Thứ Ba, 10/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 17/5/2022 14:54'(GMT+7)

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31: Thể thao - Nhịp cầu gắn kết toàn xã hội

​SEA Games 31 đã làm sống dậy tinh thần phấn chấn, khát khao về một tương lai tươi sáng mở ra sau đại dịch của người dân.. (Nguồn: TTXVN)

​SEA Games 31 đã làm sống dậy tinh thần phấn chấn, khát khao về một tương lai tươi sáng mở ra sau đại dịch của người dân.. (Nguồn: TTXVN)

Sau ngày khai mạc, nhiều bộ môn của SEA Games 31 đã diễn ra đồng loạt, các nhà thi đấu, sân vận động phải hoạt động hết công suất. Tưởng chừng như lượng khán giả sẽ bị phân tán ở nhiều nơi, nhưng không, đa phần các địa điểm thi đấu đều được lấp đầy, thậm chí có nơi, khán giả phải đứng xem trong nhiều giờ vì... hết ghế ngồi.

Bóng đá - môn “thể thao vua” luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Ngay từ trận đầu ra quân của U23 Việt Nam trên Sân vận động Việt Trì (Phú Thọ), nhiều khán giả ngoại tỉnh đã phải xuất phát về  miền Đất Tổ từ khi trời chưa sáng để "săn” vé nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận đứng ngoài vì “chậm chân.”

Chiến thắng trong ngày đầu ra quân, đoàn quân của thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo đã tặng cho người hâm mộ một "bữa tiệc" bóng đá đúng nghĩa. “Nóng” trên sân cỏ, “nóng” trên khán đài và “nóng” ngay cả trên đường phố, quảng trường.

Hơn hai vạn chỗ ngồi trên sân Thiên Trường đã được phủ kín, những âm thanh cổ vũ náo nhiệt được duy trì gần như toàn bộ thời gian diễn ra trận đấu. Điều đó đã góp phần rất lớn khích lệ tinh thần thi đấu của các cầu thủ.

Không chỉ “nhiệt” trên khán đài, những người yêu bóng đá Nam Định đã có nhiều hành động tuyệt vời như đến điểm lưu trú của U23 Lào để cổ vũ, động viên tinh thần; sử dụng quốc kỳ của các nước để cổ vũ họ khi thi đấu. Những ấn tượng đó không phải ở bất cứ nơi đâu họ cũng có thể bắt gặp.

Thông qua thể thao, những người bạn quốc tế càng hiểu rõ hơn lòng hiếu khách, sự chân thành, thân thiện, yêu chuộng hoà bình, yêu chuộng thể thao của Nhân dân Việt Nam.

Không chỉ bóng đá mới nhận được sự quan tâm đặc biệt mà những môn thể thao khác cũng đón nhận tình cảm nồng nhiệt của nhân dân. Nhà thi đấu Quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi diễn ra bộ môn Wushu luôn kín chỗ ngồi ngay cả khi trước “giờ G.

”Sáng 15/5, những nội dung Taolu cuối cùng của Đoàn thể thao Việt Nam diễn ra, sức “nóng” trên khán đài đã tiếp thêm ngọn lửa tinh thần cho những vận động viên dưới sân đấu.

Khi các vận động viên bắt đầu bài biểu diễn, tiếng hò reo, tiếng vỗ tay không ngớt, không phân biệt quốc gia, giới tính, chỉ có điều khác biệt duy nhất là những tiếng hô “Việt Nam cố lên”, “Việt Nam vô địch” được vang lên mạnh mẽ mỗi khi vận động viên của chúng ta thi đấu.

“Cô gái vàng” Wushu Việt Nam Dương Thuý Vi bày tỏ sau màn biểu diễn Taolu: Hơn 20 năm tập luyện, thi đấu, nhưng đây là lần đầu tiên em cảm nhận được sự cổ vũ “cháy” đến như vậy. Khi thi đấu, các vận động viên chờ đợi nhất chính là sự cổ vũ, ủng hộ nồng nhiệt của khán giả.

Môn Bóng rổ diễn ra tại Nhà thi đấu huyện Thanh Trì (Hà Nội). Dù môn thể thao này chưa thực sự phổ biến ở nhiều địa phương tại Việt Nam, nhưng không vì thế mà khán đài thưa người. Trận đấu 3x3 của Đội tuyển Bóng rổ Việt Nam thi đấu sát giờ trưa, nhưng khi mặt trời đứng bóng, tiếng hò reo vẫn chưa ngớt. Dường như tất cả mọi người đều đứng dậy theo dõi, cổ vũ cho các đội.

Các vận động viên trên đường đua 100m vượt rào nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trên sân thi đấu Cầu mây tại Nhà thi đấu Quận Hoàng Mai (Hà Nội), mọi ánh mắt đều dõi theo các tuyển thủ trong những tình huống Santo, rồi lại vỡ oà cảm xúc, hò reo mỗi khi Đội tuyển Việt Nam ghi điểm. Cô Hoàng Minh (62 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng con gái luôn có mặt từ sớm để cổ vũ những chàng trai, cô gái của tuyển Cầu mây Việt Nam.

Sau gần 20 năm, Việt Nam lại vinh dự đăng cai tổ chức SEA Games 31, tình yêu dành cho thể thao nói chung và Cầu mây nói riêng với cô chưa hề vơi đi. Cô mong rằng, với tinh thần thi đấu quyết tâm, nỗ lực cống hiến hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc, những vận động viên Cầu mây Việt Nam sẽ đứng trên bục cao nhất để nhận huy chương.

Thể thao luôn là nhịp cầu kết nối con người với con người, quốc gia, dân tộc với quốc gia, dân tộc. Việt Nam đã chờ đợi gần 20 năm để lại được tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á-SEA Games 31. Những lá quốc kỳ của các quốc gia trong khu vực ASEAN đã tung bay trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương lân cận.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games nội dung 400m tự do nam tối 16/5.

Ngọn đuốc SEA Games đã cháy sáng trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Thông qua SEA Games 31, bạn bè quốc tế sẽ thêm hiểu hơn về đất nước, con người, sự hiếu khách, thân thiện, tinh thần thể thao nhiệt huyết, hết mình, fair play của các vận động viên và Nhân dân Việt Nam.

SEA Games 31 - Minh chứng sống động về bảo đảm quyền con người sau đại dịch

Trong những ngày này, toàn thể người dân và đất nước Việt Nam đang sống trong không khí hào hứng, phấn khởi của SEA Games 31.

Những con đường tràn ngập sắc màu của cờ hoa, áp-phích, phố phường tấp nập, các du khách quốc tế, hay lượng khán giả khổng lồ phủ kín những khán đài trong các trận đấu bất kể đội chủ nhà Việt Nam có thi đấu hay không… cho thấy người dân đã thực sự yên tâm, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi và kinh tế-xã hội đang phục hồi nhanh chóng.

Diễn ra đúng thời điểm khi đại dịch đã lắng xuống, trong bối cảnh đất nước đang rất cần động lực phục hồi phát triển, SEA Games 31 được xem như luồng sinh khí mới thổi vào dải đất hình chữ S.

Không phụ sự kỳ vọng, SEA Games 31 thật sự đã làm sống dậy tinh thần phấn chấn, khát khao về một tương lai tươi sáng mở ra sau đại dịch của người dân.

Nhiệt tình cổ vũ trước mỗi trận đấu.

Khung cảnh sôi động ở Việt Nam trong những ngày này cũng được nhiều du khách và giới truyền thông quốc tế thừa nhận, dành nhiều lời khen ngợi.

Cảm nhận được khí thế của người dân khi tham quan tại Hà Nội, ông Gerald Blandes, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Đường phố thật đông đúc và rộn ràng. Tôi vốn đến Việt Nam để nghỉ dưỡng, nhưng vẫn bị thu hút bởi những con phố rực rỡ sắc màu và tinh thần thể thao của mọi người nơi đây”.

Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nhiều chiều đến các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân, đồng thời tạo áp lực lớn đến kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trong công tác phòng chống dịch, đồng thời thúc đẩy an sinh xã hội, quyền của những đối tượng yếu thế.

Vận động viên Bùi Thị Nguyên (Việt Nam) Huy chương Vàng nội dung 100m vượt rào nữ, Emila Nova (Indonesia) HCB và vận động viên Jelly D.P Casal (Philippines) HCĐ.(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Tính đến ngày 15/5/2022, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở Việt Nam là 217.039.026 liều.

Kết quả ấn tượng này đã giúp Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, kể từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế, đánh dấu khả năng sẵn sàng phục hồi, chuyển mình tích cực sau đại dịch, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch.

Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng “… lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất”.

Quyết tâm tổ chức SEA Games 31 của nước chủ nhà Việt Nam đã chỉ ra rằng, trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu thể thao phải hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ. SEA Games 31 cũng có thời điểm đứng trước nguy cơ tương tự. Tuy nhiên, nước chủ nhà Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì tốt nhất để đảm bảo SEA Games 31 diễn ra một cách an toàn nhưng vẫn mang đậm tinh thần thể thao.

Đẩy lùi những tác động của đại dịch vào quá khứ, SEA Games 31 rõ ràng đang tạo động lực về tinh thần cho người dân, đồng thời là cú hích cho du lịch Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung phục hồi và sớm quay lại đà phát triển trong thời gian tới.

Cặp đôi luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các khán giả đến xem.

Thông điệp về một Việt Nam tỏa sáng sau đại dịch với con người được đặt vào vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển cũng được truyền tải rõ nét trong bài hát "Let's shine" (Hãy tỏa sáng), bài hát chính thức của SEA Games 31.

Qua đó, có thể khẳng định rằng, việc tổ chức SEA Games 31 là minh chứng sống động nhất về một Việt Nam an toàn và khỏe mạnh hậu Covid-19, nơi người dân được bảo đảm đầy đủ các quyền con người, nơi người dân có thể mỉm cười hạnh phúc nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các cấp, các ngành, địa phương đã sát cánh cùng Chính phủ nhằm đẩy lùi đại dịch./.

Duy Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất