Thứ Ba, 26/11/2024

Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020

 
 

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu ý kiến

Ngày 30-11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đến dự có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

 

Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Những năm qua Hội đã có nhiều cố gắng trong việc tập hợp các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử; đoàn kết giới sử học cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam; phổ biến tri thức lịch sử; chủ trì và tham gia biên soạn, xuất bản nhiều công trình sử học quan trọng; thực hiện tư vấn, phản biện giám định xã hội đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc; thiết lập giao lưu với giới sử học quốc tế. Hệ thống tổ chức của Hội ngày càng được mở rộng, hiện có khoảng bốn nghìn hội viên chính thức. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã xây dựng, hình thành Quỹ Phát triển sử học Việt Nam góp phần đào tạo nhân tài sử học, khuyến khích tài năng trẻ trong học tập, nghiên cứu lịch sử.

Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Sứ mệnh Khoa học Lịch sử là hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang cho nên vai trò của Khoa học Lịch sử và các nhà sử học luôn được đánh giá rất cao. Chủ tịch nước khẳng định, những chiến công oai hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX cũng như trong sự nghiệp đổi mới đều có những đóng góp đáng kể của giới sử học, nhất là những đóng góp trong khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị trong thời gian tới, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần động viên đến mức cao nhất lực lượng và công sức của giới sử học vào việc triển khai và hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam; động viên các nhà sử học và trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo ra hôm nay).

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, Hội sẽ huy động giới sử học cả nước tham gia biên soạn bộ Quốc sử “Lịch sử Việt Nam”, tích cực tham gia tư vấn, phản biện các công trình nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc, như sách giáo khoa lịch sử, chương trình môn Lịch sử trong trường học, các hoạt động liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam; củng cố, mở rộng hệ thống tổ chức Hội ở các bộ, ngành, địa phương; chú trọng mở rộng quan hệ giao lưu với giới sử học quốc tế...

Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành gồm 64 đại biểu; GS Phan Huy Lê được bầu lại làm Chủ tịch Hội.

* Cũng tại Đại hội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trao tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Theo Nhân Dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất