BIỂU HIỆN LỆCH CHUẨN TRONG VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA NGHỆ SĨ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của Internet và mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ đã có những cách thức đến gần hơn với công chúng thông qua việc chia sẻ không chỉ các hoạt động nghệ thuật mà còn cả các hoạt động xã hội, cuộc sống cá nhân… Nhiều nghệ sĩ đã biết tận dụng lợi thế của mình để quảng bá hình ảnh cá nhân, thương hiệu sản phẩm mà mình làm đại diện, tuyên truyền, lan tỏa các hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không ít nghệ sĩ đã đưa trang cá nhân của mình thành kênh thông tin lan tỏa những điều tốt đẹp, tuyên truyền các biện pháp phòng chống 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế; lan tỏa các hoạt động thiện nguyện và cổ vũ tinh thần người dân để cùng chung tay vượt qua đại dịch. Mạng xã hội đã trở thành cầu nối để nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng và được công chúng ngày càng tin tưởng, quý trọng.
Tuy nhiên, có một số nghệ sĩ đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện qua những xu hướng cơ bản sau:
Thứ nhất, sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm “câu like”, “câu view”, tăng tương tác trên mạng xã hội. Thậm chí, có hiện tượng không ít nghệ sĩ livestream để “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân… Những video livestream của một số nghệ sĩ thường thu hút đông đảo người xem, phần đông vì tò mò, hiếu kỳ song hầu như đều ngán ngẩm, phẫn nộ trước những ứng xử kém văn hóa của một số nghệ sĩ.
Thứ hai, sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân nhằm gây sự chú ý của nhiều người hoặc có những nghệ sĩ lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của bản thân đưa ra những phát ngôn gây “sốc”, tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. Điển hình là thời điểm lũ lụt miền Trung hay dịch bệnh COVID-19, không ít nghệ sĩ có những phát ngôn thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội về tình hình công tác phòng chống thiên tai, chống dịch.
Thứ ba, có những phát ngôn, chiêu trò quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật... hay đăng tải những bải viết có nội dung thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng về cách thức phòng chống dịch như dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, kêu gọi tẩy chay tiêm vaccine hoặc thậm chí quảng bá, kêu gọi công chúng đầu tư tiền ảo... Những hành động đó gây cản trở rất lớn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân; đồng thời, còn tiềm ẩn những hành vi phạm pháp.
Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa “chợ búa” trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là “cái vỏ vật chất của tư duy” nên hiện tượng “lệch chuẩn” trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.
Công chúng vốn là những người luôn theo sát các hoạt động của các nghệ sĩ, kể cả trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng nên thời gian qua, có không ít nghệ sĩ đã phải “trả giá” cho những lời nói, hành vi “lệch chuẩn” của mình. Có những nghệ sĩ có tên tuổi, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng đã bị cách chức vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân. Có không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng… Có lẽ, hình phạt nặng nề nhất đối với người nghệ sỹ là sự coi thường, mất niềm tin, “tẩy chay” của người hâm mộ dành cho các nghệ sĩ. Mặc dù đã có những lời xin lỗi, thanh minh nhưng không thể dễ dàng khỏa lấp sự mất niềm tin, yêu mến của công chúng đối với không ít nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hâm mộ đã đề nghị với các cơ quan quản lý phải có những hình thức kiểu “phong sát” giống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử “lệch chuẩn”.
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VĂN HÓA ỨNG XỬ KỊP THỜI
“Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vừa qua là một quy định được ban hành kịp thời nhằm điều chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thời gian qua và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Những quy tắc ứng xử chung đã được quy định rõ như: 1) Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. 2) Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. 3) Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Có thể nhận thấy, trong những quy định chung đã đề cập đến khía cạnh văn hóa ứng xử. Đó là tinh thần “thượng tôn pháp luật”, coi trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của các tổ chức, cá nhân; không được có những hành vi, ứng xử trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, Điều 8 “Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng” đã quy định cụ thể về ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đó là: 1) Cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan. 2) Không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. 3) Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc. 4) Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đây là những quy định rất cụ thể, rõ ràng về văn hóa ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Đó chính là những sợi dây vô hình điều chỉnh hành vi, văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ, song mặt khác, đó cũng chỉ chế tài minh bạch để xử lý những nghệ sĩ vi phạm quy định của Nhà nước. Điều đó không chỉ đánh dấu bước phát triển trong cách thức quản lý những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Nhà nước mà còn đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về việc “làm sạch” môi trường mạng bởi những ứng xử văn minh của các nghệ sĩ.
THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC QUY ĐỊNH
Để thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” và nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội, cần chú ý đến những giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt cho các nghệ sĩ quy định của Nhà nước về “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”. Các cơ quan quản lý của các nghệ sĩ cần đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên quán triệt cho các nghệ sĩ quy định mới của Nhà nước; lấy đó là căn cứ để xem xét, đánh giá phẩm chất, đạo đức, lối sống của các nghệ sĩ.
Thứ hai, mỗi nghệ sĩ cần có ý thức về thiên chức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện văn hóa ứng xử. Do đó, phải có ý thức trau dồi năng lực nghề nghiệp, bồi đắp tình cảm và niềm tin yêu của công chúng, đồng thời cũng phải điều chỉnh hành vi, ứng xử cho phù hợp với quy định của Nhà nước. Các nghệ sĩ nên biết tận dụng uy tín, hình ảnh của bản thân và lợi thế của mạng xã hội để lan tỏa những hành vi, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp theo phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu” để định hướng hành vi, thái độ đúng đắn cho công chúng.
Thứ ba, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các đơn vị quản lý của các nghệ sĩ cần nghiêm túc xử lý những nghệ sĩ có những sai phạm quy định về ứng xử trên không gian mạng. Theo đó, các cơ quan quản lý không được vì lợi nhuận các nghệ sĩ mang lại mà dễ dàng bỏ qua những sai phạm, xử lý không thỏa đáng để dung túng, tiếp tay của những ứng xử thiếu chuẩn mực của các nghệ sĩ. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm khắc, triệt để những nghệ sĩ do muốn “câu like”, “câu view”, gây chú ý dư luận nên đã cố tình có những sai phạm trong văn hóa ứng xử.
Thứ tư, các cơ quan báo chí, công chúng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phát hiện, phản ánh, tố giác những biểu hiện sai phạm trong văn hóa ứng xử của các nghệ sĩ trên không gian mạng. Các cơ quan báo chí cần mạnh mẽ lên án những sai phạm của các nghệ sĩ bằng cách đăng tải những tin bài phản ánh trung thực, khách quan để cảnh tỉnh, răn đe những nghệ sĩ coi thường quy định của Nhà nước. Công chúng cần có thái độ rõ ràng, dứt khoát, thậm chí “tẩy chay” những nghệ sĩ có những ứng xử thiếu chuẩn mực; không nên a dua, tiếp tay cho những sai phạm.
Có thể khẳng định, việc ban hành “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” là cần thiết. Điều đó không chỉ giúp cho các nghệ sĩ có thể điều chỉnh được hành vi của mình trên không gian mạng, không ngừng củng cố, gia tăng sự tin tưởng, yêu mến, quý trọng của các nghệ sĩ mà còn góp phần làm cho không gian mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh, thực sự là cầu nối để người nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng./.
TS. Thành Thu Trang
Học viện Chính trị Khu vực 1