Thứ Tư, 25/12/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 31/3/2015 21:2'(GMT+7)

Đại học Quốc gia Hà Nội: Đạt tối thiểu 70 điểm mới có cơ hội đỗ

Thí sinh dự thi đại học năm 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thí sinh dự thi đại học năm 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sẽ có 7 điểm thi

Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất trên cả nước tổ chức kỳ thi tuyển sinh hoàn toàn riêng biệt.

Theo đó, thí sinh muốn dự tuyển vào trường phải tham dự bài thi đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính với 180 câu hỏi. Các câu hỏi chia làm bốn hợp phần. Hai hợp phần bắt buộc là toán và văn, mỗi phần 50 câu hỏi, và hai hợp phần tự chọn là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, mỗi phần 40 câu hỏi. Tổng số câu hỏi thí sinh phải làm là 140 câu tương đương với 140 điểm, thời gian làm bài là 195 phút.

Thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên sẽ đủ điều kiện để xét tuyển vào trường. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, mức điểm trúng tuyển thực tế có thể sẽ cao hơn.

Riêng các thí sinh dự thi vào trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ phải dự thi thêm bài thi môn ngoại ngữ (là một trong các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nga, Trung) theo hình thức thi trắc nghiệm trên giấy. Thời gian làm bài là 90 phút với 80 câu hỏi.

Trường tổ chức thi tại 7 địa điểm trên cả nước, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (Nam Định), trường Cao đẳng Kinh tế-Tài chính Thái Nguyên (Thái Nguyên), Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Vinh (Nghệ An), Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Đà Nẵng). Địa điểm dự thi của thí sinh sẽ được trường ghi trên giấy báo dự thi.

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hai đợt thi. Đợt một, nhận hồ sơ từ ngày 25/3 đến 15/4, thi vào các ngày 30 và 31/5. Đợt hai, nhận hồ sơ từ ngày 20/6 đến 10/7, thi trong các ngày 1 và 2/8.

Thí sinh có thể đăng ký dự thi theo ba hình thức: đăng ký trực tuyển trên cổng thông tin điện tử của trường, gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tiếp tại trường. Lệ phí dự thi bài thi đánh giá năng lực là 100.000 đồng/hồ sơ, bài thi môn ngoại ngữ là 35.000 đồng/hồ sơ.


Thí sinh có thể dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội ở 7 điểm thi khác nhau. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Ưu tiên… “gà nhà”

Các trường của Đại học Quốc gia Hà Nội đều dành 3% tổng chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh là học sinh trung học phổ thông chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc trung học phổ thông cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và học sinh có ba năm trung học đều là học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt.

Thí sinh tham dự bài thi đánh giá năng lực, đạt điểm đỗ vào trường nhưng không đủ điểm vào ngành đăng ký nguyện vọng một sẽ được xét tuyển nguyện vọng hai, ba vào các ngành còn chỉ tiêu.

Tất cả các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đều phải xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực. Riêng Khoa Quốc tế được ngoại lệ khi được phép xét tuyển thí sinh dựa trên điểm Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Tuy nhiên, việc xét tuyển này chỉ áp dụng ở nguyện vọng 2, nếu việc xét tuyển nguyện vọng một (dựa trên điểm bài thi đánh giá năng lực) không đủ chỉ tiêu.

Trường sẽ xét tuyển theo ba tổ hợp gồm Toán-Lý-Hóa, Toán-Lý-Tiếng Anh và Toán-Văn-Tiếng Anh. Điểm xét tuyển sẽ cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với từng khối thi tương ứng là 3 điểm.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, phương thức tuyển sinh này sẽ giúp trường tuyển chọn được những thí sinh có chất lượng và phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường. /.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất