Ngày 3/12, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thông qua 54 nghị quyết về an ninh quốc tế và giải trừ quân bị.
Về lĩnh vực vũ khí hạt nhân, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua 16 nghị quyết, trong đó có các nghị quyết về thiết lập khu vực không vũ khí hạt nhân ở Trung Đông; Hiệp ước phi vũ khí hạt nhân toàn châu Phi; cấm vũ khí hóa học và sinh học; ngăn chặn các tổ chức khủng bố dành được vật liệu và nguồn phóng xạ; cấm đổ phế thải phóng xạ.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đạt được sự đồng thuận hoàn toàn đối với Nghị quyết về cấm thử toàn diện vũ khí hạt nhân đồng thời nhất trí chọn ngày 29/8 hàng năm làm Ngày Quốc tế chống thử hạt nhân.
Đặc biệt, các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết cấm vật liệu phân hạch sử dụng cho vũ khí hạt nhân và yêu cầu Hội nghị giải trừ quân bị của Liên hợp quốc bắt đầu thương lượng về vấn đề này ngay đầu năm 2010.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng bỏ phiếu thông qua nghị quyết với đa số ủng hộ kêu gọi Triều Tiên nhanh chóng trở lại bàn đàm phán 6 bên để giải quyết chương trình hạt nhân của nước này.
Đại hội đồng Liên hợp quốc còn thông qua nghị quyết khẳng định quyết tâm loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong đó yêu cầu các nước đang sở hữu loại vũ khí này giảm dần số lượng một cách minh bạch và khuyến khích Nga và Mỹ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước giảm vũ khí tiến công chiến lược và giảm nhiều hơn nữa các loại vũ khí này.
21 nghị quyết về giải trừ các loại vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí thông thường, buôn bán bất hợp pháp các loại vũ khí nhỏ và nhẹ; cấm quân sự hóa khoảng không vũ trụ; giải trừ quân bị và an ninh khu vực; cơ chế giải trừ quân bị; hiệp ước về khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á; phi vũ khí hạt nhân hóa bán cầu Nam.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng điều cấp thiết là phải giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính sách an ninh của các nước để giảm đến mức thấp nhất hiểm họa sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiến trình loại bỏ hoàn toàn vũ khí này trên toàn cầu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua mà không cần bỏ phiếu 8 nghị quyết về các biện pháp giải trừ quân bị; quan hệ giữa giải trừ quân bị và phát triển tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong thực hiện các biện pháp giải trừ quân bị; tăng cường an ninh quốc tế; vai trò của khoa học công nghệ trong giải trừ quân bị và an ninh quốc tế; phát triển thông tin và viễn thông trong bối cảnh an ninh quốc tế; thông tin khách quan về các vấn đề quân sự và minh bạch trong chi phí quân sự./.
(TTXVN)