Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 31/3/2015 14:36'(GMT+7)

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông các môn xã hội trong nhà trường

Sáng nay (31-3), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông các môn xã hội. Mục tiêu của buổi tọa đàm là cung cấp những dữ liệu về thực trạng và hạn chế, bất cập trong việc dạy các môn xã hội ở phổ thông trung học. Từ đó, định hướng và đề xuất các giải pháp về việc dạy và học các môn xã hội này.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu ý kiến về đổi mới dạy học lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam sau năm 2015, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho biết, sách giáo khoa phổ thông hiện hành gần như tóm tắt sách sử của  người lớn để cho học sinh học. Chương trình đồng tâm của môn Lịch sử chưa sâu, chưa thực sự nâng cao về nhận thức, trình độ học sinh mà lên Trung học phổ thông, các em lại phải học lại những nội dụng đã học ở Trung học cơ sở. Mặc dù đã có phần chuẩn kiến thức, kỹ năng nhưng vẫn chưa thể hiện được rõ mức độ cần đạt. Cấu trúc chương trình sách giáo khoa chưa thật cân đối giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực, giữa các nội dung về chính trị với kinh tế, văn hóa, xã hội.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đề nghị lịch sử cần là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Đổi mới chương trình theo hướng chuyển từ cách tiếp cận nội dung truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực học sinh phổ thông. Môn lịch sử cần phải trở thành một trong những môn học nền tảng suốt đời. Chương trình và sách giáo khoa lịch sử có nhiệm vụ chủ yếu là góp phần giáo dục phẩm chất và năng lực con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Xây dựng mới “hoạt động ngoại khóa sáng tạo” của môn Lịch sử trên cơ sở kết hợp hoạt động theo khả năng hiện có như dạy học ở di sản, bảo tàng lịch sử, gặp gỡ nhân chứng lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Hữu Chí cũng đề nghị rằng, cần phải chú trọng hơn đến phát triển năng lực của học sinh trong khi thời gian học tập ở nhà trường không tăng. Điều này đòi hỏi phải giảm thời lượng dành cho truyền thụ kiến thức, tăng thời lượng nhiều hơn cho học sinh hoạt động tự lập, sáng tạo theo phương châm “giảng ít, học nhiều”.

Về thực trạng của môn văn học, theo PGS. TS Đỗ Ngọc Thống (Bộ Giáo dục – Đào tạo), phần lớn học sinh trong nhà trường phổ thông, nhất là học sinh trung học đang dần chán học bộ môn này, học với một tâm lý ép buộc, miễn cưỡng, học cho xong. Hơn thế, áp lực bối cảnh xã hội hiện đại và xu thế thực dụng trong việc lựa chọn ngành nghề, công việc để thăng tiến và đảm bảo cuộc sống, mưu sinh của người học. Chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn chưa hấp dẫn, thiết thực, chưa đáp ứng được nhu cầu và sở thích của người học.

Tư tưởng đổi mới quan trọng nhất đối với môn học là: chuyển từ nội dung sang phát triển năng lực, năng lực văn học thể hiện mang tính chất công cụ, làm thế nào để học sinh phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Về thực trạng dạy và học môn giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông hiện nay, nhà giáo Đào Đức Doãn (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức – công dân hiện hành đã có những ưu điểm so với với chương trình, sách giáo khoa trước đó.

Phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, chương trình, sách giáo khoa hiện này đặt ra mục tiêu kiến thức quá cao, không phù hợp với năng lực và tâm lý nhận thức của học sinh phổ thông. Kiến thức về pháp luật, triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học ở nhiều bài học trong sách giáo khoa còn khô khan, trừu tượng, khó hiểu, tạo áp lực cho việc dạy và học. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu, chủ yếu tiến hành trong phòng học.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đề nghị các chuyên gia, các nhà giáo tiếp tục nghiên cứu về nội dung đã đặt ra và tập trung vào trả lời các câu hỏi: Mục tiêu giáo dục sẽ góp phần xây dựng con người như thế nào? Mỗi môn học sẽ có nhiệm vụ gì, tác động vào khía cạnh nào trong việc xây dựng con người? Từ đó, hướng tới sẽ đổi mới như thế nào trong quá trình dạy và học các môn xã hội ở phổ thông trung học.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất