Thứ Ba, 26/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 2/5/2011 16:33'(GMT+7)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với vấn đề mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như vậy đã đưa tới những chủ trương nhất quán và không ngừng phát triển của Đảng ta về sự kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong thời kỳ mới.

Trước hết, sự phát triển đó được thể hiện ở quan điểm của Đảng ta về “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh” *(2). Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, kinh tế - xã hội phát triển, tăng trưởng kinh tế không chỉ tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn lực kinh tế cho tăng cường tiềm lực quốc phòng, mà còn tạo cơ sở chính trị - xã hội thuận lợi cho việc nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đại hội Đảng lần thứ XI đã phát triển nhận thức đó ở chỗ, coi sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước là nền tảng của quốc phòng - an ninh. Chúng ta hiểu rằng, sự ổn đinh và phát triển bền vững đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội. Vì thế, xét cho cùng sự ổn định và phát triển bền vững đời sống kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện để giải quyết tốt vấn đề lợi ích của dân, bảo đảm sự thống nhất lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng và toàn xã hội, tăng cường sự cố kết nhà - làng - nước trong thời đại mới, do đó nó cho phép huy động được sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trong khi đề cao ảnh hưởng tích cực của ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đối với quốc phòng an ninh, Đảng ta không hề coi nhẹ vai trò của quốc phòng - an ninh. Chính vì vây, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định quan điểm: “Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững” *(3). Bởi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đang biến đổi nhanh chóng và phức tạp. Trong thời gian tới, trên thế giới xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo, hợp tác kinh tế toàn cầu với nội dung cơ bản là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động vẫn không từ bỏ tham vọng bá quyền, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang tồn tại, do vậy nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn chưa bị loại trừ.

Đối với Việt Nam, sau nhiều năm thực hiện chính sách bao vây, cấm vận, chống phá không đạt kết quả, các nước đế quốc đang tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Với chính sách hai mặt, họ vừa ve vãn lôi kéo, vừa gây sức ép nhằm tạo ra sự mơ hồ trong xác định đối tác và đối tượng, chuyển hóa tư tưởng, lối sống trong xã hội, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; hỗ trợ, chỉ đạo các lực lượng phản động, chống đối tiến hành các hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ. Bên cạnh đó, sự tranh chấp chủ quyền biển đảo, khai thác tài nguyên ở Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa giữa Việt Nam với một số nước láng giềng sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, tăng cường quốc phòng - an ninh là hết sức cần thiết.

Để tăng cường mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh, Đảng ta kiên định thực hiện “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”*(4). Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Theo đó, các bộ ngành, địa phương phải quán triệt và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và địa phương mình; đồng thời cơ quan quân sự các cấp phải tham gia thẩm định các kế hoạch, quy hoạch và dự án kinh tế - xã hội của bộ, ngành liên quan đến quốc phòng, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lập kế hoạch động viên nhân lực, phương tiện, vật chất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận, thực sự phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ địa phương.

Với quyết tâm tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã có những chỉ đạo hết sức thiết thực trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trong đó nổi lên chủ trương: Quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh ở các vùng, địa bàn trọng điểm. Lồng ghép các chương trình để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo*(5). Thực tế, những năm qua chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả nhiều đoàn kinh tế - quốc phòng; quốc phòng - kinh tế trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, các địa bàn còn có khó khăn, phức tạp về dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, những địa bàn nhậy cảm về quốc phòng - an ninh, nơi các thế lực thù địch đang tập trung chống phá. Trong thời gian tới, các đoàn kinh tế - quốc phòng cần được tăng cường cả về chất lượng và số lượng, đồng thời việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng cần được lồng ghép với các chương trình như: quy hoạch, phân bố lại dân cư, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng - an ninh của đất nước ta.

Trong thời gian tới, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của ta trên vùng biển, đảo sẽ có những diễn biến phức tạp, vì vây Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ phải “Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia” *(6). Điều đó sẽ cho phép tổ chức, phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng quần chúng nhân dân với các lực lượng vũ trang trong tham gia quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng ứng phó với mọi bất trắc về thiên tai, địch họa, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, bảo vệ lợi ích kinh tế biển, đảo của ta.

Sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh còn được thể hiện ở việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quốc phòng - an ninh. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vấn đề này được đề cập trong chủ trương “Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng” *(7). Chúng ta cần nhận thức rằng, phát triển công nghiệp quốc phòng và khoa học kỹ thuật quân sự là một nhiệm vụ hết sức cần thiết để giữ vững độc lập, tự chủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bởi vì chúng ta có thể lường trước là, khi xảy ra những bất đồng về chính trị, xung đột vũ trang thì các lực lượng thù địch sẽ dùng thủ đoạn cô lập ta về nhiều mặt, trong đó có cấm vận về vũ khí. Do đó, tự sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một trong những công việc hết sức trọng yếu trong xây dựng tiềm lực quân sự của đất nước hiện nay. Muốn vậy, Nhà nước phải chú trọng đầu tư để hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, khuyến kích phát triển những ngành công nghiệp lưỡng dụng, khi thời bình tập trung sản xuất phục vụ dân sinh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì có thể chuyển nhanh sang sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng. Điều đó đưa tới yêu cầu Nhà nước phải có chế tài và kế hoạch huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực, cũng như khoa học, kỹ thuật, công nghệ ... của đất nước vào xây dựng công nghiệp quốc phòng.

Sức mạnh quốc phòng của đất nước bắt nguồn từ sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn dân, trong đó sức mạnh của yếu tố chính trị - tinh thần và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nền tảng. Vì vậy, chúng ta phải nêu cao vai trò trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi tầng lớp xã hội và mọi người Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh lịch sử mới. Đúng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân”*(8). Để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao này chúng ta phải quan tâm giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc đi đôi với thể chế hóa trách nhiệm của tất cả các lực lượng, của mọi tổ chức và mọi con người đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh trong điều kiện mới.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh thực chất là bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng tiềm lực của quốc gia với xây dựng thực lực quốc phòng, quân sự; giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng, nước ta vẫn thuộc hàng các nước đang phát triển, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mới đạt được những kết quả bước đầu, thu nhập tính theo GDP/đầu người còn thấp… Vì vậy, việc huy động tiềm lực kinh tế kỹ thuật và tài chính của đất nước để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải xử lý hài hoà giữa nhu cầu của phát triển kinh tế, đảm bảo “khoan sức dân” và tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng. Vì vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định phải “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân....Xây dựng Quân đội nhân dân với quân số thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp” *(9). Phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân trên đây thể hiện việc xử lý một cách tài tình của Đảng ta về “bài toán” số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm cho Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhưng đồng thời bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực của đất nước để tạo điều kiện tốt nhất cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Tóm lại, sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Đến lượt mình, chính kết quả của việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ lại là nhân tố bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đó là những biểu hiện sinh động của mối quan hệ biện chứng, khách quan giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giải quyết tốt mối quan hệ này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quan ta phải thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Sự kết hợp đó sẽ góp phần thiết thực đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào trong cuộc sống, bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt tới thành công to lớn hơn nữa./.

Thiếu tướng, PGS. TS. Trương Thành Trung
Phó Giám đốc Học viện Chính trị



----------------------------------------------------------------
*(1) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 72 - 73.
*(2) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 82.
*(3) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 99.
*(4) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr 82.
*(5) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr. 138.
*(6) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.203.
*(7) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.138.
*(8) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.45.
*(9) Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.82 - 83.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất