“Niềm tin chỉ thực sự vững chắc khi việc thực hiện Nghị quyết có kết quả trong thực tiễn”, nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trăn trở trong câu chuyện làm thế nào để đưa Nghị quyết (NQ) Đại hội lần thứ XI vào cuộc sống.
Triển khai NQ cũng là việc đấu tranh vì lợi ích chung, vì lợi ích toàn cục
Thưa nhà báo Hữu Thọ, không phải tới lần này mà từ trước đến nay chúng ta vẫn “mắc” phải chỗ này: Nghị quyết, chủ trương đúng đắn nhưng việc thực hiện NQ trong thực tiễn cuộc sống có khi lại không được đúng như vậy. Cho nên, thời điểm này là rất quan trọng, học tập, triển khai NQ Đại hội Đảng vào cuộc sống thế nào để trí tuệ toàn Đảng, toàn dân được huy động khi xây dựng văn kiện Đại hội không trở thành uổng phí?
Có thể nói, việc triển khai NQ Đại hội XI của Đảng mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, lại vào thời điểm tình hình kinh tế đang diễn biến phức tạp. Trước đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết, Chính phủ cũng đưa ra các nhóm giải pháp mà những nhà kinh tế học và người dân đều thấy là chính xác. Nhưng vấn đề quan trọng là thực hiện những nhóm giải pháp đó không hề đơn giản. Như việc cắt giảm chi tiêu công chẳng hạn cũng sẽ động vào quyền lợi, lợi ích của các địa phương, của các ngành, và đặc biệt động vào lợi ích của từng nhóm lợi ích, cho nên có thể diễn ra các cuộc “vận động hành lang” cho tới cấp cao. Thật không đơn giản! Rất có thể những cái cần cắt thì họ lại không cắt, có những cái không nên cắt, thì lại bị cắt. Vừa rồi xem tivi, tôi thấy giật mình vì ở một địa phương, họ đã “cắt” đầu tư xây dựng cầu, chứ không “cắt” việc sửa chữa trụ sở, mà rõ ràng việc sửa chữa trụ sở làm sao quan trọng bằng xây cầu cho người dân đi lại. Như vậy triển khai NQ cũng là việc đấu tranh vì lợi ích chung, vì lợi ích toàn cục. Phải rất kiên quyết, phải có kỷ luật sắt mới có thể thực hiện thắng lợi được. Đặc biệt, khi các nhóm lợi ích liên kết với nhau, giữa một số người trong bộ máy công quyền và một số doanh nghiệp... có thể làm méo mó các chủ trương đúng đắn. Như đã nói, trong một thời gian ngắn, những quyết sách không phải cứ đưa ra là có tác dụng ngay, mà cần phải có một thời gian xây dựng các phương hướng cụ thể để đưa vào cuộc sống, có thể phải một vài tháng sau nếu thực hiện tốt, chúng ta mới nhìn thấy kết quả.
Học Nghị quyết phải đi đôi với hành động
Vì thế đưa Nghị quyết vào cuộc sống không phải chỉ dừng lại ở các cuộc “học Nghị quyết” ở các ngành, các cấp?
Kết quả thực hiện phương hướng mới tạo nên niềm tin vững chắc vào phương hướng. Do đó, sự “quán triệt” trong học tập phải đi đôi với hành động, chứ không thể cứ ngồi quán triệt nội dung, buông lơi sự lãnh đạo quản lý thực hiện. Chẳng hạn khi triển khai NQ, nếu chúng ta không nâng cao hiệu quả đầu tư, không kiềm chế được lạm phát, không chống tham nhũng, lãng phí, mọi thứ vẫn trì trệ... thì có học tập nhiều lần cũng khó xây dựng được niềm tin của người dân. Xin nhấn mạnh, cho dù là đảng viên hay những người dân bình thường, niềm tin ấy cũng chỉ được xây dựng trên cơ sở những kết quả thực hiện NQ (dù là bước đầu) được thấy rõ ràng.
Chúng ta xây dựng niềm tin vào NQ, niềm tin ấy không phải chỉ cần thiết khi nghe giảng dạy, tuyên truyền, mà nó chỉ vững chắc khi đường lối thành hiện thực, người ta phải sờ thấy, trông thấy; đời sống nhân dân phải ngày một nâng cao lên, không khí dân chủ ngày một cởi mở hơn, sự phiền hà xã hội, quan liêu, lãng phí, tham nhũng phải bớt đi... Ở thời điểm này, tôi tin các địa phương cũng đang triển khai những chương trình hành động cụ thể của họ.
Trong số các mục tiêu, chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần này đề ra để đưa đất nước phát triển, theo ông, trước mắt chúng ta nên chọn cái gì làm khâu đột phá?
Văn kiện cũng nêu lên những khâu đột phá như đột phá về thể chế, đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, đột phá vào khâu nhân lực... Tất cả những việc đó ngành nào cũng cần phải làm, song mỗi một ngành có những việc riêng. Nhưng vấn đề cuối cùng cần nhớ rằng NQ Đại hội đã nhấn mạnh: lấy con người là trung tâm của chiến lược phát triển.
Ví dụ, cải cách hành chính từ nhiều cửa thành ít cửa - đồng ý, nhưng nếu anh “gác cửa” không tận tâm tận lực vì nhân dân thì một cửa có khi còn phiền hà hơn nhiều cửa. Như vậy cần phải hiểu đưa NQ vào cuộc sống là biến những phương hướng, tư tưởng của Đảng trong xây dựng, giáo dục con người thành hiện thực.
Nhân dân sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết
Thưa ông, giám sát cũng sẽ là việc rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện NQ Đại hội Đảng?
Tất nhiên là có những cơ quan giám sát của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, nhưng NQ Đại hội Đảng có nêu: phải dựa vào dân, nhờ dân giám sát các hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Như vậy, giám sát của dân là rất quan trọng. Bác Hồ cũng nói rằng dân biết những việc mà cán bộ, lãnh đạo chưa chắc đã biết, cho nên chúng ta phải phát huy dân chủ, hãy để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Giám sát của dân trong công tác xây dựng Đảng là một nội dung của NQ Đại hội Đảng. Theo tôi rất cần và rất coi trọng phát huy vai trò của nhân dân, của các tổ chức nhân dân trong việc giám sát hoạt động đưa NQ Đại hội Đảng vào cuộc sống.
Thưa ông, vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền đưa NQ Đại hội Đảng vào cuộc sống?
Mục đích của chúng ta là góp phần tạo nên một sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc quán triệt và thực hiện các NQ Đại hội , vì chỉ có trên cơ sở nhất trí cao, tạo niềm tin thì mới có thể tổ chức thực hiện thắng lợi NQ.
Báo chí có một vị trí riêng vì tính thông tin rộng rãi trong đại chúng. Đặc điểm quan trọng của báo chí là tác động vào dư luận xã hội và có khả năng tạo nên những phong trào quần chúng để đưa NQ vào cuộc sống. Báo chí cũng là kênh giới thiệu những chương trình hành động, đặc biệt giới thiệu những kết quả thiết thực, rõ ràng từ những chương trình hành động của các địa phương, các ngành, để từ đó nhân lên. Chúng ta còn nhớ, Đại hội Đảng lần thứ VI- mở đầu thời kỳ đổi mới, Đảng đã phê phán giới báo chí tuyên truyền hời hợt, đơn điệu, một chiều. Có nghĩa là Đảng muốn giới báo chí phải thông tin sâu sắc, thực chất hơn, đa dạng hơn, nhiều chiều hơn. Do đó, khi đi vào cuộc sống để phản ánh những vấn đề thực tiễn, người làm báo còn có trách nhiệm phản hồi từ thực tiễn, để xác định những cái gì được, những cái chưa được, những cái gì cản trở việc thực hiện đường lối của Đại hội để tiếp tục đấu tranh. Từ đó góp phần hoàn thiện phương hướng, giải pháp, chính sách của Đảng, giúp cho việc tổ chức thực hiện NQ đạt được kết quả.
Tôi chỉ tin một cách sâu sắc khi việc thực hiện NQ có kết quả
Từ đầu cuộc trò chuyện đến giờ, ông luôn nhấn mạnh niềm tin của nhân dân chỉ có được khi có kết quả thực hiện NQ trong thực tiễn. Lúc này còn quá sớm để đưa ra đánh giá, nhưng cá nhân mình, ông có niềm tin thế nào về sự phát triển của đất nước theo đường hướng mà NQ Đại hội Đảng đã đề ra?
Tất nhiên tôi cũng như nhiều người khác, tin tưởng về phương hướng, nhưng tôi chỉ tin một cách sâu sắc khi việc thực hiện có kết quả, phải nhìn thấy sự phát triển. Có thể một năm đầu có thể chưa nhìn thấy kết quả ngay, nhưng một hai năm chỉ số ICOR giảm xuống, lạm phát từng bước giảm xuống, GDP giữ vững được, an sinh xã hội tốt hơn, đời sống nhân dân được đảm bảo, rồi xã hội có dân chủ hơn, cởi mở hơn, lãng phí tham nhũng giảm; những người tham nhũng và những lãnh đạo để cơ quan, tổ chức tham nhũng phải bị xử lý trách nhiệm nghiêm minh như NQ Đại hội đã nêu ra thì thực tiễn ấy mới làm cho niềm tin thêm sâu sắc. Tôi nhấn mạnh, chỉ có kết quả thực tiễn mới tạo nên niềm tin cơ bản.
Việc quan trọng bây giờ là phải hành động, nên nói ít đi, làm nhiều hơn. NQ Đại hội lần thứ XI cũng đề cập phải tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng theo tôi cách làm phải mới hơn, thiết thực hơn. Đánh giá Cuộc vận động quan trọng này có kết quả thì tham nhũng lãng phí phải giảm bớt; bộ máy công quyền phải trong sạch hơn, đỡ phiền hà nhân dân hơn; mọi thứ phải tốt hơn... thì mới gọi là làm theo Bác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.
Theo Hương Lê/Đại đoàn kết