Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học
tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo; phải là nơi
thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học,
nghiên cứu và giảng dạy; phải là “một thành phố đại học hiện đại”, nơi
ươm mầm tài năng của đất nước hôm nay và mai sau, đặc biệt chú trọng
khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức
phục vụ cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.
Sáng 3/10, tại TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM Minh tổ chức Lễ khai khóa
2016. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và mang theo thông điệp “Cuộc
cách mạng Công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức
phi truyền thống”.
Lễ Khai khóa là chương trình truyền
thống của Đại học Quốc gia TPHCM, được tổ chức thường niên vào đầu năm
học mới nhằm khơi dậy niềm tự hào trong sinh viên nhà trường, nâng cao
tinh thần trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện chiến lược phát
triển Đại học Quốc gia TPHCM.
Năm học 2016-2017, Đại học Quốc gia TPHCM muốn gửi đến xã hội những
thông điệp về năm học mới nhiều thành công với chủ đề “Chương trình đào
tạo - hiện đại, liên thông, hội nhập”.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nhấn mạnh cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản
phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất-giá trị.
Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi mạnh
mẽ của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài
người.
Thời cơ mới cho đất nước hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn
Chủ tịch nước cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát
triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri
thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu, đang tạo ra
thời cơ mới cho đất nước hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền
kinh tế thế giới. Do điều kiện chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử, đất
nước đã không có cơ hội để tiếp cận và bắt nhịp ngay từ đầu cuộc cách
mạng công nghiệp lần thứ ba. Việc thế giới mới khởi phát cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam không có được
trong suốt 30 năm qua để nhanh chóng đón bắt, tiến thẳng vào lĩnh vực
công nghiệp mới; tranh thủ các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến để
đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu
hẹp khoảng cách phát triển. Đi cùng với đó, đất nước cũng phải đối mặt
với những thách thức to lớn.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ
thông ở nước ta sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang
tăng tốc ở các nước phát triển. Nhóm ngành công nghiệp chế tạo sẽ phải
chịu tác động mạnh nhất, bởi những đột phá về công nghệ đang làm đảo
ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do
lợi thế lao động giá rẻ giảm mạnh. Chủ tịch nước dẫn chứng báo cáo của
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố tháng 7/2016 cho thấy, Việt Nam
có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao
mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư đem lại. Tỉ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số
thiệt hại tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép lại là các ngành
đang tạo việc làm cho nhiều lao động.
Nhấn mạnh tiềm năng phát triển của đất nước còn rất lớn, Chủ tịch nước
Trần Đại Quang lưu ý, đất nước vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu dân số
vàng, song thách thức đặt ra là làm sao tranh thủ phát huy tối đa và
hiệu quả các tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư. Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được
các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển
với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại. Ngược lại, nếu không có chiến lược phù hợp
thì sức ép đối với phát triển của Việt Nam còn lớn hơn nhiều, khoảng
cách với các nước phát triển sẽ ngày càng tăng.
Thách thức an ninh phi truyền thống
Trong những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt
ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề cập tới thách thức an ninh phi
truyền thống, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng - một trong những thách
thức an ninh phi truyền thống có nguy cơ đe dọa lớn đến an ninh của các
quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch nước cũng chỉ rõ,
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết của
việc “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi
truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”.
Theo Chủ tịch nước, tình hình an ninh mạng trên thế giới diễn biến ngày
càng phức tạp với hàng loạt chiến dịch gián điệp, tấn công mạng của tin
tặc nhằm vào những cơ quan, tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn... Hoạt động
sử dụng không gian mạng để tuyển quân, truyền bá tư tưởng khủng bố, cực
đoan đã, đang và sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến an ninh các quốc
gia. Chiến tranh mạng đã xuất hiện và được sử dụng vào mục đích chính
trị, quân sự. Tình báo mạng trở thành con đường ngắn nhất để đi tắt đón
đầu, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia... Trước
bối cảnh này, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển
Internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet
ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn
những yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế
lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, Internet để
tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình,
gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở
nước ta.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, một luận điểm cực kỳ quan trọng
cần thấu suốt, đó là công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin
quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của
toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc
đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các
ngành. Chủ tịch nước cũng lưu ý việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả
chiến lược tổng thể, toàn diện, phát triển công nghệ về bảo đảm an ninh,
an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam; sử dụng đồng bộ các giải
pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế,
chính sách, pháp luật thuận lợi cho hoạt động bảo đảm an ninh, an toàn
thông tin, an ninh mạng, phục vụ phát triển công nghệ thông tin, kinh
tế-xã hội; phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ
thông tin nói chung và lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng
nói riêng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về an ninh, an toàn thông
tin; tiếp thu những thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến của thế giới,
tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm về an ninh, an
toàn thông tin, an ninh mạng, góp phần xây dựng không gian mạng lành
mạnh, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên
Đại học Quốc gia TPHCM là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa
học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và
đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực với 35 đơn vị thành
viên và trực thuộc, trong đó có 6 trường đại học hàng đầu phía Nam, 1
viện nghiên cứu thành viên và 28 đơn vị trực thuộc hoạt động ở 5 lĩnh
vực: Khoa học, Công nghệ, Xã hội, Kinh tế và Khoa học sức khỏe.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học
tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục-đào tạo; phải là nơi
thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học,
nghiên cứu và giảng dạy; phải là “một thành phố đại học hiện đại”, nơi
ươm mầm tài năng của đất nước hôm nay và mai sau, đặc biệt chú trọng
khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên, phát triển và đem tri thức
phục vụ cộng đồng một cách thiết thực, hiệu quả.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, chất lượng giáo dục-đào tạo có mối quan hệ mật
thiết với chất lượng nghiên cứu khoa học và sự kết nối với các doanh
nghiệp. Vì vậy, Đại học Quốc gia TPHCM cần tạo điều kiện để giảng viên,
các nhà khoa học và sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học,
phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với quá trình sản
xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh
nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các nước trong khu vực và
trên thế giới; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành
mạnh, góp phần hình thành nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử chuẩn mực
ở cả giảng viên và sinh viên.
Theo TTXVN