(TG) - Đại hội cũng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong không khí cả nước phấn khởi hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2015), Quốc khánh 2/9 và hướng tới chào mừng Đại hội XII của Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đã khai mạc tại Hà Nội ngày 7/8.
Diễn ra trong 3 ngày, từ 7 – 8/8, Đại hội họp nội bộ; ngày 9/8, Đại hội chính thức sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng các kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam và VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong buổi làm việc sáng nay của Đại hội, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trên tinh thần đoàn kết, trí tuệ, dân chủ và trách nhiệm cao, thay mặt Đảng đoàn và Ban Thường vụ, tôi đề nghị các đại biểu Phát huy dân chủ đi đôi với nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỉ cương, kỉ luật trong thảo luận, trong bầu cử tại Đại hội…; Tham gia tích cực, đầy đủ, có chất lượng tất cả các hoạt động của Đại hội, với sự cố gắng cao nhất, với ý thức, lòng tự hào, tình cảm và sứ mệnh cao cả của người đại biểu đại diện cho hội viên về sự Đại hội.”
“Đại hội đại biểu toàn quốc lầm thứ X Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam”, đồng chí Thuận Hữu cho biết.
Trong 3 ngày làm việc, Đại hội XII của Đảng, sẽ nghiêm túc đánh giá hoạt động của Hội 5 năm qua (2010-2015), khẳng định, biểu dương nỗ lực, thành tựu và những đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bước phát triển toàn diện, tích cực của Hội; thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; đánh giá sâu sắc bối cảnh, tình hình quốc tế, trong nước và thực tiễn đời sống báo chí, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ khóa X (2015 – 2020).
Đại hội cũng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X để lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong 3 ngày, Đại hội sẽ nghiêm túc xem xét, thảo luận trước Đại hội các văn kiện: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX “Nâng cao chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; Dự thảo sửa đổi, bổ sung “Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam”; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX; Báo cáo công tác kiểm tra của Hội; và một số văn bản khác. Báo cáo của Ban Chấp hành và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ lần này được chuẩn bị công phu với sự tham gia của các cấp Hội trong cả nước, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các nhà báo lão thành cùng với sự làm việc có trách nhiệm cao của Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
Tham dự Đại hội X có 501 đại biểu chính thức (452 đại biểu được bầu từ các cấp hội và 49 đại biểu đương nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX), trong đó, 389 đại biểu nam, 112 đại biểu nữ. Về trình độ học vấn: học hàm Phó Giáo sư: 04 đại biểu; Tiến sĩ: 19 đại biểu; Thạc sĩ: 61 đại biểu; Đại học và cao đẳng: 415 đại biểu; 01 người trình độ dưới đại học. Về trình độ lý luận chính trị: hầu hết đại biểu có trình độ cao cấp, cử nhân. Đại biểu cao tuổi nhất là nhà báo Trần Xuân Thuyết, sinh năm 1937, thuộc Chi hội Cây thuốc quý; đại biểu ít tuổi nhất là nhà báo Đỗ Thị Phương Lan, phóng viên báo Công Thương, sinh năm 1986./.
Nhật Minh