển (đào tạo) và nhờ đó đã lập nên thương hiệu của mình. Chẳng hạn, triết lý đào tạo này được thể hiện trong một số đại học nổi tiếng thế giới như Đại học Harvard (chiếc nôi đào tạo những nhà lãnh đạo thế giới), Đại học Yale (sự phụng chân lý) và một số đại học đẳng cấp quốc tế khác. Bởi vậy, trong giai đoạn khởi nghiệp, điều trước hết và quan trọng nhất là phải từng bước định vị nhà trường (qua tuyên bố về triết lý đào tạo) để từ đó có thể định hướng nghiên cứu khoa học cho nhà trường để sao cho hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường góp phần tổ chức thực hiện triết lý đào tạo trong quá trình hoạt động và khẳng định vị thế của trường.

Hai là, trong “đại học khởi nghiệp”, việc nghiên cứu khoa học đóng một vai trò rất quan trọng vì nó góp phần định hướng và tạo nền tảng để cho đại học khởi nghiệp có thể hoạt động và phát triển. Do vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của “đại học khởi nghiệp” cần chú ý một số điểm sau:

Do tính chất và yêu cầu của quốc gia khởi nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường khởi nghiệp thường tập trung vào nghiên cứu khoa học để phục vụ việc góp phần nâng tầm trí tuệ, tư duy và phương pháp giảng dạy của người thầy; đồng thời, để nâng cao tính tích cực, chủ động, tính sáng tạo, phương pháp mới trong học tập, rồi việc lựa chọn, tìm kiếm kỹ năng và nghiệp vụ làm việc sau này của sinh viên. Tất nhiên, trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, việc định hướng như trên không loại trừ, mà còn khuyến khích các nhà khoa học của nhà trường có thể tham gia vào các hướng hoạt động nghiên cứu khoa học khác, miễn là họ có thể và có điều kiện tham gia với bên ngoài.

Do yêu cầu đột phá và sáng tạo, cần phải thu hút giới nghiên cứu khoa học từ ngoài trường. Các trường đại học khởi nghiệp ở giai đoạn đầu đều thiếu những chuyên gia đầu đàn, thiếu những nhà khoa học chuyên nghiệp, do đó họ đều hiểu rõ con người là nhân tố quyết định cho thành công. Ở các nước phát triển, các trường đại học khởi nghiệp có tiềm lực, một mặt họ đầu tư tài chính để lôi cuốn được những giáo sư quốc tế đến công tác hoặc hợp tác với khoa học trong nước, mặt khác, họ có chủ trương thu hút những trí thức trong nước đã được đào tạo từ các nước phương Tây về nước nghiên cứu và giảng dạy. Hơn thế nữa, trong quá trình nghiên cứu khoa học này, không chỉ đầu tư thu hút giảng viên và nhà nghiên cứu bên ngoài, mà điều cũng rất quan trọng là, phải nỗ lực thu hút sinh viên cùng tham gia quá trình nghiên cứu để sinh viên hiểu thêm về triết lý đào tạo của nhà trường, đồng thời cũng nâng cao tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập.

Cần phải đưa các môn về kỹ năng nghiên cứu khoa học với nội dung cập nhật vào giảng dạy ở mọi cấp bậc đào tạo ở đại học khởi nghiệp. Cần xây dựng chương trình giảng dạy về phương pháp nghiên cứu khoa học để sinh viên hiểu và có thể tham gia vào nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, có thể và cần phải bồi dưỡng và đào tạo lại về phương pháp nghiên cứu khoa học cho mọi giảng viên của trường. Có thể yêu cầu mọi giảng viên phải có chứng chỉ về phương pháp nghiên cứu khoa học đạt chuẩn mới được đứng lớp. Trong chương trình dạy, giảng viên cần tăng cường yêu cầu sinh viên viết tiểu luận theo đúng cách viết bài nghiên cứu.

Như vậy, cả giáo viên và sinh viên sẽ có điều kiện thực tập viết bài, chuẩn bị cho nghiên cứu khoa học sau này(14).

Cần phải có cơ chế tuyển chọn và bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học hợp lý và hấp dẫn. Đây là vấn đề then chốt trong việc khuyến khích giảng viên, các nhà nghiên cứu đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ở các trường đại học Việt Nam, ngày càng có nhiều cán bộ nghiên cứu có khả năng và được đào tạo từ những trường có uy tín ở nước ngoài cũng như ở trong nước. Nhưng, hiện nay, một vấn đề đáng lo ngại là các cán bộ giảng dạy chưa mặn mà với hoạt động nghiên cứu khoa học mà một trong những lý do chính là ở các trường đại học chưa có cơ chế tuyển chọn và bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học hợp lý và hấp dẫn.

Cần phải có chính sách khen thưởng thỏa đáng: các trường đại học khởi nghiệp của các nước đều có chính sách đãi ngộ, thưởng cũng như hình thức khuyến khích tài chính cho các nhà khoa học có công trình công bố trên các tập san quốc tế uy tín cao. Chẳng hạn, Trường Đại học Y Quảng Đông (Trung Quốc) đã có chính sách thưởng tiền đáng kể cho các nhà khoa học nếu họ công bố công trình trên các tập san quốc tế uy tín có chỉ số ảnh hưởng cao và thậm chí lên tới 32.000 USD ở cho bài công bố đăng trên Nature hay Science(15). Và theo chúng tôi, hiện nay, cùng với cơ chế tuyển chọn và bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học chưa hợp lý và hấp dẫn thì chính sách khen thưởng thỏa đáng đã và đang là những yếu tố chưa động viên, khuyến khích và là “lực hấp dẫn” đội ngũ giảng viên các trường đại học tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Như vậy, việc nhận diện các yếu tố cần có cho một “đại học khởi nghiệp” sẽ là điều kiện tiên quyết giúp cho nhà trường xác định và lựa chọn được những hướng đi đúng để đưa trường đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn, có hiệu quả và thiết thực hơn cho việc xây dựng “quốc gia khởi nghiệp”. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ thành một “quốc gia khởi nghiệp” giống như những “quốc gia khởi nghiệp” trên thế giới. “Ixaren được gọi là “quốc gia khởi nghiệp”, và khi nhắc đến đất nước này người ta chỉ có thể thốt lên rằng: đó là một nền kinh tế thần kỳ. Khắp nơi trên đất nước Ixraen, người ta đều thấy một tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Ixraen là đất nước chấp nhận sự thất bại trong kinh doanh, coi thành công là kết quả của sự thất bại, vì quốc gia này tự coi mình là “đất nước được hồi sinh”, không xét theo ý nghĩa tôn giáo. Vậy nên, luật pháp và các quy định về phá sản và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp đều thuận lợi, cởi mở. Thay vì ngồi nghĩ về những thất bại, người Ixraen luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội của tương lai. Văn hóa của họ nằm ở 3 yếu tố then chốt: có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Câu chuyện thần kỳ của nền kinh tế Ixraen không đơn giản chỉ là câu chuyện của một dân tộc mãnh liệt, của tinh thần doanh nhân chiến đấu, mà còn là những chính sách hiệu quả và linh hoạt của công tác quản lý nhà nước”(16). Đó là một quốc gia đi tiên phong trong khởi nghiệp đáng để nhiều nước suy ngẫm./.

PGS.TS. Ngô Đình Xây

____________

(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2016, tr.75-76, tr.270.

(3) Xem: Nguyễn Đặng Tuấn Minh (Giảng viên Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội & Đồng Sáng lập KisStartup): Khởi nghiệp 2016: Một vài góc nhìn và gợi ý. Dẫn theo theo  http://Tiasang.com.vn/  

(4) Theo thesaigontimes.vn. Dẫn lại theo http://khoinghieptre.vn/

(5) Phan Nam: Việt Nam Quốc Gia Khởi nghiệp, cần thêm những gì? / Theo Enternews.vn. Dẫn lại theo http://khoinghieptre.vn/    

 (6) (7) (8) (9) (12) (16) TS. Nguyễn Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ): Việt Nam có trở thành Quốc gia khởi nghiệp? Theo Most/Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

(10), (11) Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Để khởi nghiệp tại Việt Nam không phải là phong trào. Dẫn theo Thanh Hà, Tuổi trẻ Online 19-6-2016.  (http://khoinghieptre.vn/)  

(13) Xem: Nguyễn Thành Nhân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM):  Tính tích cực học tập của sinh viên từ góc nhìn quản lý (Nguồn: http://vef.vn/2010-12-17-sinh-vien-viet-nam-phai-vuot-qua-benh-thu-dong).

(14), (15) Xem: Lương Hoài Nam : Vì sao nghiên cứu khoa học ở Việt Nam yếu kém??? (https://vi-vn.facebook.com/ (30-7-2014). 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất