Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/3/2015 8:36'(GMT+7)

Đồng thuận xã hội, khắc phục sức ỳ để đổi mới giáo dục - đào tạo

1. Là quốc gia thành viên của WTO và năm 2015 khi ASEAN trở thành thị trường chung, thống nhất thì giáo dục của Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn với những đòi hỏi “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thực sự. Việt Nam đang hướng tới một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tương lai không xa phải có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Vì vậy, ngay lúc này phải nhanh chóng khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về giáo dục; tuân theo một số quy tắc cơ bản của Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ (GATS) để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.

Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” ban hành từ ngày 4-11-2013 đến nay đã hơn một năm triển khai thực hiện. Trước những cơ hội và thách thức, những quan điểm lớn của Nghị quyết cùng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp không chỉ là đường hướng, lối ra cho nền giáo dục mà còn là nhiệm vụ bắt buộc toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế vừa là thời cơ, vừa là thách thức lớn. Việt Nam nói chung và nền giáo dục nước nhà nói riêng càng có nhiều điều kiện thuận lợi trong hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, học hỏi những mô hình hay, những thành công của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực, áp lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có cạnh tranh về giáo dục ngày càng cao, đặc biệt từ năm 2015 - khi ASEAN trở thành một khối thống nhất. Đến năm 2018, nhiều điều khoản của cam kết WTO chính thức được thực thi theo tiêu chuẩn chung, khi đó cũng đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo những áp lực phải thay đổi, phát triển, nếu không sẽ tụt hậu và đó cũng được coi là cơ hội trong phát triển.

Thành tựu gần 30 năm đổi mới của đất nước với những thành công và hạn chế trong phát triển giáo dục và đào tạo những năm vừa qua là những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm quý giá cho sự phát triển tiếp theo thời gian tới. Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, không chịu chấp nhận nghèo khó, người dân có truyền thống hiếu học, trình độ dân trí ngày càng cao, nhu cầu và điều kiện hỗ trợ cho sự phát triển giáo dục nói chung của xã hội và từng gia đình ngày một lớn mạnh là những yếu tố quan trọng đưa ngành giáo dục và đào tạo nước nhà ngày càng phát triển.

Trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ XII của Đảng, từ năm 2016, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Sự chuyển đổi đó,  yêu cầu nâng cao về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao nhằm đáp ứng sức cạnh tranh của nền kinh tế luôn coi trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Việc thúc đẩy nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh thổ quốc gia... cũng trở thành nhiệm vụ cấp bách trong giáo dục và đào tạo. 

Khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29, trước tiên cần làm rõ những mâu thuẫn lớn đối với giáo dục nước ta hiện nay. Đây là các vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới việc lựa chọn giải pháp đột phá, xác định lộ trình và bước đi cụ thể trong thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo. Có thể xác định các mâu thuẫn cơ bản như sau:

Một là, yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo ngày càng cao nhưng đầu tư xã hội chưa theo kịp, tạo nên sự mất cân đối nặng nề giữa nguồn lực với nhiệm vụ, cần được xác định đây là những điểm nút để tập trung tháo gỡ. 

Hai là, số lượng, chỉ tiêu giáo dục và đào tạo ngày càng tăng, trong khi các điều kiện bảo đảm chất lượng luôn luôn thiếu và thấp kém, là nguy cơ làm giảm chất lượng nguồn nhân lực. Nếu tiếp tục tăng số lượng mà không chú ý đến chất lượng, hiệu quả và cơ cấu ngành nghề, vùng miền thì giáo dục và đào tạo ở nước ta sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, mô hình nhà trường đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu vì sự phát triển giáo dục trên thế giới luôn phát triển và diễn ra rất nhanh chóng.

Ba là, điều kiện dạy và học hạn chế, trong khi yêu cầu chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, dẫn đến một số hệ lụy khó tránh khỏi như nảy sinh các hiện tượng tiêu cực trong nhà trường, làm cho môi trường giáo dục, đào tạo luôn bị vẩn đục và ô nhiễm, như chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, dạy thêm, học thêm, bệnh thành tích... Nước ta vẫn là nước nghèo, bình quân thu nhập thấp, khả năng đóng góp của người dân có hạn, trong khi ngân sách hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục. Do đó, cần sự nỗ lực chia sẻ trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Bốn là, phương pháp giảng dạy nhìn chung còn lạc hậu, chậm thay đổi, dạy theo lối nhồi nhét kiến thức của một nền giáo dục ứng thí (thi cử); phương pháp dạy học hiện đại, giúp cho người học biết cách tự học, nâng cao năng lực chưa được cập nhật thường xuyên. Bộ phận không nhỏ giáo viên, cán bộ quản lý không đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong khi công nghệ thông tin phát triển, tri thức của nhân loại thay đổi nhanh chóng. Thực tiễn đòi hỏi đổi mới khâu đánh giá, kiểm định chất lượng, hình thức tổ chức thi. Cơ cấu chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cũ làm cho sản phẩm giáo dục kém chất lượng; một bộ phận không nhỏ yếu cả về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức xã hội, thậm chí cả phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu ước mơ và hoài bão.

Năm là, nội dung cần học ngày càng nhiều, nhưng thời gian quy định cho một khóa học không thể kéo dài. Chương trình muốn toàn diện nhưng khả năng của người học đã quá tải; mối quan hệ giữa dạy chữ và dạy người trong giáo dục hiện nay; vấn đề tăng kỹ năng thực hành, phẩm chất người học với nội dung chương trình, mô hình nhà trường, điều kiện và lộ trình thực hiện... đang ngày càng trở nên gay gắt. Nếu không giải quyết nhanh thì nền giáo dục nước nhà ngày càng trở nên chật hẹp, chắp vá.

Sáu là, sức ỳ giáo dục lớn, trong khi xã hội phát triển nhanh, những yêu cầu phát triển kinh tế theo chiều sâu, tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đang ngày càng trở nên cấp bách. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần phải làm đồng bộ, làm nhanh và chắc chắn, khoa học trong khi nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường, xã hội, của người dạy và người học chưa thực sự đá p ứng yêu cầu đó. Nếu đẩy nhanh quá trình thực hiện thì thiếu nguồn lực và nếu không thận trọng, duy ý chí sẽ dẫn tới sự đổ vỡ. Vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nhưng kết quả thực hiện còn hết sức hạn chế.

Những mâu thuẫn nêu trên đang diễn ra cực kỳ gay gắt nhưng bản thân ngành giáo dục và đào tạo không thể tự giải quyết. Đó là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội phải cùng chung sức thực hiện.

Trong đó, cần nhận diện rõ những nguyên nhân, điểm nghẽn đang cản trở giáo dục và đào tạo hiện nay là:

Thứ nhất, thiếu thống nhất trong thể chế, trong hệ thống quản lý giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục nước ta vẫn đang trong tình trạng phân tán, trách nhiệm thuộc nhiều bộ ngành, địa phương gây ra sự chồng chéo, ách tắc, khó kiểm soát các hoạt động giáo dục; sự phân cấp không rõ ràng, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm không cao.

Thứ hai, chưa tạo động lực đủ mạnh để phát triển giáo dục và đào tạo: người dạy chưa đủ động lực, năng lực, phẩm chất để dạy có chất lượng; người học chưa thật sự có động cơ, động lực đúng đắn trong học tập. Việc sử dụng, đánh giá, đãi ngộ của Nhà nước, xã hội, cơ quan, doanh nghiệp chưa tương xứng, thiếu công bằng không tạo được sự đam mê, hứng thú trong giáo dục và đào tạo, cả phía nhà trường lẫn đối tượng học tập.

Thứ ba, cơ chế quản lý tài chính thiếu minh bạch, rắc rối, phân tán, khó kiểm soát các nguồn vốn dành cho giáo dục. Sự bất hợp lý trong cơ chế quản lý tài chính đã làm cho giáo dục không đánh giá được hiệu quả đầu tư và điều tiết nguồn vốn đầu tư cho phù hợp. Nhiều hiện tượng tiêu cực, sức ỳ trong giáo dục và đào tạo vẫn tiếp tục diễn ra và khó khắc phục.

Nếu giải quyết triệt để, đồng bộ những điểm nghẽn nêu trên, chúng ta sẽ khắc phục được một nền giáo dục ứng thí, kém chất lượng và ít sáng tạo.

2. Qua phân tích các nội dung trên, từ đặc điểm thực tiễn hiện nay, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần tập trung vào bốn giải pháp có tính chất đột phá như sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ngành giáo dục trong việc quán triệt các quan điểm của Nghị quyết 29. Điều này, đòi hỏi phải đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội, khắc phục sức ỳ của quá khứ, cũng như tránh sự chủ quan, nóng vội trong quá trình thực hiện.

Hai là, đột phá về thể chế giáo dục trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng mới. Đổi mới đòi hỏi cách làm mới trong toàn bộ nền giáo dục quốc dân, từ cơ chế chính sách, cơ chế quản lý, hệ thống luật pháp... Nhà nước làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo chiến lược, xây dựng khuôn khổ pháp luật, khắc phục những tác động của mặt trái cơ chế thị trường đối với giáo dục, hỗ trợ (kể cả hoạt động đào tạo và nghiên cứu) cho những ngành mà xã hội cần mà không hấp dẫn người học; những ngành nghề trọng yếu quốc gia; những người thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa; đào tạo bồi dưỡng sinh viên tài năng, tạo nguồn nhân tài cho đất nước.

Ba là, thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, thích ứng với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà nước giữ vững vai trò quyết định trong việc quản lý và điều tiết vĩ mô, từng bước giảm sự can thiệp trực tiếp vào những hoạt động cụ thể của từng cơ sở giáo dục và đào tạo. Tạo môi trường thuận lợi, sân chơi bình đẳng trong giáo dục và đào tạo.

Bốn là, đột phá về một kỳ thi quốc gia được chuẩn bị chu đáo, khoa học, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả kỳ thi mà không gây áp lực và đỡ tốn kém cho học sinh và xã hội. Trong đó, có tính đến đặc thù trước mắt và lâu dài, phù hợp với lộ trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo những giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết 29 đòi hỏi phải có lộ trình, được tính toán một cách khoa học, tỉ mỉ, có bước đi phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn (tính đến cả vùng, miền, khu vực) tránh chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Cùng với việc triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29, các cơ quan chức năng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai hàng loạt nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, bước khởi đầu có ý nghĩa rất quan trọng; đặc biệt là xác định lộ trình, bước đi, giải pháp đột phá, tạo ra sự chuyển biến mới rõ rệt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo niềm tin trong nhân dân./.

 

PGS.TS. Phạm Văn Linh

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất